Đại học Quốc gia TPHCM đảm bảo chất lượng và kiểm định giáo dục

Với sứ mệnh là nơi đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nơi đi đầu trong đổi mới, phát triển đất nước và thúc đẩy tiến bộ xã hội, Đại học Quốc gia TPHCM (ĐHQG) luôn hướng đến mục tiêu hội nhập quốc tế về chất lượng để khẳng định thương hiệu và vị thế quốc gia. 
Đại diện AUN trao chứng nhận đạt chuẩn AUN-QA cho Trường ĐH Bách khoa TPHCM
Đại diện AUN trao chứng nhận đạt chuẩn AUN-QA cho Trường ĐH Bách khoa TPHCM
Chiến lược phát triển ĐHQG xác định chính sách về chất lượng là ưu tiên hàng đầu, được lồng ghép xuyên suốt trong mọi hoạt động và nhiệm vụ công tác. Do vậy, trong định hướng phát triển công tác đảm bảo chất lượng, ĐHQG coi vấn đề cải tiến liên tục là nội dung cốt lõi và là nhiệm vụ trọng tâm nhằm từng bước nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu. ĐHQG ưu tiên triển khai thường xuyên, hiệu quả công tác đảm bảo chất lượng bên trong, đồng thời đẩy mạnh công tác đánh giá và kiểm định chất lượng. Việc triển khai hiệu quả các hoạt động đảm bảo và kiểm định chất lượng (trên tinh thần cải tiến liên tục) sẽ góp phần tạo tiền đề và nền tảng vững chắc để ĐHQG tham gia xếp hạng đại học quốc tế.

Là thành viên chính thức của AUN (Mạng lưới các trường đại học Đông Nam Á) từ năm 1999, ĐHQG đã thể hiện rõ vai trò và trách nhiệm của mình trong phong trào đảm bảo chất lượng chung của khu vực, tích cực tham gia các hoạt động chuyên môn của AUN như xây dựng các tài liệu đảm bảo chất lượng, tham gia các khóa đào tạo kiểm định viên, tham gia hệ thống chuyển đổi tín chỉ ACTS…, trong đó công tác đánh giá chất lượng cấp chương trình được ĐHQG đặc biệt quan tâm. Đây là hình thức mà AUN sử dụng để nâng cao sự tin tưởng lẫn nhau về chất lượng đào tạo giữa các thành viên trong khu vực, cũng như với các đối tác trên thế giới, từng bước thúc đẩy sự công nhận thành quả học tập và phát triển hợp tác giữa các trường đại học trong khối. 

Bộ tiêu chuẩn AUN-QA không tập trung vào những đặc trưng riêng của từng chuyên ngành mà chú trọng đánh giá những điều kiện cần thiết để đảm bảo chất lượng đào tạo của một chương trình, đó là những lĩnh vực mà bất kỳ chương trình nào cũng phải chú trọng như chuẩn đầu ra, chương trình đào tạo, giảng viên, sinh viên, cơ sở vật chất, sự hài lòng của các bên liên quan... Sinh viên là đối tượng được hưởng lợi nhiều nhất từ hoạt động đánh giá này, bởi được học tập trong một môi trường cải tiến liên tục và đảm bảo chất lượng. Kết quả kiểm định AUN như một sự khẳng định với xã hội về chất lượng sản phẩm đầu ra của chương trình, tạo cơ sở cho các trường tham gia chuyển đổi tín chỉ và trao đổi sinh viên trong Đông Nam Á.

Thời gian qua, ĐHQG đã đạt được những thành quả đáng ghi nhận trong công tác đảm bảo và kiểm định chất lượng như: vận hành xuyên suốt hệ thống đảm bảo chất lượng bên trong từ cấp ĐHQG đến cấp trường thành viên, triển khai áp dụng đại trà nguyên lý CDIO (Conceive - Design - Implement - Operate: hình thành ý tưởng, thiết kế, thực hiện và vận hành) trong đổi mới công nghệ đào tạo, nâng cao năng lực đội ngũ, áp dụng công cụ kiểm soát và quản lý chất lượng… góp phần hình thành và lan tỏa văn hóa chất lượng trong toàn ĐHQG. 

Cả 6 trường đại học thành viên của ĐHQG đã được đánh giá và công nhận đạt chuẩn kiểm định chất lượng, trong đó 5 trường theo tiêu chuẩn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, riêng Trường Đại học Bách khoa đã đạt chuẩn kiểm định của Hội đồng cấp cao về đánh giá nghiên cứu và giáo dục đại học Pháp (HCERES) và chuẩn bị được đánh giá theo bộ tiêu chuẩn Mạng lưới các trường đại học Đông Nam Á (AUN-QA) vào tháng 9-2017.  

