Vitranschart và chiến lược trở thành tổng công ty

Tuần qua, Công ty cổ phần Vận tải và Thuê tàu biển Việt Nam (Vitranschart) đã công bố hoạt động chuyển đổi theo mô hình công ty cổ phần. Các thành viên ban quản trị cũng trình Đại hội đồng cổ đông kế hoạch doanh thu 6.740 tỷ đồng trong 3 năm 2008-2010 và định hướng chuyển đổi thành Tổng công ty khi Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) trở thành tập đoàn...

Thành công cùng chiến lược phát triển đội tàu

Tiền thân của Vitranschart là Công ty Vận tải biển miền Nam Việt Nam (Sovosco), được thành lập từ năm 1975 và chủ yếu khai thác vận tải trên tuyến ven biển nội địa, chuyên chở lương thực, phân bón.

Vitranschart đã liên tục đầu tư chiều sâu phát triển đội tàu trở thành một trong những công ty vận tải biển hàng đầu Việt Nam. Từ năm 1990, công ty lần lượt thuê mua 5 tàu mới với tổng trọng tải 70.844 deadweight (DWT) với giá trị đầu tư hơn 26,97 triệu USD và vay mua 3 tàu Phương Đông với tổng trọng tải hơn 45.000 DWT, trị giá 9 triệu USD.

Đến năm 2002-2004, công ty liên tục tham gia chương trình đóng mới tàu trong nước cũng như vay mua tàu đang khai thác ở nước ngoài để tăng trọng tải đội tàu thêm hơn 50.000 DWT với vốn đầu tư hơn 30 triệu USD. Tính đến 30-6-2006, đội tàu của công ty trở thành 15 chiếc.

Riêng năm 2007, Vitranschart đang đầu tư khoảng 110 triệu USD cho đội tàu mới và đặt mục tiêu nâng tổng trọng tải đến năm 2010 lên 563.328 DWT. Cũng nhờ xác định đúng chiến lược đầu tư phát triển như trên, công ty đã thành công không chỉ trong nước mà còn mở rộng sang thị trường vận tải biển truyền thống như Nam Mỹ, Tây Phi, Nam Á, Trung Đông…

Hướng tới mô hình tổng công ty

Cách đây gần 3 tháng, vào ngày 21-9, tại Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM, Vitranschart đã tổ chức đấu giá bán 13.752.300 cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) với giá thành công bình quân đạt 21.485 đồng/cp, cao hơn 43% so với giá khởi điểm và thu về 296,47 tỷ đồng.

Thành công từ đợt IPO cho thấy nhà đầu tư đánh giá cao tương lai phát triển của Vitranschart nói riêng và ngành vận tải biển Việt Nam nói chung. Trong Đại hội cổ đông, lãnh đạo Vitranschart tiếp tục đảm bảo trước cổ đông duy trì tốc độ tăng trưởng doanh thu 22%-24%/năm: 2008 dự kiến đạt 1.800 tỷ đồng, 2009  - 2.200 tỷ đồng và 2010 là 2.740 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế tương ứng trong 3 năm của công ty là 100, 114 và 129 tỷ đồng, đạt tỷ suất lợi nhuận trước thuế trên vốn điều lệ công ty (400 tỷ đồng) vào khoảng 25%-27%.
 
Các năm 2008-2009, bên cạnh việc đầu tư mới, Vitranschart dự kiến thu về 25 triệu USD từ việc bán một số tàu cũ. Ngoài ra, công ty tăng cường nghiên cứu thị trường để phát triển thêm các hoạt động khác như xuất khẩu lao động bờ, du lịch, khai thuê hải quan, vận chuyển, xây dựng văn phòng cho thuê, kho bãi, kinh doanh bất động sản và đầu tư tài chính … Vitranschart cũng đang tiến hành chuyển đổi mô hình tổ chức của Trung tâm Đào tạo - Môi giới và Xuất khẩu thuyền viên (SCC) thành công ty cổ phần và chuẩn bị lên sàn chứng khoán vào Quý II-2008.

Ông Mai Văn Phúc - Tổng Giám đốc Vinalines, đồng thời là tân Chủ tịch Hội đồng Quản trị Vitranschart cho biết: “Vitranschart là một trong những công ty cuối cùng của tập đoàn cổ phần hóa và đổi mới thành công. Vinalines với định hướng tập đoàn của mình đã chọn Vitranschart để thí điểm trở thành một trong 5 Tổng Công ty trực thuộc Vinalines (bên cạnh Cảng Sài Gòn, Cảng Hải Phòng, Công ty Vận tải biển Việt Nam (Vosco) và Công ty Đại lý Hàng hải Việt Nam). Đó là cơ hội cho Vitranschart, cho các cổ đông đã tin tưởng vào công ty”. Rõ ràng, lãnh đạo Vinalines đã khẳng định quy mô tăng trưởng của Vitranschart và hướng trở thành Tổng Công ty mạnh trong ngành vận tải biển Việt Nam.

CÁT TRÍ

Tin cùng chuyên mục