Đổi mới giáo dục và đào tạo - khẩn trương, quyết liệt nhưng không hấp tấp

Nhìn thẳng vấn đề
Đổi mới giáo dục và đào tạo - khẩn trương, quyết liệt nhưng không hấp tấp

Sáng 6-1, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận đã có buổi làm việc với các cán bộ chủ chốt ngành giáo dục, đại diện các trường học trên địa bàn TPHCM nhằm quán triệt và triển khai nghị quyết Hội nghị lần thứ 8 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI (Nghị quyết số 29-NQ/TW) về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.

Các cháu lớp Lá Trường Mầm non Họa Mi 3, quận 5, TPHCM trong giờ học theo nhóm. Ảnh: Mai Hải

Các cháu lớp Lá Trường Mầm non Họa Mi 3, quận 5, TPHCM trong giờ học theo nhóm. Ảnh: Mai Hải

Nhìn thẳng vấn đề

Hội nghị lần thứ 8 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI khi tổng kết về thực trạng giáo dục Việt Nam đã nêu lên 6 thành tựu và 10 yếu kém được đúc kết trong thời gian qua. Lý giải vì sao có những con số này, trong đó yếu kém nhiều hơn thành tựu, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận cho biết: “Đây là một trong những động thái thể hiện tinh thần không né tránh, dám nhìn thẳng vào sự thật, đưa ra các yếu kém với tinh thần tự phê bình, nghiêm túc tìm ra giải pháp”. Trong đó, phần thành tựu chỉ được viết ngắn gọn, không tập trung đi sâu phân tích. Nhưng đối với các yếu kém, hàng loạt nguyên nhân chủ quan đã được đưa ra nhằm tập trung làm rõ như thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước về phát triển giáo dục còn chậm và lúng túng; xây dựng, tổ chức thực hiện chiến lược, kế hoạch và chương trình phát triển giáo dục chưa đáp ứng yêu cầu xã hội; bệnh hình thức, hư danh, chạy theo bằng cấp chậm được khắc phục; tư duy bao cấp còn nặng nề khiến khả năng huy động các nguồn lực xã hội đầu tư cho giáo dục còn hạn chế; công tác quản lý chất lượng, thanh tra, kiểm tra, giám sát chưa được coi trọng đúng mức…

Đi sâu vào thực tế công tác giảng dạy, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đã chỉ ra hàng loạt bất cập hiện nay như việc dạy và học các môn tự nhiên còn áp đặt phương pháp giảng giải, chú trọng kết quả và điểm số, bỏ quên việc khuyến khích tinh thần sáng tạo của học sinh. Riêng đối với các môn xã hội như văn, âm nhạc, mỹ thuật, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết: “Mục tiêu của giảng dạy không phải biến các em thành những nhà văn, nhạc sĩ mà là nâng cao khả năng cảm thụ văn hóa, dạy học sinh biết rung động trước những tác phẩm văn hóa nghệ thuật”. Giáo dục sau năm 2015 sẽ phát triển theo hướng tăng cường tích hợp ở bậc mầm non và tiểu học, trong đó các phân môn riêng rẽ như toán, lý, hóa, văn, sử, địa sẽ được gộp chung thành các môn khoa học tự nhiên, khoa học xã hội. Đối với các bậc cao hơn, đổi mới sẽ theo hướng phân hóa mạnh kết hợp với tổ chức các môn tự chọn, học sinh không bắt buộc học tất cả các môn mà có thể chọn những môn phù hợp với năng lực, sở thích.

Thay đổi theo hướng có lợi cho học sinh

Trước câu hỏi vì sao Bộ GD-ĐT chủ trương đổi mới kỳ thi tốt nghiệp THPT ngay trong năm nay khi thời gian chuẩn bị còn chưa đầy 5 tháng, Bộ trưởng giải đáp: “Tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT nhiều năm qua là một trong những vấn đề nóng, gây bức xúc trong dư luận. Ngoài việc khiến tình trạng dạy thêm, học thêm ngày càng phát triển, tổ chức thi theo hình thức cũ còn tạo ra nhiều áp lực, gánh nặng thi cử đối với học sinh. Nếu chờ thay đổi chương trình SGK, thay đổi phương pháp dạy học xong mới đổi mới thì ít nhất cũng mất hơn 10 năm nữa. Khi đó sẽ có thêm nhiều thế hệ học sinh thiệt thòi. Do đó, chủ trương của ngành là nhìn ra yếu kém phải khắc phục ngay”. Song, dù đổi mới hình thức tổ chức, nội dung thi năm nay cơ bản vẫn nằm trong chương trình SGK. Số lượng môn thi tuy có giảm nhưng độ khó, sự phân hóa đề thi, cách thức kiểm tra, đánh giá vẫn ổn định như mọi năm. Người đứng đầu ngành giáo dục khẳng định nhiệm vụ đổi mới sẽ được tiến hành khẩn trương, quyết liệt nhưng tránh hấp tấp, đảm bảo tối đa quyền lợi cho học sinh.

Học sinh Trường Tiểu học Lê Ngọc Hân, quận 1, TPHCM thí nghiệm vui trong giờ ngoại khóa. Ảnh: T.L.
Học sinh Trường Tiểu học Lê Ngọc Hân, quận 1, TPHCM thí nghiệm vui trong giờ ngoại khóa. Ảnh: T.L.

Về con số 20% học sinh khá, giỏi được miễn thi tốt nghiệp, lãnh đạo ngành giáo dục cho biết đó chỉ là mức quy định chung, các địa phương tùy thuộc vào đặc điểm riêng của mình ban hành các tiêu chuẩn phù hợp trên cơ sở giảm áp lực thi cử cho học sinh. Bộ trưởng Phạm Vũ Luận nhấn mạnh: “Đổi mới thi cử là một trong những khâu đột phá quan trọng, không chỉ ở Việt Nam mà của cả các nước trên thế giới. Nếu như đổi mới lần này được xem là một trận đánh lớn thì đổi mới thi cử chính là khâu xung yếu, có thể giành thắng lợi để từ đó tạo ra sức lan tỏa sang những bộ phận khác, góp phần đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục và đào tạo nước nhà”.

  • Bộ trưởng Phạm Vũ Luận

"Mục tiêu của giáo dục toàn diện là cung cấp kiến thức nền ở bậc học dưới và tôn trọng sở thích, nhu cầu, năng lực của học sinh ở các bậc học cao hơn nhằm phát huy tài năng, sở trường của học sinh"

THU TÂM

Tin cùng chuyên mục