Đại Cồ Việt – Nhà nước quân chủ tập quyền đầu tiên của Việt Nam

Nhà nước Đại Cồ Việt là nhà nước quân chủ trung ương tập quyền, thừa kế và phát triển lên một bước so với nhà nước quân chủ của nhà Ngô trước đó. Nhà nước Đại Cồ Việt là một quốc gia thống nhất, độc lập, có tổ chức quân đội riêng và làm chủ một giang sơn riêng.
Đại Cồ Việt – Nhà nước quân chủ tập quyền đầu tiên của Việt Nam

Ngày 12-4, tại Ninh Bình hội thảo "Vai trò của Nhà nước Đại Cồ Việt trong tiến trình lịch sử dân tộc Việt Nam" do UBND tỉnh Ninh Bình, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam và Hội khoa học Lịch sử Việt Nam phối hợp tổ chức đã thu hút sự quan tâm của đông đảo các nhà nghiên cứu, nhà khoa học trong cả nước tham dự.

Đại Cồ Việt – Nhà nước quân chủ tập quyền đầu tiên của Việt Nam ảnh 1 Quang cảnh cuộc hội thảo sáng 12-4. Ảnh TRẦN BÌNH

Phát biểu chào mừng, GS.TS Nguyễn Quang Thuấn- Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đã một lần nữa ôn lại mốc son lịch sử quan trọng này. Ông nói: “Sau chiến thắng Bạch Đằng năm 938, đập tan giấc mộng xâm lược trở lại của nhà Nam Hán, Ngô Quyền đã từ bỏ chức Tiết độ sứ thời họ Khúc (Khúc Thừa Dụ…), họ Dương (Dương Đình Nghệ), tiến lên xưng Vương hiệu, tự khẳng định là một vương quốc độc lập. Đến năm 968, sau 30 năm độc lập, vua Đinh Tiền Hoàng tiến lên một bước nữa, tự xưng Hoàng Đế, định quốc hiệu là Đại Cồ Việt, đặt niên hiệu là Thái Bình. Đó là những việc làm có ý nghĩa nêu cao chủ quyền quốc gia, biểu thị niềm tự tôn dân tộc và phủ nhận quyền làm “bá chủ thiên hạ” của đế chế Trung Hoa”.

Tại hội thảo, bên cạnh việc khẳng định ý nghĩa hình thành và vai trò của Đinh Tiên Hoàng trong lịch sử dân tộc, qua 57 tham luận các nhà nghiên cứu thông qua nhiều hệ quy chiếu khác nhau đã một lần nữa làm sáng tỏ nhiều vấn đề khoa học liên quan tới nhà nước Đại Cồ Việt như:  nguồn gốc gia thế và quá trình hình thành  thế lực của Đinh Bộ Lĩnh trước khi dẹp loạn 12 sứ quân; Vấn đề bang giao của Nhà nước Đại Cồ Việt với các quốc gia láng giềng; Nghệ thuật quân sự trong công cuộc giữ nước thời kỳ Đại Cồ Việt…

Tại hội thảo, nhiều ý kiến đề xuất nên có một ngày kỷ niệm sự kiện này như một ngày lễ quốc gia, có tầm mức sau ngày Giỗ Tổ Hùng Vương hàng năm.

Đại Cồ Việt – Nhà nước quân chủ tập quyền đầu tiên của Việt Nam ảnh 2GS.TSKH Vũ Minh Giang. Ảnh TRẦN BÌNH
“Hơn 1.000 năm dưới ách cai trị hà khắc với chính sách đồng hóa ráo riết của phong kiến phương Bắc là một thử thách hiểm nghèo của nhân dân Âu Lạc. Sau chừng ấy thời gian mà người Việt vẫn giữ được bản sắc văn hóa riêng và giành lại độc lập là hiện tượng hy hữu tới mức có thể coi là duy nhất trong lịch sử thế giới. Nhà nước Đại Cồ Việt ra đời thực sự là một dấu mốc lớn trong tiến trình lịch sử dân tộc. Với việc đặt Quốc hiệu, niên hiệu, xây dựng bộ máy hành chính thống nhất thông suốt, xác định cương thổ, phát hành tiền tệ… Đại Cồ Việt là quốc gia độc lập với đầy đủ tiêu chí sánh ngang với các quốc gia khác. Sự nghiệp “tái lập quốc” của dân tộc ta đến đây mới chính thức hoàn thành. Đây là sự kiện có ý nghĩa hết sức to lớn” - GS.TSKH Vũ Minh Giang- Đại học Quốc gia Hà Nội. 
Cách đây vừa tròn 1050 năm, vào năm 968, vua Đinh Tiên Hoàng sau khi dẹp loạn 12 sứ quân, thu non sông về một mối đã lên ngôi Hoàng đế, sáng lập Nhà nước Đại Cồ Việt, định đô ở Hoa Lư - Ninh Bình ngày nay.
Đây là sự kiện hết sức trọng đại trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Chỉ tồn tại trong vòng 86 năm (968-1054) với hai triều đại là nhà Đinh, nhà Tiền Lê và hai triều vua đầu thời Lý là Lý Thái Tổ và Lý Thái Tông nhưng Nhà nước Đại Cồ Việt giữ một vai trò hết sức quan trọng trong tiến trình lịch sử dân tộc Việt Nam.
Nhà nước Đại Cồ Việt là nhà nước quân chủ trung ương tập quyền, thừa kế và phát triển lên một bước so với nhà nước quân chủ của nhà Ngô trước đó. Nhà nước Đại Cồ Việt là một quốc gia thống nhất, độc lập, có tổ chức quân đội riêng và làm chủ một giang sơn riêng. Đặc biệt đây là nhà nước quân chủ đầu tiên đúc tiền đồng Thái Bình thông bảo trong lịch sử tiền tệ của nước ta, là nhà nước quan tâm đến việc phát triển kinh tế và văn hóa…
Nhà nước Đại Cồ Việt cũng là nhà nước  quân chủ đầu tiên đặt quan hệ bang giao với Trung Quốc, trong lịch sử bang giao của Việt Nam. Năm 970, vua Đinh Tiên Hoàng sai sứ thần sang nhà Tống để kết hiếu giao hảo. Ông cũng là người đầu tiên trong lịch sử nước ta thi hành những biện pháp và nghi thức ngoại giao vừa mềm mỏng, vừa cứng rắn đối với đế chế Trung Hoa. Từ đó, để lại một bài học kinh nghiệm ngoại giao với đế chế khổng lồ phương Bắc là “ở trong xưng Đế, bên ngoài xưng Vương” cho các vương triều quân chủ Việt Nam sau này.
Nhà nước Đại Cồ Việt cũng ghi dấu ấn với việc thực thi các chính sách đúng đắn đối với dân tộc thiểu số, tạo điều kiện để các dân tộc chung sống hòa bình, cùng nhau đoàn kết chống lại kẻ thù chung; mở rộng lãnh thổ về phương Nam, tiến hành nhiều cuộc khai phá, di dân để các triều đại sau này tiếp tục hoàn thành trọn vẹn quá trình ấy.

Tin cùng chuyên mục