Kế hoạch CM12 và những người ẩn mặt

Kế hoạch CM12 đã chấm dứt 26 năm nhưng nhiều người vẫn chờ đợi chuyện kể hấp dẫn của trinh sát nội tuyến, những người sống giữa cái chết cận kề suốt 7 năm liền trong chuyên án phản gián nổi tiếng này. Ngày 6-9-2010, tại khu di tích lịch sử quốc gia Hòn Đá Bạc, 2 trong số hàng chục người dân thông minh, dũng cảm đã tham gia nhiều vị trí quan trọng trong đường dây của địch xuất hiện công khai trước công luận là anh Phạm Thanh Danh, bí số K64 và anh Trần Ngọc Điền, bí số K55.
Kế hoạch CM12 và những người ẩn mặt

Kế hoạch CM12 đã chấm dứt 26 năm nhưng nhiều người vẫn chờ đợi chuyện kể hấp dẫn của trinh sát nội tuyến, những người sống giữa cái chết cận kề suốt 7 năm liền trong chuyên án phản gián nổi tiếng này. Ngày 6-9-2010, tại khu di tích lịch sử quốc gia Hòn Đá Bạc, 2 trong số hàng chục người dân thông minh, dũng cảm đã tham gia nhiều vị trí quan trọng trong đường dây của địch xuất hiện công khai trước công luận là anh Phạm Thanh Danh, bí số K64 và anh Trần Ngọc Điền, bí số K55.

Kế hoạch CM12 và những người ẩn mặt ảnh 1

K55 Trần Ngọc Điền (thứ 2 từ phải sang) và K64 Phạm Thanh Danh (thứ 4 từ trái sang) tại di tích Hòn Đá Bạc

Khai hỏa

Ngày 11-1-1981, Công an tỉnh Tà Keo (Campuchia) báo cho các đồng nghiệp Việt Nam biết có một lính Khmer đỏ tên Săm Sua ra đầu thú khai báo rằng y có tham gia dẫn một toán người Việt Nam từ nước ngoài đi qua Campuchia để xâm nhập về hoạt động chống Việt Nam.

Trước đó, ngày 8 -1-1981, bộ đội biên phòng ở Bình Sơn (Kiên Giang) bắn chết 1 tên gián điệp xâm nhập vào Việt Nam, thu được 12 súng AK báng gấp, 7 quả lựu đạn, 2 tay quay máy phát điện dùng cho điện đài và một số quân trang, quân dụng và số phù hiệu áo đề là “Mặt trận thống nhất các lực lượng yêu nước giải phóng Việt Nam”... Sau đó Công an Kiên Giang bắt được Trần Minh Hiếu, một trong số 23 tên biệt kích của tổ chức “Mặt trận thống nhất các lực lượng yêu nước giải phóng Việt Nam” và tên này đã khai quá trình xâm nhập của toán gián điệp và nơi ẩn náu của toán trưởng Lê Hồng Dự.

Công an Kiên Giang và Công an Hậu Giang bắt giữ Lê Hồng Dự tại TP Cần Thơ. Qua xét hỏi, Lê Hồng Dự khai báo quá trình xâm nhập của y và về tổ chức phản cách mạng của Lê Quốc Túy - Mai Văn Hạnh. Những lời khai này khớp với lời khai của Trần Minh Hiếu.

Sau khi tung toán “Minh Vương 1” xâm nhập không thành, Lê Quốc Túy quyết định tung toán “Minh Vương 2” xâm nhập bằng đường biển, tiếp tục thực hiện ý đồ tung quân vào rừng U Minh, xây dựng “căn cứ”, từng bước tiến về hoạt động ở TPHCM. Để thực hiện ý đồ lật đổ chính quyền, Lê Quốc Túy đưa vào Việt Nam 10 tấn vũ khí và chiến cụ cùng với một toán quân nhằm thành lập “mật khu kháng chiến” theo kế hoạch có tên “Chiến dịch Hồng Công 1”. 

