Triển lãm trưng bày 69 tranh, đa dạng đề tài và chất liệu như: sơn mài, sơn dầu, lụa… Chín họa sĩ nữ không chỉ mang đến tác phẩm, mà còn gửi gắm vào đó lời tự bạch, như những mảnh nhật ký thầm thì, hé lộ nguồn cội sáng tác, những trăn trở và niềm tin âm ỉ cháy trong từng nét cọ, màu sắc của chính mình.

Bên cạnh đó, thông điệp triển lãm còn đặt ra một tình huống thú vị – nơi chủ thể sáng tạo và đối tượng thể hiện là một, nơi mà người phụ nữ chọn tự kể lại mình, thông qua những góc nhìn cá nhân, trung thực và đầy tính khám phá.
Chia sẻ về lý do thành lập nhóm “Phụ nữ vẽ phụ nữ” và thông điệp của triển lãm, họa sĩ Tào Hương (người sáng lập nhóm) bày tỏ: “Tôi mong muốn phụ nữ được vẽ về chính mình bằng sự thấu cảm, dịu dàng và bản năng sâu thẳm. Chúng tôi tìm đến vẻ đẹp của tuổi thanh xuân, một mái tóc buông nhẹ, dáng ngồi tĩnh lặng, hay con mèo nằm ngoan trong góc tranh. Là phụ nữ, chúng tôi không vẽ để ngợi ca, mà để lắng nghe, để hiểu, và để gìn giữ vẻ đẹp tính nữ theo cách rất riêng của mình”.

Chín họa sĩ nữ tham gia triển lãm thuộc nhiều thế hệ, theo đuổi nhiều chất liệu khác nhau và cá tính sáng tạo không trộn lẫn… Có thể kể đến như họa sĩ Đặng Hiền, với phong cách sáng tác đi sâu vào thế giới tinh thần và tâm linh: vẽ để đối thoại với chính mình, với người mẹ bên trong, và với những miền sâu thẳm khó gọi tên. Tranh của chị không nhằm thể hiện hình thức, mà là một dạng “thiền họa” - nơi mỗi nhân vật nữ là cánh cửa dẫn đến ký ức, cảm xúc và sự chữa lành.

Hay họa sĩ Tào Hương theo đuổi lối hiện thực lãng mạn với ngôn ngữ tạo hình mềm mại, nữ tính nhưng chứa đựng nội lực lớn. Tác phẩm của chị luôn thấm đẫm cảm xúc, không phải cảm xúc bộc phát, mà là cảm xúc lắng đọng, từng trải và có chọn lọc, như chính quan niệm của họa sĩ: “Cái đẹp của tác phẩm phải xuất phát từ trái tim nghệ sĩ”. Tào Hương sử dụng chất liệu sơn dầu với kỹ thuật điêu luyện, chất sơn dầu mềm mại trong trẻo gây được ấn tượng cảm xúc thẩm mỹ, thủ pháp nghệ thuật công phu nhưng không khô cứng mà mềm mại, sống động và tinh tế.

Trong triển lãm này, các nữ họa sĩ khắc họa nhiều phiên bản của người nữ như: người mẹ, người chị, người yêu, người bạn hay chính bản thân mình, trong những khoảnh khắc đời sống thường ngày. Điều này tạo nên một thứ mỹ học không mang tính khuôn mẫu, mà ngược lại phản ánh sự đa nguyên và mở trong cái nhìn về giới và thân phận.

Đại diện nhóm nữ họa sĩ, họa sĩ Nguyễn Thùy Dương bày tỏ: “Chúng tôi mong muốn triển lãm là một lời mời, để người xem bước vào thế giới nội tâm của phái nữ, không phải từ cái nhìn bên ngoài, mà từ chính góc nhìn bên trong, với sự thấu cảm, chân thật và đầy tình người dịu dàng. Đây không phải là một triển lãm để ngưỡng mộ cái đẹp, mà là không gian để người ta đồng cảm, soi chiếu, và tìm thấy chính mình trong những điều tưởng như thuộc về người khác”.