Để khoa học - công nghệ trở thành động lực phát triển: Cởi trói cơ chế, thúc đẩy sáng tạo

Trong những năm qua, khoa học và công nghệ (KH-CN) nước ta  đã có  nhiều khởi sắc nhưng vẫn chưa đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Yêu cầu đổi mới về cơ chế quản lý, hoạt động KH-CN hiện nay trở thành đòi hỏi bức thiết để không bị tụt hậu. Muốn làm được điều đó, theo Thứ trưởng Bộ KH-CN Trần Văn Tùng, điều đầu tiên là nhận thức đúng mức về vị trí, vai trò của KH-CN cũng như quyết liệt trong hành động.

Trong những năm qua, khoa học và công nghệ (KH-CN) nước ta  đã có  nhiều khởi sắc nhưng vẫn chưa đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Yêu cầu đổi mới về cơ chế quản lý, hoạt động KH-CN hiện nay trở thành đòi hỏi bức thiết để không bị tụt hậu. Muốn làm được điều đó, theo Thứ trưởng Bộ KH-CN Trần Văn Tùng, điều đầu tiên là nhận thức đúng mức về vị trí, vai trò của KH-CN cũng như quyết liệt trong hành động.

Trì trệ, chậm phát triển

- Phóng viên: Thời gian qua, chúng ta nói nhiều đến vấn đề đổi mới toàn diện và đồng bộ tổ chức, cơ chế quản lý, hoạt động KH-CN. Đề nghị Thứ trưởng cho biết vì sao?

Thứ trưởng TRẦN VĂN TÙNG: Trong những năm qua, KH-CN đã có những đóng góp hết sức quan trọng đối với việc phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh - quốc phòng, cải thiện đời sống của nhân dân. Khoa học xã hội và nhân văn đã cung cấp luận cứ khoa học trong việc hoạch định đường lối, chủ trương, chính sách đổi mới, xây dựng, phát triển đất nước và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam. Khoa học tự nhiên đạt được một số thành tựu tiêu biểu trong nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

Qua đó, nâng cao vị thế quốc tế của khoa học Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực toán học, vật lý lý thuyết... KH-CN đã đóng góp tích cực trong việc thúc đẩy ứng dụng và đổi mới công nghệ của các ngành, lĩnh vực kinh tế - xã hội, nhất là công nghiệp, nông nghiệp, giao thông vận tải, xây dựng, y - dược, CNTT... Đặc biệt, những thành tựu ngành nông nghiệp và y tế hiện nay đạt được có sự đóng góp từ 30% - 35% của KH-CN Việt Nam. Bên cạnh thành tựu đó, chúng ta thấy rõ KH-CN vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, vẫn phát triển chậm với một số tồn tại, hạn chế. Hoạt động KH-CN còn mang nặng tính lý thuyết, chưa gắn kết chặt chẽ, có hiệu quả với mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu của xã hội và doanh nghiệp; thành tựu KH-CN đạt được còn cục bộ, chưa đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao của sự nghiệp đẩy mạnh CNH, HĐH và hội nhập quốc tế...

Hoạt động KH-CN đất nước cần được đổi mới, hoàn thiện hơn. Trong khi những nước phát triển tập trung phát triển KH-CN, sản xuất hàng hóa với hàm lượng tri thức cao, chúng ta những năm qua vẫn tập trung phát triển bề rộng với lợi thế về nguồn tài nguyên khoáng sản và nhân lực lao động rẻ. Những thế mạnh đó đến lúc cũng cạn kiệt và nếu không tập trung đầu tư phát triển KH-CN, lấy đó làm nền tảng, động lực phát triển kinh tế - xã hội, chắc chắn Việt Nam sẽ bị tụt hậu. Tính bức thiết ở đây không chỉ ở việc riêng KH-CN Việt Nam phải tự đổi mới mình, mà cả xã hội, cả hệ thống chính trị cũng cần phải thay đổi tư duy, đầu tư cũng như ứng xử với KH-CN nói chung.

- Vai trò của KH-CN đã được Nghị quyết Đại hội Đảng nhiều kỳ khẳng định là “then chốt” là “động lực” để phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Theo Thứ trưởng, vì sao đến bây giờ KH-CN vẫn chưa thực sự trở thành “then chốt” và “động lực”?

