Giải thưởng Võ Trường Toản năm 2017: Những điều ước giản dị

Dù dạy ở trung tâm giáo dục thường xuyên, hay các trường dành cho trẻ khuyết tật, thì những người thầy, những người cô vẫn luôn tỏa sáng bởi ngọn lửa yêu trẻ, yêu nghề. 
Cô Trần Thị Huyền, Giám đốc Trung tâm Giáo dục thường xuyên quận 12, cùng học sinh trong giờ ra chơi
Cô Trần Thị Huyền, Giám đốc Trung tâm Giáo dục thường xuyên quận 12, cùng học sinh trong giờ ra chơi
Họ là những kỹ sư tâm hồn để giúp các em hòa nhập với cuộc sống hiện tại, giúp các em xây dựng tương lai, một điều mà vốn dĩ bản thân các em cũng như bậc sinh thành cũng không dám nghĩ đến dù nó rất đời thường và giản dị.  
Khi tình thương không nói được bằng lời
Xuất thân từ gia đình có truyền thống 4 đời làm giáo dục, nhưng khi về làm Giám đốc Trung tâm Giáo dục thường xuyên quận 12 vào năm 2008, cô Trần Thị Huyền vẫn không khỏi bị “sốc” và mất ăn, mất ngủ. Cô tâm sự: “Tôi sốc không phải vì được phân công về chỗ người ta thường hay “né”, mà vì mỗi em học sinh ở trung tâm là một hoàn cảnh, em thì không cha, em thì không mẹ, có em thì không cha lẫn mẹ phải ở với bà. Chưa hết, học sinh phần lớn là công nhân, người lớn tuổi, có em đi học mà mình xăm trổ trông cũng bặm trợn quá. Cũng chính vì vậy mà tôi đã dành thời gian để quan tâm, tìm hiểu đến hoàn cảnh của các học sinh, sinh hoạt rất nhiều với các giáo viên chủ nhiệm để nắm tâm tư của học sinh. Có rất nhiều hoàn cảnh đặc biệt mà chính bản thân tôi khi giúp đỡ cũng không muốn cho các em biết vì sợ các em mặc cảm. Muốn giúp các em cái gì cũng phải nghĩ cách cho thật khéo”. 
Để có một cơ sở vật chất khang trang cho học sinh, năm 2010, cô Huyền mạnh dạn đề xuất quận và Sở GD-ĐT TPHCM sửa chữa, xây lại phòng học và các phòng chức năng cho trung tâm. Nhờ có môi trường sư phạm tốt, cơ sở vật chất khang trang, nên hiện nay Trung tâm Giáo dục thường xuyên Quận 12 thu hút đến 1.700 học sinh, tăng gần gấp đôi so với trước đây. Đáng nói hơn, trong 6 năm liền, trung tâm dẫn đầu TP về tỷ lệ tốt nghiệp trung học phổ thông. Tập thể sư phạm nhà trường luôn đạt thành tích xuất sắc và được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng ba. Đặc biệt, năm nào trung tâm cũng có nhiều học sinh giỏi cấp TP và cấp quốc gia. 
Dù có rất nhiều thành tích cá nhân, trong đó có cả Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, nhưng khi hỏi về điều gì khiến cô cảm thấy hạnh phúc sau 31 năm lăn lộn với nghề, cô Huyền tâm tư: “Điều tôi hạnh phúc và vui nhất là các em khi vào trung tâm thì không còn nghĩ đến chuyện bỏ học và khi ra trường có rất nhiều em đã về thăm, giúp đỡ lại những em khác. Dù các em chưa thành danh nhưng điều hạnh phúc của người thầy là các em đã thành nhân”. 
