Mạnh tay với các hành vi gây ô nhiễm môi trường

Sự phát triển của các nhà máy, công ty, xưởng sản xuất, nhất là các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ trên địa bàn TPHCM ngày một tăng nhanh, nhưng lại sử dụng công nghệ sản xuất cũ cộng với ý thức chấp hành các quy định về bảo vệ môi trường kém, nên đã gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, làm ảnh hưởng không nhỏ tới cuộc sống của người dân.
Mạnh tay với các hành vi gây ô nhiễm môi trường

Sự phát triển của các nhà máy, công ty, xưởng sản xuất, nhất là các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ trên địa bàn TPHCM ngày một tăng nhanh, nhưng lại sử dụng công nghệ sản xuất cũ cộng với ý thức chấp hành các quy định về bảo vệ môi trường kém, nên đã gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, làm ảnh hưởng không nhỏ tới cuộc sống của người dân.

Ô nhiễm gia tăng

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM, vấn nạn gây ô nhiễm môi trường của nhiều đơn vị, doanh nghiệp đã và đang tồn tại rất nghiêm trọng với các hành vi vi phạm chủ yếu là không xây dựng hệ thống xử lý chất thải, nước thải, xả thải vượt tiêu chuẩn cho phép, thực hiện không đầy đủ yêu cầu của báo cáo đánh giá tác động môi trường và cam kết bảo vệ môi trường đã được phê duyệt; tiến độ xây dựng công trình xử lý về môi trường chậm, chất thải nguy hại chưa được xử lý đúng quy định của pháp luật, thực hiện giám sát định kỳ về môi trường không đúng tần suất như trong báo cáo, bản cam kết bảo vệ môi trường. Trong năm 2014, thanh tra sở đã tham mưu cho UBND TPHCM lập biên bản và xử phạt 48 doanh nghiệp với số tiền gần 18 tỷ đồng đối với các hành vi vi phạm môi trường. Riêng thanh tra sở cũng đã lập biên bản và xử phạt 55 doanh nghiệp với tổng số tiền phạt gần 4 tỷ đồng, con số này cao gấp 3 lần so với các năm trước.

Một cơ sở sản xuất trên đường Lê Trọng Tấn, quận Tân Phú, TPHCM xả nước thải vào kênh Tham Lương. Ảnh: CAO MINH

Theo bà Lê Thị Kim Oanh, Phó Chánh thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM, mặc dù chương trình giám sát đã được tăng cường, nhưng chưa được hoàn thiện, thiếu tính đồng bộ giữa các lĩnh vực như việc quản lý chất thải đô thị và quản lý chất thải công nghiệp. Nhân lực và trang thiết bị cho hoạt động thanh kiểm tra giám sát ô nhiễm còn thiếu. Giữa các lực lượng thanh, kiểm tra chuyên ngành của thành phố và quận, huyện chưa hình thành cơ chế phối hợp đồng bộ nên chưa thống nhất hành động trong công tác quản lý bảo vệ môi trường gắn với mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội của thành phố. Mặt khác, về phía các doanh nghiệp, ý thức chấp hành pháp luật bảo vệ môi trường chưa cao. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp vi phạm có hệ thống, có những biện pháp đối phó với các đoàn thanh, kiểm tra.

Lý giải thực tế này, theo đại diện các Phòng Tài nguyên và Môi trường quận huyện cho rằng nguyên nhân không hoàn toàn do doanh nghiệp. Một phần nguyên nhân do các doanh nghiệp chạy theo lợi ích kinh tế. Phần khác vì đang tồn tại sự cạnh tranh thiếu bình đẳng giữa các doanh nghiệp thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường với doanh nghiệp chưa thực hiện tốt quy định luật bảo vệ môi trường. Doanh nghiệp đen có lợi thế hơn về giá thành sản phẩm đã tạo hiệu ứng không tốt đến ý thức tự giác bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, phải thừa nhận rằng công tác xây dựng văn bản, tuyên truyền hướng dẫn thực thi pháp luật vẫn chưa được kịp thời, còn nhiều quy định chồng chéo, bất cập, thường xuyên sửa đổi bổ sung. Nhiều quy định chưa phù hợp với tình hình thực tế do vậy cũng gây khó khăn cho việc thực thi, hướng dẫn và tuyên truyền giáo dục pháp luật và kéo theo hiệu quả kiểm tra giám sát chưa cao.

Đồng bộ nhiều giải pháp

Bà Lê Thị Kim Oanh cho biết thêm, TPHCM đang trong quá trình phát triển cơ sở hạ tầng, sản xuất công nghiệp nên đang phải đối mặt với những tác động tiêu cực của những vấn đề môi trường như biến đổi khí hậu, ô nhiễm không khí, nguồn nước, cạn kiệt nguồn tài nguyên thiên nhiên, ảnh hưởng đến chất lượng môi trường. Để nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật bảo vệ môi trường, đáp ứng tình hình phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục tham mưu cho UBND thành phố ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ môi trường đồng bộ làm công cụ cho việc quản lý môi trường đạt hiệu quả. Hướng dẫn Phòng Tài nguyên và Môi trường cấp quận, huyện, doanh nghiệp triển khai thực hiện các quy định pháp luật về môi trường. Tập huấn nghiệp vụ về môi trường để nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý môi trường cấp cơ sở. Mặt khác, tăng cường đầu tư xây dựng các công trình xử lý chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp, chất thải rắn nguy hại, chất thải rắn y tế; xử lý nước thải sinh hoạt, công nghiệp, thương mại, dịch vụ, y tế. Đồng thời kết hợp hoàn thiện đầu tư cơ sở vật chất, hiện đại hóa trang thiết bị về môi trường, quan trắc môi trường, giám sát chất lượng môi trường xây dựng trung tâm quan trắc và phân tích môi trường tiến đến kết nối mạng lưới quan trắc quốc gia. Về phía lực lượng thanh, kiểm tra sẽ thực hiện củng cố năng lực kiểm tra, tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường đủ mạnh, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào việc xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý, kiểm tra giám sát về môi trường. Tăng cường phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan trong việc thanh, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật và trao đổi thông tin cho nhau nhằm hạn chế việc thanh, kiểm tra chồng chéo, trùng lắp giảm phiền hà cho các cơ sở sản xuất kinh doanh.

Riêng với những cơ sở sản xuất, doanh nghiệp có hành vi vi phạm môi trường trong năm 2014 sẽ tiếp tục bị giám sát chặt trong năm 2015. Bên cạnh đó, sở đã lên kế hoạch tăng cường công tác thanh, kiểm tra các cơ sở sản xuất thuộc các đối tượng hoạt động kinh doanh trong các lĩnh vực dệt nhuộm, xeo giấy, xi mạ, các cơ sở kinh doanh buôn bán hóa chất gây ô nhiễm môi trường. Tập trung kiểm tra, giám sát các cơ sở sản xuất trong khu dân cư, nhất là cơ sở đã bị người dân phản ánh, thuộc đối tượng phải di dời do không phù hợp quy hoạch hoặc gây ô nhiễm môi trường.

ÁI VÂN - MINH HẢI

Tin cùng chuyên mục