Tháng 1-1981, ở mật cứ Tự Thắng của bọn phản động tại Thái Lan, lúc này đang diễn ra những vụ thanh trừng lẫn nhau do nghi ngờ có nội gián. K64, một người ở Cà Mau đang dự lớp huấn luyện tại đây được Túy và Hạnh điều về trung tâm chỉ huy. Để tránh bị nghi là cộng sản, K64 chủ động gợi ý với Túy và Hạnh nên tổ chức xâm nhập vùng Cà Mau và giới thiệu thêm 2 người cùng quê là K59 và K61. Nhiệm vụ của toán “Minh Vương 2” sau khi xâm nhập Việt Nam là tổ chức tiếp nhận người và vũ khí từ nước ngoài vào VN. Toán này còn có nhiệm vụ tổ chức phá hoại, ám sát cán bộ ở các cơ quan của Đảng, chính quyền, công an, bộ đội, nhất là Tổng Lãnh sự quán Liên Xô tại TPHCM…

Toán “Minh Vương 2” do Nguyễn Văn Thanh, bí số K44 làm toán trưởng. Thanh có nhiệm vụ liên lạc với những “giới chức” của tổ chức ở trong nước, bắt liên lạc với các cơ sở của Túy ở Sài Gòn, một đường dây chuyển ngân đen ở đường Hoàng Phố, quận 8, TPHCM. Ngày 12-5-1981, chiếc tàu đầu tiên chở 16 tên gián điệp biệt kích khởi hành từ Thái Lan xâm nhập vào Việt Nam.

Con tàu mang số hiệu tàu cá của tỉnh Phú Khánh (cũ) xâm nhập vùng biển Cà Mau. Trên đường đi, K44 đã thủ tiêu 2 tên theo lệnh cấp trên và hất xác họ xuống biển vì nghi họ là cộng sản. 21 giờ ngày 15-5-1981, tàu cập bờ biển khu vực Bãi Ghe gần vàm Sông Đốc (huyện Trần Văn Thời, Cà Mau).

Nhóm biệt kích tính lội qua đầm lầy vào U Minh nhưng trời đã gần sáng. Thấy không ổn, K44 ra lệnh phân tán theo từng nhóm mạnh ai nấy nấp để tránh bị theo dõi. Đặt chân trở lại mảnh đất quê nhà, K64 nhìn những bờ cỏ, con đê quen thân mà “nghe lòng dạ bồi hồi nôn nao khó tả”. Nỗi nhớ nhà, nhớ quê và nỗi lo khi thấy đồng bọn thủ tiêu nhau một cách lạnh lùng, khiến K64 quyết định ra đầu thú tại Công an huyện Trần Văn Thời và khai rõ mục đích ý đồ của “Mặt trận thống nhất các lực lượng yêu nước giải phóng Việt Nam”.

Chuyến tàu cuối cùng

Ý nguyện quay về đoái công chuộc tội của K64 được anh Mười Lắm và anh Năm Trực (Công an huyện Trần Văn Thời) chấp nhận bởi linh tính các anh mách bảo – đây là nguồn tin đáng tin cậy. Ngày 16-5-1981, theo hướng dẫn của K64, toán biệt kích “Minh Vương 2” sa lưới, toán trưởng Nguyễn Văn Thanh bị bắn chết tại chỗ, 3,5 tấn vũ khí được đưa về “hậu cứ bí mật”.

K64 được giao nhiệm vụ lên tàu quay về mật cứ. Trong khi bọn Túy - Hạnh tin rằng vũ khí của chúng đã được tập kết đúng nơi. Sau đó, đại úy Trần Phương Thế, bí danh Tám Thậm, Trưởng phòng Chống gián điệp của Công an tỉnh Minh Hải (cũ) được K64 giới thiệu tham gia “tổ chức” và có bí số NKA1.Với kinh nghiệm và bản lĩnh của sĩ quan phản gián được đào tạo bài bản, NKA1 nhanh chóng được bọn Hạnh, Túy tin dùng. Cùng với K64, NKA1 đã nhiều lần đón Hạnh, Túy và Bá về ăn uống, tham quan ở căn cứ giả rồi lại được “thả đi” ra biển an toàn.

Kế hoạch CM12 và những người ẩn mặt ảnh 2

Đồng chí Trần Phương Thế (tự Tám Thậm), bí số NKA1 (bìa trái) cùng Mai Văn Hạnh (bìa phải) và đồng bọn tại căn cứ giả ở Cà Mau

K64 được “tổ chức” tin cậy giao tổ chức hàng chục chuyến tàu chở theo người, tiền giả, điện đài và vũ khí từ Thái Lan về VN. Và, chuyến nào K64 cũng chuyển “hàng” về căn cứ của… lực lượng Công an Việt Nam một cách trót lọt!

