Đêm nay, Lễ trao Giải thưởng Võ Trường Toản: Tôn vinh và biết ơn thầy cô giáo

Mới đấy, giải thưởng Võ Trường Toản đã bước qua năm thứ 16. Với mục đích tôn vinh và tri ân những thầy cô giáo tiêu biểu của ngành giáo dục TP, giải thưởng như một dấu son lưu lại mỗi năm đúng vào dịp kỷ niệm hiến chương nhà giáo, để nối dài mãi thật sinh động truyền thống tôn sư trọng đạo của dân tộc. Giải thưởng mang tên nhà giáo lỗi lạc của đất Nam bộ, cũng chính là sự tôn vinh và lòng biết ơn của con cháu hôm nay gởi tới tiền nhân.
Đêm nay, Lễ trao Giải thưởng Võ Trường Toản: Tôn vinh và biết ơn thầy cô giáo

Mới đấy, giải thưởng Võ Trường Toản đã bước qua năm thứ 16. Với mục đích tôn vinh và tri ân những thầy cô giáo tiêu biểu của ngành giáo dục TP, giải thưởng như một dấu son lưu lại mỗi năm đúng vào dịp kỷ niệm hiến chương nhà giáo, để nối dài mãi thật sinh động truyền thống tôn sư trọng đạo của dân tộc. Giải thưởng mang tên nhà giáo lỗi lạc của đất Nam bộ, cũng chính là sự tôn vinh và lòng biết ơn của con cháu hôm nay gởi tới tiền nhân.

Cô Huỳnh Ngọc Băng Tuyết, Trường Giáo dục chuyên biệt Niềm Tin, quận Phú Nhuận, một giáo viên nhận giải thưởng Võ Trường Toản năm 2013. Ảnh: M.Hải

Cô Huỳnh Ngọc Băng Tuyết, Trường Giáo dục chuyên biệt Niềm Tin, quận Phú Nhuận, một giáo viên nhận giải thưởng Võ Trường Toản năm 2013. Ảnh: M.Hải

1. Võ Trường Toản là một nhà nho lớn, một nhà giáo tài ba lỗi lạc nhất ở miền Nam Việt Nam trong thế kỷ XVIII. Cụ không ra làm quan dưới triều nhà Nguyễn, nhưng các Chúa nhà Ngyễn hết lòng kính phục, khi cụ mất được chính Vua Gia Long ban hiệu cao quý “Gia Định xử sĩ sùng đức Võ tiên sinh ”, cho lập mộ và nhà thờ để hương khói. Đó là sự tôn vinh đặc biệt mà nhà nước phong kiến dù đang trong thời loạn lạc, nội tranh, dành tặng cho một bậc thầy chân chính. Bởi, dù không ra làm quan nhưng trong cuộc đời làm thầy, cụ đã đào tạo được nhiều nhân tài cho đất nước như Ngô Tùng Châu, Trịnh Hoài Đức, Phạm Ngọc Uẩn, Lê Quang Định, Lê Bá Phẩm, Ngô Nhân Tịnh

Tấm gương thanh cao và công đức mở mang giáo dục của cụ đã ảnh hưởng đến các sĩ phu yêu nước và nhân dân Nam bộ thời đó và cả trăm năm sau. Nhiều người tỏ lòng trung nghĩa, hy sinh để giữ tròn tiết tháo khi nước nhà bị xâm lăng như Nguyễn Đình Chiểu, Trương Định, Bùi Hữu Nghĩa, Nguyễn Hữu Huân…Để rồi người đời sau xưng tụng cụ là “vạn tuế sư biểu”.

Qua đời năm 1792 tại làng Hòa Hưng, huyện Bình Dương, tỉnh Gia Định, cụ được an táng tại đây. Năm 1862, khi ba tỉnh miền Đông Nam bộ rơi vào tay thực dân Pháp, Kinh lược sứ Phan Thanh Giản cùng các bậc sĩ phu khác là Nguyễn Thông, Phạm Hữu Chánh… đã dời hài cốt của cụ cùng vợ và người con gái duy nhất của cụ về làng Bảo Thạnh, huyện Bảo An (nay là Ba Tri) tỉnh Bến Tre- quê hương cụ Phan. Việc làm này thể hiện sự kính trọng và biết ơn của lớp học trò đời sau dành cho bậc thầy hiền tài. Từ đó, dù không nằm trên đất quê nhà- đến nay vẫn chưa xác định-cụ được các đời hậu duệ cụ Phan thờ phụng chu đáo như bậc tiên liệt trong họ tộc mình. Đó cũng chính là thể hiện tri ân sâu sắc của lòng người, chỉ dành cho các danh nhân vĩ đại. Những nhà giáo hậu thế coi Võ Trường Toản là tấm gương cho cuộc đời mình- là tấm gương cho sự nghiệp đào tạo những con người có ích cho xã hội.