ĐHQG là đơn vị dẫn đầu cả nước về số lượng các chương trình được kiểm định theo các tiêu chuẩn khu vực và quốc tế. Tính đến tháng 5-2017, trong tổng số 88 chương trình của Việt Nam được đánh giá theo các tiêu chuẩn của khu vực và quốc tế, ĐHQG đã có 30 chương trình được đánh giá theo bộ tiêu chuẩn AUN-QA chiếm 50% số chương trình được đánh giá của Việt Nam; 2 chương trình (duy nhất trong cả nước) được kiểm định theo chuẩn của Hội đồng Kiểm định kỹ thuật và công nghệ Hoa Kỳ (ABET); 7 chương trình được kiểm định theo tiêu chuẩn của Hiệp hội Kỹ sư Pháp và châu Âu (CTI) và 2 chương trình đạt chuẩn của Hội đồng Kiểm định các trường và chương trình đào tạo về kinh doanh Hoa Kỳ (ACBSP) và của Tổ chức Kiểm định chất lượng Chương trình quản trị kinh doanh quốc tế (FIBBA). Về công tác xếp hạng đại học quốc tế, năm 2016, ĐHQG đã vươn lên vị trí 147 châu Á theo bảng xếp hạng QS ASIA (tăng 54 bậc so với năm 2015).

Những kết quả đạt được trong thời gian qua là do sự cam kết và tạo mọi điều kiện từ cấp lãnh đạo ĐHQG đến các đơn vị thành viên, cũng như sự đồng thuận của từng cán bộ, giảng viên, sinh viên, đội ngũ hỗ trợ, vì mục tiêu cuối cùng là nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học và phục vụ cộng đồng. ĐHQG tạo mọi điều kiện thuận lợi nhằm hỗ trợ, kết nối các đơn vị trong công tác đảm bảo và nâng cao chất lượng giáo dục, phát huy tối đa thế mạnh, tính chủ động, sáng tạo của từng đơn vị trên một nền tảng giá trị chung, góp phần phát triển hệ thống và hoàn thiện mô hình tổ hợp ĐHQG trên cơ sở của tự chủ đại học gắn với trách nhiệm.

Trong thời gian tới, ĐHQG tiếp tục triển khai các hoạt động theo định hướng chiến lược đảm bảo chất lượng nhằm mục tiêu chuẩn hóa chương trình đào tạo theo các chuẩn mực quốc tế thông qua việc tăng cường công tác kiểm định chất lượng. Trong giai đoạn 2017-2022, tất cả các cơ sở giáo dục thuộc ĐHQG sẽ được kiểm định cấp trường bởi AUN-QA. 

Bên cạnh việc tự nâng cao chất lượng tất cả các mặt hoạt động, ĐHQG sẽ tiếp tục phát huy vai trò, thế mạnh và trách nhiệm của mình trong việc thúc đẩy sự phát triển chung của hệ thống giáo dục cả nước thông qua việc chia sẻ kinh nghiệm, trao đổi hợp tác với các đơn vị bạn, tích cực tham gia tư vấn cho các cơ quan quản lý nhà nước trong việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách cho công tác đảm bảo và kiểm định chất lượng… để xứng đáng với vai trò và sứ mệnh mà Đảng và Nhà nước đã giao phó, trở thành hệ thống đại học trong tốp đầu châu Á, nơi hội tụ của khoa học, công nghệ, văn hóa và tri thức Việt Nam.
Trong 6 tháng đầu năm 2017, ĐHQG TPHCM có nhiều thành tựu về công tác đảm bảo chất lượng, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ.

ĐHQG TPHCM có 44 chương trình đánh giá ngoài, 30 chương trình đạt chuẩn AUN-QA, chiếm 50% số chương trình đạt chuẩn AUN-QA trên cả nước. ĐHQG TPHCM đang đẫn đầu cả nước về số lượng các chương trình đạt chuẩn chất lượng khu vực và quốc tế.

Năm 2016, ĐHQG TPHCM đạt 225,2 tỷ đồng doanh thu từ chuyển giao công nghệ, tăng 50% so với năm 2015. Tính đến hết tháng 6-2017, ĐHQG TPHCM đã thực hiện 166 hợp đồng chuyển giao công nghệ và dịch vụ KHCN đem về 41,8 tỷ đồng. Gần 70% hợp đồng là cung cấp dịch vụ KHCN, dịch vụ kỹ thuật cho công nghiệp.

Đến quý I năm 2017, ĐHQG TPHCM đã công bố 800 bài báo khoa học trên các tạp chí trong và ngoài nước. Các hoạt động sinh viên, xây dựng khu đô thị, công tác khác đều đạt tiến độ.

Tin cùng chuyên mục