Công ty “giúp sức” đường dây đánh bạc hàng ngàn tỷ

Để hợp thức thủ tục thanh toán qua ngân hàng cho các hóa đơn khống đã mua, Lê Thị Lan Thanh chỉ đạo Nguyễn Thị Dung (nhân viên Công ty GTS) thực hiện chuyển tiền từ tài khoản của 5 Công ty đến tài khoản các Công ty do Thanh mua hóa đơn (Công ty Mai Tuấn Hương; Công ty Cổ phần Nguyệt Ngà, Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại An Thịnh; Công ty AHHA).

Ngày 16-11, phiên tòa sơ thẩm xét xử các bị cáo trong vụ án “Sử dụng mạng internet thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản; Tổ chức đánh bạc; Đánh bạc; Mua bán trái phép hóa đơn; Rửa tiền; Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” bước sang ngày làm việc thứ 5. Tòa tiếp tục xét hỏi thẩm vấn nhóm các bị cáo bị truy tố về tội “Mua bán trái phép hóa đơn”; “Tổ chức đánh bạc”.

Tội danh “Mua bán trái phép hóa đơn” và “Tổ chức đánh bạc” mà bị cáo Lê Thị Lan Thanh (sinh năm 1981, trú tại 53A, ngõ Văn Chương, phường Văn Chương, quận Đống Đa, TP Hà Nội) nổi lên như một “bà trùm” tiếp sức cho đường dây đánh bạc trực tuyến hàng ngàn tỷ đồng do Phan Sào Nam và Nguyễn Văn Dương vận hành.

Sáng ngày 16-11, Lê Thị Lan Thanh đứng trước bục khai báo với trạng thái bình tĩnh, thản nhiên. Theo cáo trạng, “bà trùm” này thành lập 5 Công ty và trực tiếp điều hành hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực viễn thông; các công ty này đã được Sở kế hoạch và Đầu tư TP Hà Nội cấp Giấy chứng nhận đăng kinh doanh. Trong 5 công ty của “bà trùm”, nổi lên Công ty Cổ phần viễn thông và giải trí số Việt Nam (Công ty GTS) đóng vai trò trung gian thanh toán gạch thẻ giữa các nhà mạng Viettel, Mobifone, VinaPhone.

Tại tòa, bị cáo Thanh cho biết mình không trực tiếp làm hồ sơ thủ tục với các nhà mạng vì bị cáo “không am hiểu lắm về nhà mạng nên nhờ người khác làm giúp”.

Công ty “giúp sức” đường dây đánh bạc hàng ngàn tỷ ảnh 1 Bị cáo Lê Thị Lan Thanh trong phần xét hỏi sáng nay (16-11)
Theo đó, sau khi kết nối kỹ thuật với VTC Online của Phan Sào Nam, bị cáo thỏa thuận với Nguyễn Quốc Tuấn (Công ty CNC) và Phạm Tuấn Anh (Công ty VTC Online) về thời hạn thanh toán và bị cáo là người trực tiếp đứng ra đối soát.

Cơ quan điều tra xác định, Lê Thị Lan Thanh được hưởng lợi bất chính từ hành vi giúp sức tổ chức đánh bạc là hơn 182 tỷ đồng. Tại tòa, bị cáo khai trên thực tế không được hưởng số tiền lớn như vậy, nhưng cũng “không nhớ” mình đã được hưởng lợi bao nhiêu tiền từ việc làm cổng trung gian thanh toán cho các nhà mạng và mua bán hóa đơn trái phép.

Hội đồng xét xử hỏi bị cáo là người quản lý công ty nên phải biết được hưởng lợi bao nhiêu. Lúc này, Lê Thị Lan Thanh nói: “Vì là công ty của riêng bị cáo nên không tính toán được hưởng lợi bao nhiêu, vì thời gian ngồi tính toán xem mình hưởng lợi bao nhiêu thà làm việc còn hơn”.

Phần xét hỏi bị cáo Lê Thị Lan Thanh là phần xét hỏi mất nhiều thời gian nhất từ khi khai mạc phiên tòa. Trong phiên xét hỏi này, chủ tọa phiên tòa - Thẩm phán Nguyễn Thị Thùy Hương đã mời điều tra viên của cơ quan điều tra công bố thêm các bằng chứng, đồng thời đại diện Viện Kiểm sát cũng trình chiếu các tài liệu lên màn hình.

Tuy nhiên, ngay sau đó bị cáo Thanh phủ nhận vai trò giúp sức cho người khác tổ chức đánh bạc. Bị cáo Lê Thị Lan Thanh cho rằng, do làm kinh doanh, chạy theo lợi nhuận, không hiểu về văn bản pháp luận nên phạm tội.

Cũng trong phiên tòa ngày 16-11, cuối phiên xét hỏi buổi sáng, chủ tọa phiên tòa - Thẩm phán Nguyễn Thị Thùy Hương cho biết, Hội đồng xét xử nhận được văn bản số 53 của luật sư Lê Văn Thiệp (người bào chữa cho bị cáo Lê Thị Lan Thanh) về việc đề nghị triệu tập thêm người tham gia tố tụng. Tuy nhiên, Chủ tọa Nguyễn Thị Thùy Hương cho rằng, đơn gửi này không đúng với “địa chỉ” nên không xem xét. Giữa chủ tọa và luật sư đã xảy ra cuộc tranh luận cuối buổi.

Trước đó, theo cáo trạng của Viện Kiểm sát tỉnh Phú Thọ, tổng số tiền các nhà mạng được hưởng là hơn 1.200 tỷ đồng. Trong đó, Viettel hưởng hơn 913 tỷ đồng, VinaPhone hơn 147 tỷ đồng, MobiFone hơn 171 tỷ đồng.

Đây là số tiền thu lời không chính đáng đã được chứng minh là nguồn gốc tiền do đánh bạc mà có nên việc hưởng lợi của các nhà mạng là không có căn cứ pháp lý. Do đó, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Phú Thọ đề nghị truy thu nộp Ngân sách nhà nước.

Dự kiến, ngày mai (17-11), phiên tòa xét xử vụ đánh bạc trực tuyến hàng ngàn tỷ đồng sẽ tiếp tục với với các phần thẩm vấn Công ty GTS, Công ty An Thịnh và Công ty AHHA. Buổi chiều thứ 7 dự kiến sẽ xét hỏi nhóm các bị cáo giúp sức của Công ty Nam Việt.

Tin cùng chuyên mục