2. Một ngày nắng đẹp trung tuần tháng 11.2013, đoàn CB-PV báo SGGP- những người trực tiếp tham gia thực hiện chương trình giải thưởng Võ Trường Toản- do Phó tổng biên tập Lý Việt Trung dẫn đầu đã tới dâng hương tại đền thờ và viếng mộ cụ Võ Trường Toản, nằm trong khu di tích, nay thuộc xã Bảo Thạnh, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre. Tỏ lòng thành kính, biết ơn cụ, chúng tôi còn muốn báo công với cụ: Giải thưởng mang tên Võ Trường Toản đã và sẽ luôn là một trong những nguồn động viên quý giá, sự ghi ơn sâu sắc của xã hội dành cho những nhà giáo tiêu biểu của ngành giáo dục TP Hồ Chí Minh hôm nay.

16 năm qua đã có 480 nhà giáo- công tác ở tất cả các cấp học từ mầm non đến THPT, kể cả hệ giáo dục chuyên biệt, dạy nghề, được trao tặng giải thưởng Võ Trường Toản. Những nhà giáo được tặng giải luôn coi đó là phần thưởng quý giá, vinh dự lớn lao của bản thân và tập thể nhà trường, bởi sự nghiệp trồng người của họ được gắn gần hơn với thân thế và sự nghiệp lẫy lừng của cụ Võ Trường Toản. Những thầy cô giáo được tặng giải thưởng Võ Trường Toản đều là những tấm gương tận tụy với nghề, hết lòng vì học sinh thân yêu. Nhiều người trong số họ có thời gian trực tiếp đứng lớp tới trên 30 năm. Nghề giáo thanh bạch, nhiều thầy cô giáo còn có hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, thậm chí bản thân có khi đau yếu, bệnh tật…

Nhưng vượt lên tất cả, bằng tình yêu nghề, thương trẻ, tin ở tương lai, các thầy cô đã đem hết tâm huyết, khả năng trí tuệ góp phần xứng đáng vào sự nghiệp “trồng người”. Họ cũng là những con người sáng tạo, luôn tìm tòi, đổi mới phương pháp giảng dạy theo đúng tinh thần của cụ: “Nghĩa lý giáo hóa”, học đi đôi với hành, học thành tài để góp sức làm đẹp đời. Hơn hết thảy, những thầy cô giáo đó thấm nhuần những bài học về tình yêu thương con người, về đạo lý uống nước nhớ nguồn, về nghĩa đạo đời- nhân, nghĩa, trí, tín, lễ đang hàng ngày truyền dạy cho lứa con cháu mình hôm nay những điều cao đẹp ấy… 

3. Khu di tích mộ cụ Võ Trường Toản là một khuôn viên vuông vức rộng chừng hơn 1000 mét vuông, khung cảnh thật tĩnh lặng và linh thiêng. Thẳng từ cổng vào, ở phía cuối có hai ngôi mộ nằm cạnh nhau, phía dưới một chút là ngôi mộ nhỏ hơn. Hơn một thế kỷ rưỡi, cả gia đình nhà giáo Võ Trường Toản đã quây quần yên nghỉ trong lòng đất xứ Dừa hiền hòa, nhân hậu. Hàng cây sứ phía trước trổ hoa trắng muốt cùng hai hàng cây thẳng hàng bên hai phía khu mộ- trong đó có 2 cây phượng vĩ lớn, trong nắng gió đang rì rào khúc hát ngợi ca công đức người thấy lỗi lạc.

Phía trước, bên trái là ngôi nhà gỗ 5 gian- nơi thờ tự cụ, vừa trang trọng vừa thoáng đãng. Trên ban thờ, bức tượng cụ Võ mang thần thái  ung dung, thanh thoát… Toàn bộ khu di tích từ kiến trúc, vật dụng cho đến từng chậu hoa, cây cảnh đều mang dáng vẻ đơn sơ, mộc mạc, đượm vẻ thanh bạch như cuộc đời cụ thuở sinh thời.

Ông Phan Văn Năm, 75 tuổi, cháu 6 đời của cụ Phan Thanh Giản- người được dòng họ giao trách nhiệm trông coi khu di tích từ năm 1995, cho biết trong hơn chục năm gần đây, ngày càng có nhiều đoàn khách tới thăm viếng nơi này, mà nhiều nhất là các thầy cô giáo và học sinh ở các trường được vinh dự mang tên Võ Trường Toản. Từ TP Hồ Chí Minh có các trường ở quận 1, quận 10, quận 12. Ở Bến Tre có trường THPT và các trường khác nữa ở Hậu Giang, Cao Lãnh, Biên Hòa, Vũng Tàu...

