Hệ sinh thái khởi nghiệp TPHCM: Đẩy mạnh liên kết các nguồn lực

Vẫn còn những khó khăn mà cộng đồng khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo TPHCM đang hàng ngày, hàng giờ phải đối mặt. Đó là việc điều chỉnh cơ chế, chính sách hỗ trợ chưa theo kịp sự chuyển biến quá nhanh của cộng đồng khởi nghiệp. 
Tinh thần hợp tác là yếu tố quyết định sự phát triển của mỗi doanh nghiệp (DN) cũng như Hệ sinh thái khởi nghiệp TPHCM. Điều này lại càng cần cấp thiết tăng cường trong hoàn cảnh phần lớn DN của TP vẫn là các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), thậm chí siêu nhỏ; là nhiệm vụ phải quyết liệt thực hiện trong thời gian tới để hình thành lực lượng khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo hiệu quả và bền vững.
Hệ sinh thái khởi nghiệp TPHCM: Đẩy mạnh liên kết các nguồn lực ảnh 1 Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM, tham quan không gian hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thành phố. Ảnh: TẤN BA
Tăng kết nối 
Không gian đổi mới sáng tạo TPHCM (Saigon Innovation Hub - SIHUB) được xác định là điểm nhấn trong Hệ sinh thái khởi nghiệp TP. Ông Huỳnh Kim Tước, Giám đốc SIHUB, đã đưa ra các số liệu thống kê cho thấy SIHUB đang có hấp lực lớn không chỉ đối với tổ chức, cá nhân khởi nghiệp (startup) trong nước, mà cả với startup nước ngoài. Theo ông Tước, sau một năm ra đời, SIHUB đã tổ chức trên 800 sự kiện kết nối các thành phần trong hệ sinh thái với hơn 17.000 lượt người tham gia; tổ chức kết nối 2.000 startup với các nhà cố vấn, đầu tư; hợp tác với hơn 50 tổ chức quốc tế để liên kết ươm tạo, triển khai các chương trình hỗ trợ cộng đồng khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo trên địa bàn TP. Bên cạnh đó, SIHUB đã đưa Chương trình đào tạo STEM (tích hợp thực hành các môn khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học) vào gần 500 trường học, với khoảng 3.000 học sinh và hơn 1.000 giáo viên tham gia… 
Những số liệu đó hoàn toàn “biết nói” và được minh chứng ngay tại sự kiện “Gặp gỡ cộng đồng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo - Một năm nhìn lại” vừa diễn ra, khi hàng ngàn startup và dự án công nghệ từ nhiều tỉnh, thành đã tề tựu về SIHUB để quảng bá và tìm cơ hội đầu tư. Trước đó, đã có 14 startup gọi vốn thành công với hơn 11 tỷ đồng, thông qua Chương trình Speed Up 2017. 
Tuy nhiên, vẫn còn những khó khăn mà cộng đồng khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo TPHCM đang hàng ngày, hàng giờ phải đối mặt. Đó là việc điều chỉnh cơ chế, chính sách hỗ trợ chưa theo kịp sự chuyển biến quá nhanh của cộng đồng khởi nghiệp. “Điều này dẫn đến việc các startup giỏi chuyển hướng sang các nước có chính sách thông thoáng hơn để thành lập DN. Nên chăng có thí điểm về quỹ đầu tư tư nhân hoạt động tại TP và quan trọng hơn là điều hành cộng đồng startup bằng tinh thần khởi nghiệp”, bà Trương Lý Hoàng Phi, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, kiến nghị. Trong khi đó, một số quỹ đầu tư phản ánh có sẵn tiền để bỏ vào các startup Việt nhưng đến nay vẫn chưa sử dụng được, do vướng thủ tục đầu tư. “Trong khi startup tại Singapore chỉ mất 1 tuần để hoàn tất thủ tục gọi vốn và giải ngân, thì tại Việt Nam mất 8 - 12 tháng”, bà Đặng Mỹ Châu, Tổng giám đốc Topica, cho biết.
Một vấn đề đáng quan tâm khác, theo ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Sở KH-CN TPHCM, là việc kết nối giữa các startup và DN hiện hữu còn lỏng lẻo, số lượng DN thành đạt “chìa tay” để hỗ trợ DN khởi nghiệp không nhiều. Ông Dũng cũng chỉ ra thực trạng các DNNVV hiện vẫn hạn chế chủ động hợp tác cùng phát triển. Thời gian tới, Sở KH-CN phải đẩy mạnh kết nối các nguồn lực để hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo hiệu quả, bền vững. 