Là một trong những giáo viên trẻ tuổi nghề nhất so với các giáo viên đoạt Giải thưởng Võ Trường Toản năm 2017, nhưng cô Nguyễn Thị Khánh Ly, giáo viên dạy môn Lịch sử - Trung tâm Giáo dục thường xuyên Quận Phú Nhuận, không hề “non” về lửa nghề. Không dễ để một giáo viên vừa ra trường đã về ngay trung tâm giáo dục thường xuyên, nơi thường bị xem như “hàng dạt” về cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Tuy nhiên, với sức trẻ và lửa nghề từ cha mẹ truyền lại, cô giáo trẻ đã có một quá trình nỗ lực đáng trân trọng. Mới công tác tại trung tâm 10 năm, nhưng từ năm 2010 đến nay, năm nào cũng có học trò giật giải Học sinh giỏi môn Lịch sử cấp TP. 10 năm liền là giáo viên giỏi của trung tâm; giải nhất hội thi Giáo viên giỏi cấp TP; nhiều năm liền đoạt giải thưởng “Nhà giáo trẻ tiêu biểu TP” do Ban Chấp hành Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và Thành Đoàn TPHCM khen tặng.
Làm thế nào để cô có thể “lôi” học sinh đam mê môn Lịch sử trong khi thực tế môn học này các em lại không thích. Cô Khánh Ly tâm sự: “Tôi luôn theo đuổi phương pháp mỗi học sinh là một nhà sử học. Trước hết, phải để các em hiểu và biết lịch sử gia đình của mình, phải để các em biết lịch sử con đường hàng ngày đến trường, biết nơi các em học, biết khu phố của các em đang ở. Bên cạnh đó, tôi cũng “xé rào” để cho các em được trình bày quan điểm, chính kiến khi đặt mình trong từng bối cảnh lịch sử”.  
Các em “tàn” nhưng không “phế” 
Khi về Trường Hy Vọng quận 8, cô Nguyễn Thị Thanh Trúc đã kinh qua 12 năm giảng dạy tiểu học, 5 năm làm Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Rạch Ông, nhưng cô đã luôn bật khóc khi nhìn học sinh ở đây. “Tôi nói các em cũng không hiểu, mà các em nói tôi cũng không hiểu được. Trường chỉ có vài chục học sinh, nhưng giữa tôi và các em có khoảng cách xa quá, chỉ nhìn nhau bằng ánh mắt”, cô Trúc thổ lộ. Lòng thương trẻ đã thôi thúc cô phải học và học rất nhiều từ chính giáo viên ở trường, để mong sao có thể trò chuyện và hiểu được học sinh của mình. Để có thêm kiến thức về trẻ khuyết tật, cô đã tự tìm hiểu, đọc tài liệu và tự qua quận 4 để “học ké” lớp giao tiếp với trẻ khiếm thính.
Chính bằng tình thương yêu đó, cùng với kinh nghiệm giảng dạy trước đây, cô Trúc luôn tìm tòi và có những sáng kiến đổi mới phương pháp giảng dạy để kích thích sự chủ động của các em. Cô đẩy mạnh việc sử dụng đĩa và hình ảnh để giảng dạy và kích thích phát triển ngôn ngữ cho các trẻ ở đây. Và điều khiến cô hạnh phúc là những nỗ lực đổi mới của cô đã đem lại hiệu quả khi các em tiếp thu nhanh hơn, kích thích các em nói nhiều hơn. 
Không chịu để giáo viên bó mình hay ngại giao tiếp vì những hoàn cảnh đặc biệt của trường, khi sở hay quận có các cuộc thi là bản thân cô mạnh dạn đăng ký, động viên và tạo điều kiện để các cô trò tham gia. Nhờ vậy mà từ giáo viên đến học sinh đều “giật” giải ở các cuộc thi Giáo viên dạy giỏi trẻ khuyết tật cấp TP, cấp quận, cuộc thi Nét vẽ xanh, hội diễn văn nghệ, thể dục thể thao. Một tương lai cho Trường Hy Vọng được minh chứng là hiện nay có 2 trong số cựu học sinh giờ là giáo viên xin về công tác tại trường. Chính 2 giáo viên này đã bổ sung những kiến thức, ký hiệu ngôn ngữ lại cho các thầy cô đã dạy mình và cho cả những phụ huynh của các em, để tiếp tục mang lại hy vọng cho các trẻ khuyết tật. 
