Hoang mang vì điểm chuẩn

Ngay sau khi Sở Giáo dục-Đào tạo (GD-ĐT) TPHCM công bố điểm thi tuyển sinh lớp 10 năm học 2018-2019, nhiều cán bộ quản lý, giáo viên các trường THPT đã đưa ra các dự đoán điểm chuẩn.
Thống kê đầy đủ nhất và được phụ huynh đặc biệt quan tâm có lẽ là bảng so sánh điểm thi (chưa cộng điểm ưu tiên) giữa 2 kỳ tuyển sinh năm học 2017-2018 và 2018-2019 của nhà giáo Trần Mậu Minh, nguyên Hiệu trưởng Trường THCS Trần Văn Ơn (quận 1, TPHCM). 
Thống kê cho biết, năm nay số bài thi đạt điểm dưới trung bình của 2 môn Toán và Tiếng Anh chiếm tỷ lệ lớn nhưng phổ điểm môn Ngữ văn lại cao hơn năm ngoái.
Số lượng thí sinh (TS) có tổng điểm thi 3 môn từ 39 điểm trở lên (trong đó Ngữ văn và Toán lấy điểm hệ số 2) là 5.938 TS, tăng 848 TS so với năm học 2017-2018.
Tổng chỉ tiêu tuyển sinh vào các lớp 10 chuyên và lớp 10 thường trong trường chuyên là hơn 2.100 chỉ tiêu nên dự đoán điểm chuẩn năm nay của các trường tốp trên không có nhiều biến động.
Bên cạnh đó, do tổng số TS dự thi năm nay tăng hơn 20.000 TS so với mùa tuyển sinh năm trước nên nhiều khả năng điểm chuẩn ở các trường tốp giữa sẽ tăng nhẹ từ 0,75-1,25 điểm, có trường sẽ tăng trên 1,5 điểm. 
Hoang mang vì điểm chuẩn ảnh 1 Thí sinh tại điểm thi Trường THCS Chánh Hưng (quận 8) trao đổi sau bài thi môn Toán, sáng 3-6-2018. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Dự đoán này khiến nhiều TS và phụ huynh lo lắng vì việc giành suất học lớp 10 công lập năm nay được dự báo căng thẳng hơn năm ngoái, đặc biệt những TS có học lực trung bình và khá càng như “ngồi trên lửa”.   
Từ năm 2006, Bộ GD-ĐT đã bỏ kỳ thi tốt nghiệp THCS. Theo hướng dẫn của bộ, các địa phương có thể chọn 1 trong 3 hình thức xét tuyển, thi tuyển hoặc kết hợp xét tuyển với thi tuyển để tuyển sinh lớp 10.
Trong đó, kỳ thi tuyển sinh lớp 10 được xác định chỉ mang ý nghĩa tuyển chọn, không nhằm đánh giá năng lực toàn diện của học sinh.
Công văn của bộ cũng nêu rõ, việc tổ chức thi tuyển (nếu có) phải thực hiện nhẹ nhàng, không căng thẳng, tốn kém. Tuy nhiên, thực tế nhiều năm qua cho thấy, đây là kỳ thi mang tính chất cạnh tranh khá khốc liệt.
Để chạy đua giành suất học vào các trường THPT công lập, trong điều kiện các trường nghề chưa đủ sức thu hút học sinh, nhiều học sinh phải chạy “sô” học thêm, học “ca 3” từ đầu năm lớp 9 ở hàng loạt trung tâm luyện thi.
Thời khóa biểu tổ chức ôn tập cho học sinh lớp 9 tại các trường THCS cũng chỉ kết thúc trước ngày thi chính thức vài ngày, gần như vắt kiệt sức lực và thời gian tự học, tự ôn tập tại nhà của TS.
Mục tiêu đổi mới học tập và thi cử, trong đó đề thi được ra theo hướng giảm dần kiến thức hàn lâm, tăng yêu cầu liên hệ giải quyết các vấn đề đặt ra trong thực tế, tích hợp kiến thức các môn học khác chẳng những không giúp kỳ thi giảm bớt áp lực mà còn đẩy phụ huynh, học sinh vào cuộc chiến mới là luyện giải đề và tìm giáo viên dạy thêm có uy tín. 
Qua đó cho thấy, trong khi ngành giáo dục đang hô hào đổi mới, giảm áp lực thi cử cho học sinh thì ở các kỳ tuyển sinh đầu cấp, sức nóng xem ra vẫn chưa có dấu hiệu “hạ nhiệt”.
Phụ huynh và học sinh vẫn bị cuốn vào “cuộc đua nguyện vọng” mà không có nhiều lựa chọn về chỗ học. Các bảng thống kê tuyển sinh năm nào cũng xoay quanh các con số nghẹt thở về chỉ tiêu, tỷ lệ chọi khiến bài toán áp lực học hành, thi cử vẫn là chuyện “biết rồi, khổ lắm, nói mãi". 

Tin cùng chuyên mục