Sàng lọc để hỗ trợ 
Các chuyên gia khi nói về Hệ sinh thái khởi nghiệp TPHCM đều có chung nhìn nhận: Hiện hoạt động hỗ trợ startup của TP đều thông qua các cơ sở ươm tạo, nhưng hầu hết vườn ươm khối nhà nước chưa phát triển tương xứng với đòi hỏi của cộng đồng khởi nghiệp. Lý do là vốn đầu tư ban đầu cũng như hàng năm đều eo hẹp; nguồn nhân lực quản trị vườn ươm chủ yếu là các nhà chuyên môn có tư duy thị trường hạn chế; chính sách “chật chội” với hoạt động đầu tư mạo hiểm, thủ tục xin giấy phép lao động cho chuyên gia nước ngoài rối rắm, thiếu thốn quy định về đăng ký đầu tư khi nhà đầu tư ngoại muốn rót vốn cho startup dưới hình thức mua cổ phần… Giải pháp đặt ra là “chiếc áo cơ chế” phải rộng rãi hơn, như thiết lập các vườn ươm công - tư (PPP) hoặc cho phép vườn ươm công lập hoạt động theo mô hình của một DN. 
Nhấn mạnh vai trò của các trường đại học trong xây dựng một hệ sinh thái khởi nghiệp bền vững, PGS-TS Huỳnh Thành Đạt, Giám đốc Đại học Quốc gia TPHCM, cho rằng trường đại học phải có trọng trách phát hiện, bồi dưỡng các nhân tài (doanh nhân, nhà quản lý, lực lượng chuyên môn); là nơi nghiên cứu, cung cấp các giải pháp công nghệ, từ đó hình thành ý tưởng, nuôi dưỡng ý tưởng, biến nó thành những DN thực thụ; đó cũng phải là địa điểm cung cấp điều kiện cơ sở vật chất đầy đủ, hiện đại để hỗ trợ và tiếp nhận các ý tưởng, dự án khởi nghiệp. 
Ông Nguyễn Việt Dũng nêu quan điểm, hoạt động đổi mới sáng tạo phải xuất phát từ kết quả nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và thương mại hóa sản phẩm KH-CN. Bởi thực tế cho thấy, nhờ đẩy mạnh các chương trình thương mại hóa sản phẩm KH-CN và phát triển thị trường KH-CN, đến nay, 78% đề tài, dự án nghiên cứu khoa học sau khi nghiệm thu đã được ứng dụng trực tiếp và gián tiếp vào đời sống; hàng chục sản phẩm nghiên cứu khoa học cũng đã được thương mại hóa, cung cấp - kết nối cho nhà đầu tư và cộng đồng khởi nghiệp để hình thành những DN khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Vì thế, cần tiếp tục định hướng, tập trung phát triển, sàng lọc để hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo phải thật sự đạt chất lượng. Hoạt động hỗ trợ đổi mới sáng tạo phải hướng vào cả các DN đang hoạt động có tiềm lực nghiên cứu và nắm giữ công nghệ, bởi đây là một thành phần không thể thiếu của Hệ sinh thái khởi nghiệp TP.
Phát biểu khi gặp gỡ cộng đồng khởi nghiệp TP, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM, nêu ra 3 xu hướng lập nghiệp của giới trẻ hiện nay.
Thứ nhất, có những người khởi nghiệp mà không sáng tạo. Chính xác hơn, đó là những bạn trẻ lập nghiệp dựa trên những cách làm truyền thống, cha mẹ làm sao thì mình làm vậy, không đầu tư thêm chất xám để nâng cao hiệu quả kinh doanh.
Thứ hai, có những người sáng tạo mà không khởi nghiệp. Họ có thể sẽ thành nhà nghiên cứu rất giỏi nhưng lại không bán được sản phẩm trí tuệ của mình.
Thứ ba, khởi nghiệp dựa trên đổi mới sáng tạo là một hướng đi quan trọng, bởi họ vừa biết phát huy chất xám, vừa năng động tìm kiếm được thị trường để bán được chất xám của mình. 
Từ đó, người đứng đầu TPHCM kỳ vọng, các trường đại học phải phát hiện được nguồn nhân tài này, trên cơ sở đó hướng dẫn, hỗ trợ để họ có thể khởi nghiệp thành công và bền vững. 

Tin cùng chuyên mục