Vụ “Không học... vẫn có bằng” tại Trường Trung cấp Kinh tế Kỹ thuật Sài Gòn: Trách nhiệm thuộc về ai?

Liên quan đến thông tin “Không học… vẫn có bằng!” tại Trường Trung cấp Kinh tế Kỹ thuật Sài Gòn (TCKTKTSG), (Báo SGGP số ra ngày 15-5), chúng tôi tiếp tục nhận được nhiều thông tin từ những người có liên đới đến việc này. Quan trọng hơn, có thông tin cho rằng số lượng bằng được cấp ngoài luồng còn lớn hơn.

Liên quan đến thông tin “Không học… vẫn có bằng!” tại Trường Trung cấp Kinh tế Kỹ thuật Sài Gòn (TCKTKTSG), (Báo SGGP số ra ngày 15-5), chúng tôi tiếp tục nhận được nhiều thông tin từ những người có liên đới đến việc này. Quan trọng hơn, có thông tin cho rằng số lượng bằng được cấp ngoài luồng còn lớn hơn.

Thanh tra 2 lần vẫn lọt sổ

Trả lời chúng tôi về những thông tin Báo SGGP phản ánh, ông Nguyễn Việt Dũng, Hiệu trưởng Trường TCKTKTSG nói: Những vấn đề mà báo nêu là những sai phạm của thời hiệu trưởng cũ, ông Nguyễn Trọng Tấn. Tôi mới về trường từ tháng 10-2009 đến nay nên cũng không biết ngọn nguồn. Tuy nhiên, sau khi báo phản ánh, chúng tôi xem lại sổ phát bằng tốt nghiệp thì đúng là có nhiều điều bất ổn.

“Thật tình mà nói, nếu tôi biết trước trường có những sai phạm này thì tôi đã không bỏ tiền ra để sang nhượng lại trường…” – ông Dũng chán nản.

Liên quan đến việc cấp phát bằng, ông Nguyễn Trọng Tấn, nguyên Hiệu trưởng của Trường TCKTKTSG giải thích: “Trước khi chuyển giao trường cho ban giám hiệu mới, khoảng tháng 9-2009 (đây cũng là thời gian ông Bùi Quốc Hoàng, Trưởng phòng Đào tạo rời khỏi trường không rõ lý do), tôi có nghe thông tin bán bằng và phát 2 lần cho nhiều học viên. Khi tiến hành kiểm tra, do không thể liên lạc được với các học viên, đồng thời những người có liên quan (ở phòng đào tạo) mỗi người đi mỗi nơi… nên thật tình rất khó để tôi giải quyết.

Hơn nữa, tất cả phôi bằng do Trưởng phòng Đào tạo nhận từ Sở GD-ĐT TPHCM, cất giữ và cấp phát cho học viên. Tôi chỉ ký vào phôi bằng khi có chữ ký nháy của trưởng phòng đào tạo… Nói như thế không có nghĩa là tôi chối bỏ trách nhiệm. Tôi muốn nói tôi không chạy làng mà cam kết sẽ xử lý dứt điểm việc này, sai đến đâu tôi sửa đến đó”.

Thế nhưng, khi chúng tôi đặt vấn đề tại sao cả 2 lần thanh tra Sở GD-ĐT TPHCM thanh tra toàn diện đều không phát hiện sai phạm trong cấp phát bằng thì ông Tấn trả lời ấp úng: “Tôi… cũng không biết nói sao nữa! Nói chung trường tôi được thanh tra, kiểm tra nhiều lần. Một năm ít nhất là 2 lần!”.
 
Ai đã tuồn bằng ra ngoài?
 
Trong buổi làm việc với chúng tôi và ban giám hiệu mới vào ngày 13-5, ông Hoàng khẳng định “Từ trước tới giờ tôi chưa nghe có chuyện bán hoặc sai phạm trong việc cấp phát bằng”. Ngày 14-5, chúng tôi tiếp tục làm việc với lãnh đạo trường thì ông Hoàng vắng mặt.

Trả lời qua điện thoại, ông Hoàng quả quyết: “Tất cả những việc này do thầy Tấn chỉ đạo làm, tôi chỉ là người làm thuê... Các anh cần thông tin gì cứ hỏi thầy Tấn là biết hết!”.
 
Qua tìm hiểu, chúng tôi phát hiện 2 bằng tốt nghiệp phát không cho Lưu Văn Luật và Nguyễn Thanh Vũ do chính ông Hoàng trực tiếp vào sổ, ghi tên trên bằng và ký nháy sau đó trình cho hiệu trưởng ký. Như vậy, rõ ràng ông Trưởng phòng Đào tạo là người biết rõ nhất chuyện sai phạm cấp phát bằng nhưng trong quá trình làm việc ông cố tình né tránh và không hợp tác.
 
Thêm một thông tin nữa mà chúng tôi có được là trong khóa đầu tiên 2005-2007, Trường TCKTKTSG còn liên kết với Trung tâm Đào tạo nghề tỉnh Đắc Lắc mở một lớp liên kết đào tạo cho khoảng 60 học viên. Tuy nhiên, lớp liên kết này không được báo cáo lên Sở GD-ĐT TPHCM nhưng học viên vẫn được cấp phát bằng tốt nghiệp.
 
Một ngôi trường trung cấp vừa thành lập thì ngay trong khóa đầu tiên đã có nhiều sai phạm nghiêm trọng nhưng cơ quan chủ quản vẫn không hay biết. Càng lạ hơn, dù trường đã được thanh tra toàn diện 2 lần, thậm chí năm nào cũng thanh tra, kiểm tra nhưng cái sai to đùng vẫn không ai nhìn nhận.

THANH HÙNG

Tin cùng chuyên mục