Cơ hội vuột khỏi tay

Nguy cơ thỏa thuận hạt nhân Iran bị đổ vỡ đã đặt châu Âu vào thế tiến thoái lưỡng nan trong quan hệ với Iran, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế.
Một cơ sở hạt nhân của Iran ở ngoại ô TP Isfahan
Một cơ sở hạt nhân của Iran ở ngoại ô TP Isfahan

Tình thế này đã tạo thêm cơ hội cho Trung Quốc rót vốn vào hàng loạt dự án có quy mô lớn ở Iran trong các lĩnh vực cơ sở hạ tầng và y tế, giúp Trung Quốc thâm nhập sâu hơn vào một trong những thị trường kinh tế tiềm năng ở khu vực Trung Đông. 

Hàng chục tỷ USD đầu tư và thương mại từ phương Tây đã đổ vào Iran kể từ đầu năm ngoái. Kim ngạch thương mại giữa hai bên đã tăng gấp đôi, lên gần 10 tỷ EUR nửa đầu năm nay. Trước khi Iran bị cấm vận kinh tế, EU từng là đối tác thương mại hàng đầu của nước này. Các nước châu Âu chính là bên ủng hộ mạnh mẽ nhất thỏa thuận hạt nhân năm 2015. Tuy nhiên, những tuyên bố muốn hủy bỏ thỏa thuận hạt nhân từ phía Mỹ đã khiến mọi chuyện đi theo xu hướng không mong muốn. Nhưng do nguy cơ lệnh trừng phạt treo lơ lửng, ngày càng có nhiều nhà đầu tư châu Âu muốn Tehran đưa ra các đảm bảo tối cao để bảo vệ họ trong trường hợp các dự án bị dừng đột ngột. Các ngân hàng châu Âu tỏ ra dè dặt trong việc rót vốn các dự án ở Iran. Chính vì vậy, quan hệ kinh tế giữa Iran và nhiều đối tác thương mại ở châu Âu đã bị ảnh hưởng.

Với dân số khoảng 80 triệu người và có tầng lớp trung lưu đông đảo, Iran đã trở thành thị trường đầy tiềm năng cho các nhà đầu tư Trung Quốc. Các công ty Trung Quốc hiện là nhà đầu tư tài chính chủ yếu cho các dự án năng lượng ở Iran bao gồm các mỏ khai thác dầu quy mô lớn ở Yadavaran và Bắc Azadegan. Các công ty Trung Quốc cũng tham gia đầu tư vào nhiều dự án xây dựng đường cao tốc, khai thác mỏ và sản xuất thép ở Iran. Hai bên đã thiết lập mối quan hệ kinh tế, thương mại và năng lượng. Mới đây, công ty đầu tư quốc doanh CITIC Group của Trung Quốc đã mở một hạn ngạch tín dụng 10 tỷ USD cho Iran, trong khi Ngân hàng Phát triển Trung Quốc (CDB) đang cân nhắc cho Iran vay thêm 10 tỷ USD nữa. Dòng tín dụng này của Trung Quốc sẽ sử dụng đồng euro và nhân dân tệ để tránh lệnh trừng phạt từ Mỹ. 

Các thỏa thuận Trung Quốc đã ký kết với Iran là một phần trong sáng kiến “Vành đai và Con đường” trị giá 124 tỷ USD của Bắc Kinh, vốn nhằm xây dựng cơ sở hạ tầng mới từ các đường cao tốc, đường sắt cho tới các cảng và nhà máy điện  giữa Trung Quốc và châu Âu. Với cam kết tăng cường thương mại với Iran, Trung Quốc đã cho thấy rằng Iran đang đóng một vai trò quan trọng trong tham vọng thương mại của Trung Quốc trong chiến lược “Vành đai và Con đường”. Mục đích của việc thắt chặt quan hệ hợp tác còn nằm ở chỗ Bắc Kinh muốn mở rộng nguồn cung dầu thô, đề phòng tình trạng khủng hoảng năng lượng có khả năng xảy ra trong tương lai của quốc gia tỷ dân này. Trung Quốc hiện là khách hàng mua dầu lớn nhất của Iran và chiếm 1/3 tổng giá trị thương mại của Iran.

Ông Valerio de Molli, người đứng đầu tổ chức nghiên cứu European House Ambrosetti, nhấn mạnh rằng tỷ trọng mà Trung Quốc nắm giữ trong kim ngạch thương mại của Iran hiện cao gấp đôi so với tỷ trọng của EU. Ông Molli cảnh báo rằng giờ là lúc các doanh nghiệp châu Âu phải hành động, nếu không những cơ hội mà châu Âu đã nuôi dưỡng sẽ sớm vuột mất.

Tin cùng chuyên mục