Nếu K64 (tên thật Phạm Thanh Danh) người Sông Đốc, Cà Mau được tổ chức tin giao cho nhiệm vụ vận chuyển người và vũ khí, tiền giả về nước thì K55 (tên thật Trần Ngọc Điền), người Đồng Tháp được Túy – Hạnh phong hàm thiếu úy, trưởng nhóm xâm nhập vào VN với nhiệm vụ tổ chức và xây dựng lực lượng chuyên phá hoại bằng chất nổ theo kế hoạch “Hồng Công 2” .

Ngày 9-9-1981, chiếc thuyền chở nhóm phá hoại và vũ khí cặp bờ Cà Mau cũng bị bắt gọn, trong đó có K55. Tại trại giam Cây Gừa (Cà Mau), K55 quá lo sợ nên tự tử. Được cứu chữa tận tình và được chú Hai Tân (Đại tá Nguyễn Phước Tân, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh) và chú Ba Gừng (Trưởng phòng Chấp pháp tỉnh Minh Hải) chăm sóc chu đáo và chỉ hiểu lẽ phải, K55 quyết định lập công chuộc tội. K55 được bố trí trốn trại về lại mật cứ.

 Với “thành tích” từng tự sát để “bảo toàn bí mật của tổ chức” nên K55 sau đó được phong hàm trung tá, chức vụ Tư lệnh miền Đông của tổ chức này. Với sự hợp đồng tác chiến tốt và bí mật được giữ kín tuyệt đối suốt 7 năm liền, bọn Túy - Hạnh không thể ngờ chúng có thể bị chính “đồng đội” như NKA1, K64 và K55 đưa vào lưới. Ngày 9-9-1984, hai con tàu cuối cùng của bọn phản động đổ bộ vào Việt Nam đã bị bắt giữ cùng Mai Văn Hạnh và Trần Văn Bá. Lê Quốc Túy do bị bệnh nặng đã không đi chuyến này. Kế hoạch CM12 kết thúc.

Với những thông tin của “Tư lệnh miền Đông” K55, Trần Ngọc Điền, lực lượng phản gián của Công an VN biết thêm những kế hoạch khác và đã thành lập tổ K4/2 với các sĩ quan an ninh dạn dày kinh nghiệm như anh Nguyễn Khánh Toàn (Ba Toàn), Trần Tôn Thất (Bảy Thất),… tiếp tục điều tra. Chuyên án ĐN 10 được thành lập và giăng lưới bắt bọn phản động đang chuyển hướng về miền Đông hoạt động.

Chiến dịch phản gián của lực lượng Công an Nhân dân Việt Nam có tên là kế hoạch CM12 . Kế hoạch kéo dài từ tháng 9-1981 đến 9-9-1984 chống lại tổ chức “Mặt trận thống nhất các lực lượng yêu nước giải phóng Việt Nam” do Lê Quốc Túy và Mai Văn Hạnh cầm đầu. Ban chỉ đạo kế hoạch CM12 đã chọn Hòn Đá Bạc thuộc huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau làm “bến đón” các chuyến tàu của bọn biệt kích xâm nhập Việt Nam. Tổ chức phản động này đã thành lập mật cứ, tổ chức huấn luyện và chuyển gián điệp, biệt kích, vũ khí và tiền giả vào Việt Nam với mục đích phá hoại an ninh quốc gia và lật đổ chính quyền Việt Nam. Kế hoạch CM12 (CM viết tắt của chữ Cà Mau, còn 12 là ngày xuất phát đầu tiên của toán gián điệp biệt kích từ Thái Lan xâm nhập vào Việt Nam: 12-5-1981). Trong hơn 3 năm từ 1981 đến 1984, địch đã xâm nhập Hòn Đá Bạc 18 chuyến, ta bắt được 189 tên trong đó có 2/3 tên đầu sỏ là Trần Văn Bá và Mai Văn Hạnh, thu 143 tấn vũ khí, 90 tấn đạn, 1.200kg chất nổ, 14 tấn tiền Việt Nam giả, nhiều điện đài và phương tiện hoạt động khác. Qua kế hoạch CM12, Công an Việt Nam còn bóc gỡ 10 tổ chức phản cách mạng và bắt hàng ngàn tên phản động khác hoạt động trong nội địa.

 PHẠM THỤC

Tin cùng chuyên mục