Kết quả ngăn ngừa tham nhũng, lãng phí còn thấp

Theo nhận định của Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí thời gian qua tuy đạt được kết quả nhất định, song thực tế còn nhiều phức tạp. 

Tình trạng tham nhũng, tiêu cực, nhũng nhiễu, hành dân của một bộ phận cán bộ, công chức trong bộ máy hành chính không chỉ gây nên bức xúc của người dân mà còn cản trở sự phát triển của TPHCM. Xung quanh vấn đề này, đồng chí Trần Thế Lưu, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Nội chính Thành ủy TPHCM đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo SGGP. 

PHÓNG VIÊN: Thưa đồng chí, các quy định về công khai, minh bạch trong các hoạt động tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị đã được thực hiện như thế nào?

Đồng chí TRẦN THẾ LƯU: Từ năm 2018 đến nay đã có 295 cơ quan, tổ chức, đơn vị được kiểm tra việc thực hiện các quy định về công khai, minh bạch trong hoạt động. Qua kiểm tra, vẫn còn một số cơ quan, đơn vị, tổ chức chưa thực hiện hoặc thực hiện nhưng chưa đầy đủ các quy định về công khai, minh bạch trong một số lĩnh vực như: Công khai việc kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức còn hình thức; việc công khai, niêm yết một số thủ tục hành chính để giải quyết cho người dân chưa kịp thời, hoặc có công khai nhưng một bộ phận người dân chưa tiếp cận được nhiều nội dung trong các lĩnh vực như đất đai, xây dựng, y tế, giá đất bồi thường, giải phóng mặt bằng.

Đồng chí Trần Thế Lưu 

Về giải pháp đấu tranh với hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực, thái độ ứng xử, đạo đức nghề nghiệp của cán bộ, công chức, viên chức, kết quả đạt được ra sao thưa đồng chí?

 Năm 2018, có 380 tổ chức, đơn vị được kiểm tra thực hiện quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức thực thi công vụ. Qua kiểm tra chưa phát hiện trường hợp nào vi phạm quy tắc ứng xử đạo đức, nghề nghiệp tại cơ quan, đơn vị, tổ chức.

 Công khai các thủ tục hành chính tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hồ sơ của UBND quận 1

 Quy định về xử lý trách nhiệm người đứng đầu trong cơ quan, tổ chức, đơn vị khi để xảy ra tham nhũng, theo đánh giá có phải cũng chưa đạt yêu cầu?

 Thời gian qua chưa có trường hợp nào bị xử lý trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị khi để xảy ra hành vi tham nhũng. Tuy nhiên, đã có nhiều trường hợp người đứng đầu bị xử lý kỷ luật do có sai phạm khác, hoặc để xảy ra sai phạm tại cơ quan, đơn vị, tổ chức do mình quản lý. Điển hình như: Chủ tịch UBND quận 12, Chủ tịch HĐTV Công ty Dịch vụ công ích quận 8, Giám đốc Công ty Dịch vụ công ích quận 8, Bí thư kiêm Chủ tịch HĐTV Công ty Đầu tư tài chính nhà nước TPHCM, Phó Bí thư Đảng ủy, Tổng giám đốc Công ty Đầu tư tài chính nhà nước TPHCM, Tổng giám đốc Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn, Tổng giám đốc Công ty TNHH Đầu tư và Xây dựng Tân Thuận. Ngoài ra, Công an TPHCM đã xử lý trách nhiệm 11 cán bộ với các hình thức giáng chức 1, khiển trách 3, cắt thi đua 5 trường hợp.

Thưa đồng chí, kết quả phát hiện, xử lý tham nhũng thời gian qua còn thấp, có phải nguyên nhân một phần do công tác tự kiểm tra nội bộ tại các cơ quan, đơn vị, tổ chức chưa tốt?

Đúng là công tác này thực hiện còn rất yếu. Hoạt động giám sát, tự kiểm tra nội bộ thời gian qua chưa phát hiện, xử lý được vụ việc tham nhũng nào. Chỉ duy nhất một trường hợp ở Trường Mầm non Hoa Quỳnh (quận Gò Vấp), bị phát hiện lập chứng từ khống thanh toán và chiếm đoạt số tiền hơn 1 tỷ đồng. Số tiền trên đã thu hồi nộp ngân sách. 

Về phát hiện, xử lý tham nhũng qua giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo, thời gian qua Công an TPHCM đã xử lý kỷ luật 27 cán bộ, chiến sĩ sai phạm có dấu hiệu liên quan đến tiêu cực, tham nhũng với các hình thức: khiển trách 10, cảnh cáo 4, giáng cấp 10, tước danh hiệu Công an nhân dân 3.

Những hạn chế trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng được nhận định là gì, thưa đồng chí?

Năm 2018, Thanh tra TPHCM đã thực hiện 242 cuộc thanh tra tại 396 đơn vị, kết quả đã phát hiện 136/396 đơn vị có sai phạm; phát hiện sai phạm về kinh tế là 1.060 tỷ đồng, 5 căn nhà, 117,5m2 đất; kiến nghị thu hồi hơn 878 tỷ đồng, 5 căn nhà, 7m2 đất; kiến nghị xử lý khác 181 tỷ đồng, 110,5m2 đất; kiến nghị xử lý hành chính 137 tập thể và 228 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra 8 vụ.
Nguồn: Ban Nội chính Thành ủy TPHCM
Thời gian qua, Ban Thường vụ Thành ủy luôn chỉ đạo các cấp ủy đảng, chính quyền thực hiện nghiêm chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật nhà nước về công tác phòng, chống tham nhũng và các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, nhưng nhìn chung, kết quả đạt được còn thấp. Đặc biệt là công tác phát hiện, làm rõ hành vi, dấu hiệu tham nhũng còn hạn chế, số vụ việc, vụ án tham nhũng được phát hiện còn ít, việc xử lý còn kéo dài, thu hồi tài sản đạt thấp, công tác kiểm tra, giám sát nội bộ chưa thực hiện thường xuyên, khả năng tự phát hiện tham nhũng trong đơn vị chưa cao, công tác phối hợp giữa các cơ quan có chức năng phòng, chống tham nhũng có lúc chưa thường xuyên; công tác kê khai, minh bạch tài sản, thu nhập chưa phát huy hiệu quả trong ngăn ngừa, phát hiện tham nhũng, chưa có cơ chế giám sát, xử lý hiệu quả đối với việc kê khai không trung thực; một số nơi, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị chưa chủ động trong thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng; việc sơ kết, rút kinh nghiệm trong công tác phòng, chống tham nhũng chưa kịp thời, chưa góp phần tổng kết thực tiễn. 

Xin đồng chí cho biết, nhiệm vụ trọng tâm của công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí năm 2019 được xác định là gì?

Trọng tâm công tác đấu tranh phòng ngừa tham nhũng, lãng phí được xác định là công tác giám sát, minh bạch và thường xuyên kiểm tra trong từng nội bộ cơ quan, đơn vị, tổ chức. Ngoài ra, sẽ triển khai các đoàn thanh tra công tác phòng chống tham nhũng đối với các tổ chức đảng, qua đó đẩy mạnh các giải pháp đấu tranh, phòng ngừa với các hành vi tham nhũng, lãng phí đang rất phức tạp hiện nay.
 Xin cảm ơn đồng chí!

Tin cùng chuyên mục