Hạnh phúc từ những “trái ngọt”

Yêu nghề, tận tụy với công việc gieo trồng hạt mầm tri thức, bồi dưỡng tài năng trẻ và gặt hái những vụ mùa bội thu trái ngọt - học sinh giỏi, họ là những thầy, người cô thắp đuốc khai sáng, chắp cánh ước mơ cho nhiều thế hệ học trò ở bậc THCS.
Hạnh phúc từ những “trái ngọt”

Giải thưởng Võ Trường Toản năm 2015

Yêu nghề, tận tụy với công việc gieo trồng hạt mầm tri thức, bồi dưỡng tài năng trẻ và gặt hái những vụ mùa bội thu trái ngọt - học sinh giỏi, họ là những thầy, người cô thắp đuốc khai sáng, chắp cánh ước mơ cho nhiều thế hệ học trò ở bậc THCS.

Mở lối vào đời

Nhiều thế hệ học trò ở Trường THCS Lê Văn Tám (quận Bình Thạnh, TPHCM) đều thích thú với những tiết dạy Văn sinh động, thấm đẫm tính nhân văn của cô Trần Thị Tuyết Hạnh. Bởi lẽ, qua mỗi chủ đề, tác phẩm, nhân vật văn học, các em không chỉ mở mang kiến thức mà còn tích lũy hành trang làm giàu tâm hồn, nhân cách sống đẹp, biết yêu thương cuộc sống xung quanh. Vì thích học môn Văn và thẩm thấu từ môn học này, những giá trị cốt lõi để làm người, nhiều học sinh chuyên Toán cũng được truyền lửa đam mê. Không những thế, từ đam mê, nhiều học trò học giỏi của cô lại tiếp bước, dấn thân vào nghề giáo thanh cao nhưng dạt dào niềm vui gieo con chữ.

Là học sinh giỏi Văn, từng đoạt giải ba quốc gia, thầy Hoàng Minh Thông, hiện là giảng viên Khoa Quan hệ quốc tế Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM dành nhiều tình cảm lẫn ngôn từ đẹp nhất nói về cô giáo cũ Tuyết Hạnh: “Tôi nhớ mãi câu hỏi mà cô đặt ra ngay tiết học đầu tiên “học Văn để làm gì?”. Và câu trả lời giản đơn nhưng đầy thuyêt phục là “để làm người” đã dẫn dắt nhiều thế hệ học trò chúng tôi thành nhân trước khi thành đạt”. Luôn hướng học trò đến các giá trị sống chân thật, giản dị, cô không gò bó, ép buộc các em làm bài theo khuôn mẫu. Để khuyến khích tư duy sáng tạo, phát triển năng khiếu của người học, cô luôn tôn trọng tư duy mới, ý tưởng khác biệt “rất tôi” của mỗi học trò.

Cô Trần Thị Tuyết Hạnh, Trường THCS Lê Văn Tám, quận Bình Thạnh trong tiết dạy Văn

Bằng cách dạy sáng tạo, lồng ghép nhiều mẩu chuyện đời thường có tính giáo dục cao, cô Tuyết Hạnh đã gieo vào tâm hồn, trái tim học sinh niềm đam mê học văn, khám phá âm thanh, sắc màu của cuộc sống trong từng tác phẩm văn học, sẻ chia với từng nhân vật, số phận khác nhau. “Từ bệ phóng học văn, học trò của tôi đã lớn lên, nuôi dưỡng hoài bão, ước mơ, thành đạt ở nhiều vị trí xã hội và sống có ích cho gia đình, xã hội”, cô Tuyết Hạnh đã giãi bày về hạnh phúc ngọt ngào mà mình đón nhận trong 33 năm qua từ những đàn chim nhỏ, sải cánh bay xa sau khi rời mái trường thân yêu.

Tương tự, nhiều giáo viên khác cũng có thâm niên trong nghề, tỏa sáng thành tích trong giảng dạy, tham gia bồi dưỡng học sinh giỏi, tiên phong trong các phong trào thi đua của nhà trường. Với thầy Lâm Chí Đức, giáo viên dạy môn Hóa (Trường THCS Lạc Hồng, quận 10), qua 40 năm gắn bó với nghề luôn lắng đọng nhiều kỷ niệm vui buồn. Nhớ lại khoảnh khắc khó khăn nhất của ngành giáo dục sau ngày miền Nam giải phóng và là một trong những người tiên phong đến vùng đất nghèo khó ở Tân Trụ - Vàm Cỏ (Long An) gieo chữ, thầy Lâm Chí Đức tự hào chia sẻ: “Dù nếm trải cực khổ, gian nan nhưng nghề giáo đã cho tôi rất nhiều thứ và tôi cảm nhận được hạnh phúc, niềm vui không gì có thể so sánh từ sự chăm ngoan, học giỏi và trưởng thành của nhiều thế hệ học trò…”.

Là Tổ trưởng bộ môn Hóa của nhà trường, thầy không chỉ có nhiều sáng kiến đổi mới phương pháp giảng dạy, góp sức bồi dưỡng nhiều học sinh giỏi môn Hóa của trường, quận 10 mà còn nhận trách nhiệm giúp đỡ, dìu dắt học sinh chậm phát triển trí tuệ hòa nhập với môi trường giáo dục bình thường. Để những trò kém may mắn này lĩnh hội được kiến thức, hiểu bài giảng, thầy đã dành công sức, đầu tư cho tiết học hấp dẫn, có hình ảnh, âm thanh. Và kết quả có một học trò chậm phát triển đã vươn lên, thi đậu vào lớp 10 trường THPT là thành quả đáng ghi nhận trong nỗ lực, tâm huyết của thầy. Và cóp nhặt từng niềm vui, dõi theo từng bước chân tự tin vào đời, thành đạt của học trò, thầy đón sự tri ân, lời cảm ơn mộc mạc mà nghề giáo mang lại.

