Đẩy mạnh hợp tác quốc tế để cải thiện môi trường

Đẩy mạnh hợp tác quốc tế để cải thiện môi trường

Ở Việt Nam, vấn đề ô nhiễm, suy thoái môi trường hiện là mối quan tâm lớn của Chính phủ cũng như toàn xã hội. Ngoài nạn lũ lụt, hạn hán gia tăng gây thiệt hại về người và tài sản do quá trình biến đổi khí hậu, loài người vẫn phải tiếp tục đối mặt với những hình thức ô nhiễm khói, bụi, tiếng ồn, nguồn nước, rác và các loại thiên tai sạt lở đất đá ở núi và các bờ sông, kênh rạch. Để giải quyết vấn đề này, một trong những giải pháp quan trọng hàng đầu được đề ra trong chiến lược bảo vệ môi trường Việt Nam là phát triển hợp tác quốc tế.

Các nhà máy xả khói như thế này làm thành phố ô nhiễm hơn. Ảnh: T.L

Phát triển hợp tác quốc tế sâu rộng trong lĩnh vực bảo vệ môi trường được đánh giá là cách tiếp cận hiệu quả nhất, giúp Việt nam đẩy nhanh quá trình hoàn thiện hệ thống chính sách, nâng cao kinh nghiệm quản lý môi trường, ứng dụng công nghệ môi trường, tạo nguồn đầu tư tài chính cho các hoạt động bảo vệ môi trường. Bà Stepphanie Gay Torrente, Giám đốc Triển lãm quốc tế về môi trường hàng đầu thế giới Pollutec 2016 (Pháp) cho biết, vấn đề ô nhiễm môi trường đã và đang ngày càng trở nên nghiêm trọng ở Việt Nam. Các vấn đề môi trường hiện nay cần quan tâm đó là xử lý chất thải, nước thải, ô nhiễm không khí, kinh doanh xanh… Để chia sẻ những giải pháp bảo vệ môi trường,  Pháp sẽ hỗ trợ giới thiệu và đẩy mạnh hợp tác với Việt Nam về các công nghệ, sản phẩm tiên tiến liên quan đến lĩnh vực xử lý ô nhiễm không khí, xử lý nước thải, chất thải, thiết bị và máy móc dùng cho phòng thí nghiệm nghiên cứu về môi trường, các hình mẫu kinh tế đáp ứng xu hướng xanh - sạch. Đặc biệt năm nay, Việt Nam vinh dự được lựa chọn làm quốc gia khách mời danh dự tại Pollutec 2016. Đây là sự kiện có tầm quan trọng đặc biệt, ghi nhận sự phát triển và đầu tư mạnh mẽ của Việt Nam trong lĩnh vực môi trường và phát triển bền vững trong những năm gần đây. Đồng thời, sự kiện này là cơ hội lớn nhằm quảng bá hình ảnh Việt Nam như một quốc gia đầy tiềm năng, với nhiều dự án thu hút đầu tư nước ngoài trong ngành môi trường.

Theo một số ý kiến, cái khó lớn nhất của doanh nghiệp Việt khi xâm nhập vào thị trường Pháp là nắm vững được các quy trình, thủ tục đăng ký đầu tư và đáp ứng được các tiêu chuẩn của thị trường này. Chia sẻ về vấn đề này, ông Olivier Monange, đại diện của Văn phòng luật DS AVOCATS tại Việt Nam cho rằng, doanh nghiệpViệt cần phải trang bị cho mình những hiểu biết nhất định về khía cạnh pháp lý khi bắt tay đầu tư dự án tại thị trường Pháp. Doanh nghiệp Việt Nam cần nắm vững về thuế và thủ tục hải quan, các vấn đề về hợp đồng thương mại, thanh toán, thành lập văn phòng đại diện và chi nhánh. Ông Olivier cho biết thêm, một lợi thế rất lớn cho các doanh nghiệp Việt khi xuất khẩu hàng vào thị trường Pháp là sẽ không phải đóng thuế hàng hóa lưu kho hoặc lưu cảng; thuế hải quan chỉ phải đóng khi hàng hóa được bán. Do vậy, ông Olivier khuyên các doanh nghiệp Việt Nam khi ký kết đơn hàng với các đối tác doanh nghiệp tại Pháp nên đặt hàng tại các kho tạm, doanh nghiệp được lợi rất nhiều. Ngoài ra, ông Olivier còn khuyên các doanh nghiệp Việt Nam nếu có thuê giao nhận vận tải thì nên tìm thuê những doanh nghiệp vận tải được Hải quan EU cấp giấy chứng nhận, sẽ giảm được rất nhiều thời gian làm thủ tục thông quan và chi phí rẻ hơn đến 30%-50% so với các hãng vận tải không được chứng nhận.

Ông Guillaume Crouzet, Tổng Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Pháp (CCIFV) cho biết, hiện nay các nước trong khối ASEAN là Singapore, Indonesia, Thái Lan, Malaysia… đều đã có dự án đầu tư được triển khai tại Pháp, nhưng Việt Nam hầu như chưa có doanh nghiệp nào làm được điều này. Chính phủ Pháp luôn luôn tạo cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào Pháp; điều cốt lõi là phụ thuộc vào phía doanh nghiệp Việt Nam. Pháp và Việt Nam có nhiều cơ hội để thúc đẩy hợp tác kinh tế hiệu quả và bền vững hơn nữa. Do vậy, ông Guillaume Crouzet mong muốn Chính phủ hai nước sẽ cùng cố gắng để thúc đẩy mối quan hệ tốt đẹp này. Ông Guillaume Crouzet hy vọng doanh nghiệp Việt Nam sẽ sớm có mặt ở Pháp ngày càng nhiều cũng giống như các nhà đầu tư Pháp tại Việt Nam.

MINH HẢI

Tin cùng chuyên mục