Nhớ lại cách đây 28 năm, cô nữ sinh Nguyễn Thị Thu Sương khi ấy tuổi còn đôi mươi vừa ra trường đã được về Trường Phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu. “Một ngôi trường mà từ cái tên đến từng học sinh đều quá đỗi đặc biệt. Môi trường ở đây hoàn toàn khác biệt và tôi không hề được biết đến, nên đã mất một năm tôi phải ở nội trú, trực đêm, để tập sống cùng với các em. Thế là từ từ bén duyên và tôi đã hiểu dần tâm sinh lý của các em khuyết tật, các em đa khuyết tật”, cô Sương nhớ lại.
Giải thưởng Võ Trường Toản năm 2017: Những điều ước giản dị ảnh 1 Cô Nguyễn Thị Thu Sương, giáo viên Trường Phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu, đang dạy học trò làm bánh flan
Hiện nay cô Sương là Tổ trưởng Tổ Kỹ năng hòa nhập, phụ trách công tác giảng dạy kỹ năng sống, giao tiếp xã hội, kỹ năng nghề, để học sinh có thể hòa nhập vào cuộc sống bình thường. Chia sẻ về công việc của mình, cô Sương cho biết: “Mọi trẻ khuyết tật đều có nhu cầu giao tiếp, nhưng các em lại lười giao tiếp. Do đó mà giáo viên phải đánh thức sự chủ động giao tiếp của trẻ. Nhiều trẻ không nghe được, không thấy được, không nói được, nhưng các em vẫn muốn giao tiếp. Tuy nhiên, có những em, để kích thích sự giao tiếp, tôi phải ngồi hàng giờ, hàng ngày xếp tay lên bàn để chạm dần dần vào tay của em để kích thích sự chủ động giao tiếp của em. Và phải chờ… đến khi em ấy chủ động thì mới dám trò chuyện giao tiếp với em. Với những trẻ mới sinh ra mà bị khiếm thính, khiếm thị, chúng tôi liên hệ để can thiệp sớm cho các em. Việc can thiệp này trước hết phải là từ gia đình. Chúng tôi làm công tác tư tưởng thuyết phục gia đình cho các em được tiếp cận các liệu pháp để trẻ phát triển bình thường. Và sau đó, chúng tôi còn giúp phụ huynh định hướng tương lai cho các em. Không ít trong số đó đã có những em trở thành giáo viên, có thể hòa nhập làm việc, tự phục vụ, nuôi sống bản thân”. 
Khi tận mắt chứng kiến cảnh các em khiếm thị được cô hướng dẫn muối dưa cải, làm bánh…, chúng tôi mới thấy được hạnh phúc của cô và trò. Và hạnh phúc lớn nhất của cô không phải là những bằng khen thành tích, mà đó chính là thấy những học trò “đặc biệt” của mình tự tin hòa nhập và bước vào đời.
Giải thưởng Võ Trường Toản năm 2017 còn tôn vinh: 
- Cô Lê Thị Thu Hà, giáo viên TTGDTX quận 1, với 31 năm giảng dạy, 17 năm liền có học sinh giỏi Văn cấp TP. Cô còn đạt nhiều thành tích như 9 năm liền Chiến sĩ Thi đua cấp cơ sở, Chiến sĩ Thi đua cấp TP, nhận bằng khen của UBND TPHCM.
- Thầy Nguyễn Đình Trung Hưng, giáo viên Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Nguyễn Hữu Cảnh, với 17 năm giảng dạy và 6 năm đạt danh hiệu Chiến sĩ Thi đua cấp cơ sở. Trong năm học vừa qua, thầy Hưng đoạt giải nhì hội thi Giáo viên trung cấp chuyên nghiệp toàn quốc.
- Cô Trần Thị Hạnh, giáo viên Trường Chuyên biệt Tương lai quận 5. Với 26 năm giảng dạy, cô có 3 đề tài sáng kiến kinh nghiệm đạt kết quả tốt, đạt danh hiệu Giáo viên giỏi cấp TP, Chiến sĩ Thi đua cấp TP.

Tin cùng chuyên mục