Hấp dẫn trò thi kéo lửa nấu cơm

Trong các lễ hội dân gian thì thi kéo lửa nấu cơm có lẽ được nhiều người thích nhất. Chúng tôi có dịp tham dự một cuộc thi kéo lửa nấu cơm của đồng bào dân tộc Mường ở Khu dân cư Đồng Xuân 3, xã Xuân Viên, huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ.
Các đội thi kéo lửa nấu cơm
Các đội thi kéo lửa nấu cơm

Có mặt tại cuộc thi mới cảm nhận hết sự náo nhiệt, sống động cũng như ý nghĩa của cuộc thi này.

Từ thời xa xưa khi chưa có các phương tiện tạo nên lửa thì ông cha ta đã biết dùng dây giang kéo vào ống tre, ống nứa gây ma sát để tạo ra lửa phục vụ cho sinh hoạt. Trò chuyện với chúng tôi, cụ Nguyễn Quốc Bảo, năm nay đã 84 tuổi (Khu dân cư Đồng Xuân 3) cho biết, thi kéo lửa nấu cơm là phong tục tập quán từ lâu đời của bà con dân tộc Mường. Tương truyền cứ vào những dịp lễ hội của làng như mừng cơm mới, vào mùa, hội xuân... thì bà con lại tổ chức thi. Đó không chỉ đơn thuần là một trò chơi, mà đó còn là một ý nghĩa nguồn cội của đồng bào.

“Truyền thống của ông cha từ xưa là cầu mời giữa xóm này với xóm kia với nhau. Người dân đánh chuông cầu mời nhau, cùng hút thuốc, uống nước, nấu cơm, vì vậy tình cảm nấu cơm để chia sẻ với nhau của người dân rất ấm áp. Thế hệ chúng tôi rất vui mừng vì truyền thống, tình cảm này vẫn còn được lưu truyền đến các thế hệ con cháu sau này”, ông Bảo nói. Ông cũng kể, trò thi kéo lửa nấu cơm được tổ chức khác nhau ở mỗi nơi, ví dụ xa hơn chút nữa đồng bào Dao cũng thi nhưng hình thức khác, nhưng dù có biến tấu thế nào thì ngày hội thi kéo lửa nấu cơm vẫn là một ngày vui của toàn thể bà con.

 Ngày nay, tại nhiều nơi ở Phú Thọ, cứ vào dịp 18-11 hàng năm, ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc là chính quyền, đoàn thể cùng cộng đồng dân cư lại tổ chức thi kéo lửa nấu cơm. Đó là một hoạt động trong ngày hội đại đoàn kết được bà con chờ đợi nhất, hào hứng tham gia cổ vũ nhất.

Ông Lương Văn Khoa vừa lấy hết sức đánh trống cổ vũ cho đội thi của Khu dân cư Đồng Xuân 4, vừa giải thích với chúng tôi: Khi thi kéo lửa nấu cơm, trong vòng 35 phút các đội chơi phải hoàn các công việc giã gạo, kéo lửa nhóm bếp, mổ gà, luộc gà, nấu cơm sôi, trình bày mâm xôi con gà rồi đặt lên bàn trang trí có ảnh Bác Hồ để Ban tổ chức chấm điểm. Khi mâm cơm gà đã được đặt lên bàn, ban tổ chức sẽ tính thời gian hoàn thành. Trong 35 phút của cuộc thi, người thi khẩn trương, nắn nót từng thao tác để bảo đảm hoàn thành nội dung thi một cách nhanh nhất, chuẩn xác nhất, còn đồng bào cổ vũ thì ra sức hò reo, cổ vũ.

Chị Trần Thị Tuyên, 38 tuổi (Khu dân cư Đồng Xuân 3), nhưng năm 2017 mới lần đầu tiên tham gia thi kéo lửa nấu cơm, nhưng theo chị chia sẻ thì “12 tuổi tôi đã biết dậy sớm giã gạo nấu cơm để phụ mẹ”. Với những người phụ nữ đã đi qua thời xuân xanh, bao năm lo cho chồng con thì việc có mặt trong đội thi thi kéo lửa nấu cơm thực sự là bảo chứng cho sự khéo léo, vẹn toàn của họ. Thật dễ hiểu khi mắt ai cũng rõ những ánh cười.

Không chỉ trong cộng đồng dân tộc Mường, mà trò thi kéo lửa nấu cơm cũng phản ánh đậm nét đời sống lao động của cư dân trồng lúa ở Việt Nam. Thi kéo lửa nấu cơm xuất hiện ở nhiều tỉnh, thành phía Bắc, trong các hội làng ở những vùng có đông cư dân trồng lúa như Nam Định, Bắc Giang, Nghệ An, Quảng Bình..., nhưng nhiều nhất là ở cộng đồng bà con dân tộc Mường. Tùy theo tập quán của từng địa phương, mà trò thi kéo lửa nấu cơm được tiến hành ở mỗi nơi một khác. Nhưng trò này có chung một ý nghĩa, đó không chỉ là một trò chơi giải trí trong dịp lễ hội, mà điều đó còn chứa đựng giá trị của truyền thống, của văn hóa, của nguồn cội. Trò chơi nếu diễn ra vào mùa xuân thì sản phẩm đoạt giải của cuộc nấu cơm thi còn được coi là vật phẩm quý giá để cúng thần linh. Nấu cơm thi thể hiện lòng quý trọng lúa gạo, trau dồi thao tác, là lời cầu chúc cho dân làng năm mới người người no ấm, nhà nhà bình an.

Trò chơi dân gian truyền thống kéo lửa nấu cơm mang rõ tính đặc trưng của cư dân nền văn minh lúa nước, thể hiện tinh thần quý trọng “hạt gạo - hạt ngọc” trọng nghề nông, trọng người nông; có tác dụng dạy bảo, khuyên con người khéo léo, cần cù, siêng năng, sự sáng tạo và tinh thần kiên trì, tình làng nghĩa xóm gắn kết keo sơn. Đó cũng là nét văn hóa đặc sắc trong ẩm thực của người Việt Nam.

Tin cùng chuyên mục