Tri ân người xưa, cũng là góp phần tôn vinh, làm sáng mãi tên tuổi người thầy Võ Trường Toản, các trường, hội phụ huynh và học sinh từ nhiều năm qua đã góp công của cùng nhà nước trùng tu, tôn tạo khu di tích này được khang trang như hiện hữu. Nhiều cuộc sinh hoạt ngoại khóa của thày trò các trường đã diễn ra dưới mái đền thờ, ôn lại thân thế, sự nghiệp của cụ, nhắc nhớ nhau học và làm theo những lời giáo huấn của “ cụ tổ giáo dục Nam kỳ”

Vâng, đạo học muôn đời. Xưa, nay tôn vinh, tri ân mãi bậc tôn sư Võ Trường Toản. Song hành, giải thưởng Võ Trường Toản đồng nghĩa với lòng biết ơn và tôn vinh những nhà giáo hôm nay- vì “lòng nhân nghĩa” trường tồn.

Thư Nam



20 giờ tối nay, 17-11, Lễ trao Giải thưởng Võ Trường Toản sẽ tổ chức trọng thể tại Hội trường Thành phố, 111 Bà Huyện Thanh Quan, quận 3, TPHCM.

Có 30 giáo viên đoạt Giải thưởng Võ Trường Toản năm 2013 gồm các thầy, cô: Nguyễn Ngọc Mai, Trường Mầm non Rạng Đông 7, quận 6; Nguyễn Thị Thu Vân, Trường Mầm non Long Bình, quận 9; Trần Thiên Kim, Trường Mầm non 10, quận 11; Nguyễn Ánh Nguyệt, Trường Mầm non Sơn Ca 4, quận Phú Nhuận; Lê Thị Nguyệt, Trường Mầm non Hoa Hồng, quận Tân Phú; Lê Thị Kim Ngân, Trường Mầm non Sơn Ca, huyện Nhà Bè; Phạm Quang Vinh, Trường Tiểu học Nguyễn Thái Học, quận 1; Nguyễn Thị Ánh Tuyết, Trường Tiểu học Lạc Long Quân, quận 11; Nguyễn Thị Hồng Lệ, Trường Tiểu học Hoàng Văn Thụ, quận Tân Bình; Trần Thị Xinh, Trường Tiểu học Đống Đa, quận Bình Thạnh; Phan Thị Kim Tuyến, Trường Tiểu học An Lạc 1, quận Bình Tân; Nguyễn Thị Mỹ Kiều, Trường Tiểu học Trang Tấn Khương, huyện Nhà Bè; Lê Thị Lợi, Trường THCS Nguyễn Du, quận 1; Phạm Tuyết Trinh, Trường THCS Hoàng Văn Thụ, quận 10; Lê Diệu Hằng, Trường THCS Lữ Gia, quận 11; Phạm Thế Vinh, Trường THCS Ngô Sĩ Liên, quận Tân Bình; Hà Thị Mỹ Miều, Trường THCS Bình Chánh, huyện Bình Chánh; Lê Thị Phương Đài, Trường THCS Tân Phú Trung, huyện Củ Chi; Trần Thị Liễu, Trường THPT Phú Nhuận; Tạ Kim Diệu, Trường THPT Nguyễn Hữu Cầu; Nguyễn Thị Thiên Minh, Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong; Lê Hồng Phong, Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai; Lê Kim Mai, Trường THPT Võ Thị Sáu; Lê Minh, Trường THPT Mạc Đĩnh Chi; Triệu Thị Kim Loan, Trung tâm Giáo dục thường xuyên quận Tân Bình; Vũ Thị Hiếu Thảo, Trung tâm Giáo dục thường xuyên quận 1; Huỳnh Ngọc Băng Tuyết, Trường Giáo dục chuyên biệt Niềm Tin, quận Phú Nhuận; Đôn Thụy Tường Vân, Trường Giáo dục chuyên biệt Tương Lai, quận 1; Trầm Tiến Thịnh, Phó Trưởng phòng Công tác Chính trị học sinh sinh viên, Trường Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật Phú Lâm; Lương Thế Phúc, Q.Trưởng phòng Đào tạo - Quản lý chất lượng Trường Trung cấp Kinh tế Kỹ thuật Nguyễn Hữu Cảnh.

Đây là lần thứ XVI, Sở GD-ĐT TPHCM cùng Báo Sài Gòn Giải Phóng tổ chức Giải thưởng Võ Trường Toản chào mừng kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11.

Phong Vân

Tin cùng chuyên mục