Thi tuyển thiết kế kiến trúc quốc tế

Đãi cát tìm vàng

SỰ KHẮT KHE CẦN THIẾT
Đãi cát tìm vàng
Đãi cát tìm vàng ảnh 1

Phối cảnh vị trí công trình - Tài liệu sử dụng cho cuộc thi tuyển thiết kế kiến trúc quốc tế.

Vừa qua, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đã phối hợp với Trường Đại học Kiến trúc TP.HCM công bố thi tuyển phương án Kiến trúc Tòa tháp BIDV (BIDV Tower) tại số 117-119 Nguyễn Huệ, Quận 1, TP.HCM. Đây là sự kiện quan trọng trong giới kiến trúc cả nước bởi tính chuyên nghiệp và quy mô tổ chức mang tầm vóc quốc tế.

SỰ KHẮT KHE CẦN THIẾT

Theo Tiến sỹ Phạm Tứ – Hiệu trưởng Trường Đại học Kiến trúc TP.HCM, Chủ tịch Hội đồng Giám khảo, cuộc thi tuyển thiết kế kiến trúc lần này mang nhiều ý nghĩa bởi BIDV Tower vừa là công trình kiến trúc nghệ thuật, vừa là Trung tâm Tài chính – Ngân hàng quốc tế, hoàn toàn do doanh nghiệp trong nước đầu tư. Về vị trí, vấn đề đáng quan tâm do công trình đặt gần trụ sở Ủy ban Nhân dân thành phố (UBNDTP), tọa lạc giữa trung tâm hành chính của thành phố nên yêu cầu tất yếu là tính phù hợp với tổng thể cảnh quan toàn khu vực. Chính vì thế, mặc dù có 15 đơn vị tham gia dự thi (10 đơn vị ngoài nước, 5 đơn vị trong nước) nhưng chỉ có 1 tác phẩm thiết kế được chọn để thực hiện. Đây là sự khắt khe nhưng thể hiện tính công bằng trong thi tuyển. Tính khách quan còn được thể hiện bởi chính chủ đầu tư BIDV cũng không tự quyết định lựa chọn tác phẩm thiết kế cho công trình của mình. Tất cả quy chế cuộc thi đều thực hiện theo Thể lệ thi tuyển quốc tế quy định tại Thông tư 05/2005/TT-BXD ngày 12-4-2005 của Bộ Xây dựng và hướng dẫn của UBND TP.HCM tại Công văn số 9686/UBND-ĐT ngày 27-12-2006.
 

Đãi cát tìm vàng ảnh 2

Kiến trúc cổ điển

Đãi cát tìm vàng ảnh 3

Kiến trúc hiện đại

Trả lời câu hỏi về việc “thi tuyển thiết kế kiến trúc quốc tế, liệu có cần thiết hay không ?”, Kiến trúc sư Khương Văn Mười – Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư TP.HCM khẳng định: Trong tương lai, việc thi tuyển thiết kế kiến trúc quốc tế cho các công trình trọng điểm sẽ ngày càng phổ biến hơn. Đây là cách thức hiệu quả để chọn lựa ra những công trình hoàn thiện, thiết kế đặc sắc. Nếu như trước đây, những công trình cao tầng đa phần chỉ cần tuân theo quy hoạch, khiến nhiều dự án tuy đảm bảo rất tốt yêu cầu kỹ thuật và quy hoạch nhưng về kiến trúc mỹ quan lại không thực sự hoàn mỹ. Và nhiều công trình không đặc sắc sẽ tạo nên một “trật tự không hài hòa”. Tại những vị trí trung tâm đô thị lớn như TP.HCM, nếu thực hiện nghiêm túc thi tuyển thiết kế kiến trúc sẽ tạo ra những công trình hoàn chỉnh hơn và thực sự có tầm vóc. Thứ trưởng Bộ Xây dựng Trần Ngọc Chính thì cho rằng việc thi tuyển thiết kế kiến trúc là cần thiết bởi “quy luật khắt khe” sẽ tạo ra những công trình giá trị. Trong hiện tại cũng như tương lai, các công trình trọng điểm quốc gia cần trải qua thi tuyển kiến trúc. Cụ thể, các công trình như Bảo tàng Lịch sử quốc gia, Tòa Nhà Quốc hội, Trung tâm Hội chợ Triển lãm Quốc gia đều là những công trình phải áp dụng quy chế thi tuyển kiến trúc quốc tế. Thứ trưởng Trần Ngọc Chính đúc kết, khi các đơn vị thiết kế trong nước tham gia thi tuyển sẽ dần tự nâng tầm “đẳng cấp” của mình lên. Nói theo cách khác, thi tuyển chính là hình thức chắt lọc tinh hoa bằng sự cạnh tranh lành mạnh.

NGỒI LẠI VỚI NHAU

Hội đồng Giám khảo thi tuyển thiết kế kiến trúc Tòa tháp BIDV (cao 40 tầng) sẽ gồm 9 thành viên đều là những kiến trúc sư Việt Nam và quốc tế rất uy tín. Các phương án thiết kế đạt giải được trao giải thưởng theo cơ cấu: 01 giải Nhất trị giá 30.000 USD; 01 giải Nhì 15.000 USD; 01 giải Ba trị giá 10.000 USD. Ba phương án đạt giải sẽ được Hội đồng Giám khảo đề xuất theo thứ tự để BIDV và UBND TP.HCM chấp thuận, tiến hành thực hiện các bước tiếp theo. Thời gian cuộc thi diễn ra từ ngày 20-3-2007 đến 1-6-2007.

Nhiều năm qua, quá trình quy hoạch đô thị đã chứng kiến nhiều sự đổi thay, cả “khả quan” lẫn “phi khả quan”. Trong đó, sự bùng nổ của các sản phẩm kiến trúc cao tầng đang thực sự đặt ra cho các nhà quy hoạch “dấu hỏi lớn” về các giải pháp tổng thể của xu hướng kiến trúc tương lai. Và một trong những cách thức được xem như lời giải, đó là phương thức thi tuyển thiết kế kiến trúc quốc tế. Vấn đề cần đặt ra là phải áp dụng quy trình thi tuyển như thế nào để kích thích các nhà đầu tư tổ chức thi tuyển cũng như thu hút sự tham gia đông đảo của các đơn vị tư vấn thiết kế. Thiết nghĩ, chỉ có phương án cùng “ngồi lại với nhau”, “đãi cát tìm vàng” như vậy mới giúp quá trình kiến trúc đô thị trở về với một diện mạo chỉn chu, khẳng định vị thế của TP.HCM - trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước.

TƯỜNG MINH

Tin cùng chuyên mục