Khơi gợi đam mê

Với thầy Vũ Văn Quan (Trung tâm Bồi dưỡng giáo dục quận 9, TPHCM) thì ấn tượng bởi bảng thành tích dẫn dắt học sinh vào đam mê chơi thể thao, rèn luyện thể lực. Không chỉ truyền cảm hứng, khơi gợi ý thức rèn luyện thể lực, thầy còn dành nhiều tâm huyết phát triển phong trào thể dục thể thao (TDTT) của quận 9. Từ kinh nghiệm giảng dạy ở trường, khi được điều về phòng giáo dục quận, trực tiếp chỉ đạo phong trào TDTT, thầy đã nhìn thấy những yếu kém của hoạt động này và tìm cách phát triển, nhân rộng nhiều câu lạc bộ thể thao như bóng đá, võ thuật… Làm thế nào để học sinh ham thích các môn thể thao và xem nó quan trọng như các môn văn hóa khác? “Quan điểm của tôi là không ép buộc học trò mà hãy khơi gợi đam mê, làm cho các em thấy thích thú và tự nguyện đến với môi trường rèn luyện thể lực. Từ những học sinh nhút nhát, nhiều em không chỉ mê thể thao mà còn bộc lộ năng khiếu, sở trường riêng. Đó là thành công và chúng tôi luôn chăm chút, bồi dưỡng những tài năng này để các em tỏa sáng trong hội khỏe Phù Đổng hàng năm của TPHCM”, thầy Vũ Văn Quan đúc kết kinh nghiệm bồi dưỡng hàng trăm học sinh giỏi trong phong trào TDTT của quận như thế. 

Thầy Vũ Văn Quan, Trường Bồi dưỡng giáo dục quận 9, trong giờ dạy thể dục

Có thể nói chân dung của tất cả thầy cô đoạt giải thưởng Võ Trường Toản đều tỏa sáng về chuyên môn, đạo đức, tác phong chuẩn mực và đi đầu trong các phong trào thi đua, học tập theo tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Không chỉ có nhiều sáng kiến đổi mới phương pháp giảng dạy, nâng cao chất lượng đào tạo, họ còn truyền hứng thú, đam mê học tập cho học sinh từ những tiết dạy có hồn, gắn với thực tiễn sinh động. Điển hình như cô Phạm Thị Bích Châu, dạy môn Sinh ở Trường THCS Chu Văn An quận 11, không chỉ nổi bật với thành tích dạy giỏi, đoạt giải “Viên phấn vàng”, bồi dưỡng học sinh giỏi mà còn tham gia biên soạn giáo trình, đề tài nghiên cứu khoa học. Từ những bài giảng sinh động, gắn với thực hành của cô đã giúp học sinh tìm tòi nghiên cứu, khám phá thế giới xung quanh, tích lũy hành trang kỹ năng sống bổ ích.

Suốt 33 năm dấn thân vào nghề giáo, cô Huỳnh Thị Tuyết Vân, giáo viên Trường Bồi dưỡng giáo dục quận 6 luôn tỏa sáng thành tích bồi dưỡng học sinh giỏi môn Lý; truyền đạt, chia sẻ kinh nghiệm hay cho đồng nghiệp đổi mới phương pháp, nâng cao chất lượng giảng dạy. Sự cống hiến không mệt mỏi và tràn đầy nhiệt huyết, đam mê của cô không chỉ là tấm gương cho nhiều đồng nghiệp trẻ noi theo mà còn tiếp lửa, nâng bước những giấc mơ học giỏi, thành tài của nhiều thế hệ học trò.

Chẳng có ngôn từ nào diễn tả hết những đóng góp thầm lặng, sự cống hiến không mệt mỏi cho sự nghiệp “trồng người” của các thầy, cô vinh dự đoạt giải thưởng Võ Trường Toản năm 2015. Góp thêm hương sắc vào vườn hoa nở rộ hàng năm này, hình ảnh của họ xứng đáng được tôn vinh.

Học trò “tặng” cô trên 50 giải thưởng giỏi môn Địa lý cấp quận và thành phố

Với môn Địa lý, cô Bùi Thị Kim Thư (Trường THCS Phan Tây Hồ, quận Gò Vấp) đã truyền cảm hứng cho học sinh bằng những tiết giảng bài luôn đổi mới và hấp dẫn. Để học sinh giảm bớt kiến thức về lý thuyết, cô đã đầu tư cho những bài giảng điện tử được thiết kế công phu, thu thập nhiều tài liệu, hình ảnh phong phú. Nhờ những tiết học có hồn, dễ hiểu của cô, nhiều học trò đã mê môn Địa lý và thích thú tham gia đội tuyển học sinh giỏi cấp quận và thành phố.

Chỉ tính từ năm học 2012-2013 đến nay, học trò của cô đã mang về trên 50 giải thưởng giỏi môn Địa lý cấp quận và thành phố. Với nhiều kinh nghiệm, sáng kiến giảng dạy hay, cô đã giúp đồng nghiệp trong quận nâng cao chất lượng dạy môn Địa lý. Đặc biệt, với những tiết dạy tích hợp giáo dục về di sản và pháp luật trong dạy môn Địa lý, cô Kim Thư đã trang bị cho học trò nhiều kiến thức, kỹ năng sống bổ ích. Sống giản dị, chân thành và luôn sẻ chia với đồng nghiệp, thân thiện với học trò, cô Kim Thư luôn để lại hình ảnh dễ mến. 

KHÁNH BÌNH

Tin cùng chuyên mục