Nghiên cứu của trường đại học cần hướng đến thực tiễn, không phải là những sáng tạo “chay”

Nghiên cứu của trường đại học cần hướng đến thực tiễn, không phải là những sáng tạo “chay”

(SGGPO)- Sáng 1-10, tại huyện Khoái Châu (tỉnh Hưng Yên), Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên tổ chức khai giảng năm học mới 2015-2016. Lễ khai giảng có Chủ tịch Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đến dự. 

Theo Phó hiệu trưởng nhà trường Nguyễn Đức Giang, tính trung bình trong 5 năm gần đây, tổng số sinh viên, học viên tốt nghiệp của Trường là 20.865 (bao gồm đại học: 14.696, cao đẳng: 3.913, TCCN: 1.327, đào tạo nghề: 9.29). Trong 5 năm đó, trường đã triển khai nghiên cứu 1 đề tài khoa học công nghệ cấp Nhà nước với kinh phí hơn 6 tỷ đồng, 45 đề tài khoa học công nghệ cấp bộ với kinh phí 8,76 tỷ đồng, 259 đề tài cấp cơ sở với kinh phí hơn 3,94 tỷ đồng. Phong trào sinh viên nghiên cứu khoa học kỹ thuật phát triển mạnh, các đội tuyển Robot của trường giành giải Nhất và giải Nhì quốc gia cuộc thi sáng tạo Robot năm 2015, trở thành đội tuyển vô địch đại diện Việt Nam tham dự Cuộc thi Sáng tạo Robot Châu Á - Thái Bình Dương tổ chức tại Indonesia vào tháng 8-2015 và đã xuất sắc mang về chiếc cúp vô địch lần thứ 5 cho Việt Nam. Trường phát triển theo hướng đại học nghiên cứu ứng dụng trong hệ thống giáo dục quốc dân, vì vậy, mối quan hệ hợp tác với các doanh nghiệp, hợp tác quốc tế luôn được ưu tiên.

Lễ khai giảng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên năm học 2015-2016 có sự tham dự của Chủ tịch Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân 

Chúc mừng những kết quả quan trọng của nhà trường, Chủ tịch Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, trải qua 49 năm xây dựng và phát triển, Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật Hưng Yên đã có nhiều đóng góp quan trọng trong sự nghiệp đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực có trình độ khoa học kỹ thuật và sư phạm cao cung cấp cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh góp phần vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và phát triển đất nước.

Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên là trường đại học công lập trực thuộc Bộ GD-ĐT, hiện có nhiệm vụ đào tạo giáo viên dạy nghề, giáo viên kỹ thuật trình độ đại học; kỹ sư, kỹ thuật viên thực hành; bồi dưỡng chuyên môn công nghệ kỹ thuật.. Hiện tại trường tổ chức đào tạo 14 ngành với 29 chuyên ngành đào tạo đại học và 8 chuyên ngành đào tạo cao học. Tổng số sinh viên tại thời điểm năm học 2014-2015 là 11.912; số lượng sinh viên tuyển mới năm 2015 là 2.400. Trường có 3 cơ sở đào tạo đặt tại huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên; tại huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên; tại thành phố Hải Dương. Những năm qua, trường đã phát triển quy mô, nâng cao chất lượng đào tạo.

     

Đặc biệt, nâng cấp thành trường đại học được 12 năm, trường đã có được nhiều bước phát triển vượt bậc cả về cơ sở vật chất và trang thiết bị (nhiều thiết bị hiện đại nhập từ Áo, Đức, Ý); công tác đào tạo; hoạt động nghiên cứu khoa học; đội ngũ cán bộ, giảng viên. Đáng chú ý, chất lượng và trình độ đội ngũ cán bộ, giảng viên đạt chuẩn và trên chuẩn có thể sánh ngang với các trường tại TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh (trên 20%). Trường có trên 500 bài báo khoa học đăng trên các tạp chí, kỷ yếu hội nghị khoa học trong và ngoài nước trong 5 năm qua.

Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, trường nên đăng ký với Bộ Khoa học - Công nghệ nghiên cứu sáng tạo những robot cần thiết cho cuộc sống, như robot phục vụ gia đình, y tế, robot thể thao... từ đó góp phần vào định hướng Việt Nam có nên phát triển ngành công nghiệp robot. “Những nghiên cứu, sáng tạo của trường cần hướng vào thực tiễn, không phải là những sáng tạo “chay”, làm ra robot không chỉ để đi thi mà để phục vụ nhu cầu cuộc sống”, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân gợi ý.

Trong thời gian tới, Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật Hưng Yên cần tập trung chú trọng thực hiện tốt Nghị quyết số 29/NQ-TW của Trung ương Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, phấn đấu 50% giảng viên là tiến sĩ, phát triển trở thành trường đại học trọng điểm của khu vực đồng bằng Bắc bộ về đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực có trình độ khoa học công nghệ cao, có nghiệp vụ sư phạm nghề nghiệp giỏi cung cấp cho các cơ sở đào tạo và các doanh nghiệp trong khu vực và cả nước.

Đại học Quốc gia Hà Nội sẽ có trường THPT chuyên Khoa học xã hội nhân văn

Ngày 1-10, tại lễ kỷ niệm 70 năm truyền thống và 20 năm thành lập, đón nhận Huân chương Lao động hạng nhất (lần thứ 2) Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết, hiện tại trường đã hoàn thành đề án thành lập trường THPT chuyên khối Khoa học xã hội nhân văn. 

Đề án đã được Đại học Quốc gia Hà Nội thông qua và đang trong lộ trình thực hiện để đến năm 2016 sẽ là năm đầu tiên tuyển sinh với các lớp chuyên và Ngữ văn và Lịch sử, tiếp theo đó là Địa lí. Trường THPT chuyên khoa học xã hội nhân văn sẽ thu hút những học sinh có năng khiếu về ngành khoa học xã hội.

Như vậy, bên cạnh các trường chuyên Ngữ (Đại học Ngoại ngữ) và Chuyên Khoa học tự nhiên (Đại học Khoa học Tự nhiên), tới đây Đại học Quốc gia Hà Nội sẽ có thêm trường chuyên khối Khoa học xã hội nhân văn. 

Ngày 10-10-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh thành lập Đại học Văn khoa (tiền thân của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn ngày nay), là một trường đại học khoa học cơ bản, có truyền thống và uy tín. Trường là nơi đào tạo ra nhiều thế hệ sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh mà nhiều người trong số đó đã trở thành các nhà giáo, nhà khoa học nổi tiếng. Nhiều nhà hoạt động chính trị tiêu biểu, nhà lãnh đạo, quản lý tài năng của đất nước. Trong 70 năm qua, Trường đã đào tạo được hàng vạn cử nhân, hàng ngàn thạc sĩ và tiến sĩ. Trường đã đào tạo tiếng Việt và chuyên môn cho trên 5.000 lưu học sinh, trong đó có 7 người đã trở thành Đại sứ các nước tại Hà Nội.

GS. TS Nguyễn Văn Khánh, Hiệu trưởng Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, đánh giá, “Khi nền kinh tế càng phát triển thì nhu cầu khoa học nhân văn càng cao. Tôi nghĩ sắp tới công nghiệp hóa, hiện đại hóa đòi hỏi nguồn khoa học nhân văn cao hơn. Trường cần đổi mới phương thức tuyển sinh để thu hút sinh viên có năng lực cao. Trường sẽ chủ trương không mở rộng quy mô ở bậc đại học, chú trọng đào tạo chất lượng”.

Định hướng của trường là sẽ xây dựng thành đại học nghiên cứu đứng đầu Việt Nam, phấn đấu top từ 50-100 đại học hàng đầu Châu Á vào năm 2020.

PHAN THẢO

Tin cùng chuyên mục