Theo tôi, nguyên nhân đầu tiên, rõ ràng nhất là nhận thức về KH-CN của các cấp ủy Đảng, từ những người đứng đầu, cao nhất ở các ngành, các địa phương. Đó là nhận thức để đưa KH-CN vào chương trình hành động, kế hoạch phát triển của từng ngành, địa phương mình hay không? Đâu đó người ta vẫn làm việc và coi KH-CN như là một công tác hành chính sự nghiệp; các nhà khoa học thì như những viên chức hành chính, làm công ăn lương. Họ không đánh giá đúng và đủ vai trò của hoạt động KH-CN, không thừa nhận môi trường làm việc mang tính đặc thù sáng tạo của các nhà khoa học. Sự chỉ đạo, điều hành của các cấp ủy Đảng và chính quyền chưa sâu sát; phối hợp giữa các thành tố trong hệ thống chính trị, giữa các cấp, các ngành, lĩnh vực chưa thống nhất, đồng bộ... Tất cả những điều đó nói lên rằng, vấn đề “nhận thức” của các cấp lãnh đạo và xã hội chính là điều cần phải đổi mới đầu tiên.

Những năm qua, chúng ta nói nhiều đến việc kinh phí phát triển KH-CN từ Trung ương cấp về các địa phương bị sử dụng sai mục đích. Đáng ra kinh phí để mua sắm trang thiết bị, đào tạo, nghiên cứu KH-CN, lại được lãnh đạo quyết định dùng... làm đường, đắp đê. Đó chỉ là một ví dụ và chính những tư duy kiểu đó đã làm trì trệ, kìm hãm sự phát triển của KH-CN đất nước.

Phải tin các nhà khoa học

- Là cơ quan nhà nước trực tiếp quản lý lĩnh vực KH-CN, khi xây dựng đề án đổi mới quản lý và hoạt động KH-CN, Bộ KH-CN đã nhận được sự phản hồi của các nhà khoa học Việt Nam như thế nào?

Bộ KH-CN đang thực hiện đề án “Tiếp tục đổi mới cơ bản, toàn diện và đồng bộ tổ chức, cơ chế quản lý, hoạt động khoa học công nghệ”. Khi chúng tôi tham khảo ý kiến các nhà khoa học Việt Nam về đề án này, tất cả đều ủng hộ. Bởi những nhà khoa học hơn ai hết hiểu rõ sự bất cập, hạn chế hiện nay trong việc phát triển KH-CN đất nước, nhất là cơ chế tài chính. Giải quyết được điều này, sẽ tạo điều kiện để giải quyết hàng loạt vấn đề liên quan đổi mới KH-CN. Việc nghiên cứu và phát triển KH-CN ở ta hiện nay vẫn mang tính kế hoạch. Muốn có kinh phí năm tới, phải xây dựng kế hoạch để được phê duyệt từ năm nay. Thời gian từ khi có ý tưởng nghiên cứu đến khi được cấp kinh phí kéo dài từ 1,5 - 2 năm. Cơ chế thanh quyết toán các đề tài lại vô cùng nhiêu khê, phức tạp. Chính cơ chế này đã làm không ít các nhà khoa học phải “dối trá” trong việc xây dựng dự toán cũng như thanh quyết toán kinh phí. Họ muốn cởi trói cái đó, muốn có một điều kiện làm việc tốt hơn, được cống hiến nhiều hơn và được xã hội công nhận, tôn vinh đúng mức.

- Thời gian gần đây, vấn đề thiếu hụt nguồn nhân lực, đội ngũ làm KH-CN kế cận được nhắc đến rất nhiều…

Tôi cho rằng, không chỉ thiếu lực lượng KH-CN trẻ mà chúng ta còn đang thiếu hụt những nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành, những tổng công trình sư, kỹ sư trưởng đủ trình độ và năng lực thực hiện những công việc lớn của đất nước. Vài chục năm về trước chúng ta thấy rất nhiều những giáo sư, nhà khoa học được quốc tế vinh danh, còn bây giờ rất ít. Rõ ràng chúng ta đang thiếu cả cán bộ KH-CN cả 2 phía, chứ không riêng gì lớp trẻ. Về hiện trạng lớp trẻ hiện nay không say mê đi vào con đường nghiên cứu khoa học, có nguyên nhân cơ bản do các chính sách trọng dụng, sử dụng và đãi ngộ với cán bộ KH-CN còn nhiều hạn chế, bất cập. Tuy nhiên, trong những năm qua, chúng tôi thấy vẫn có những bạn trẻ say mê và đã thành công với các đề tài, công trình KH-CN của mình. điều lo lắng về thiếu nguồn nhân lực KH-CN trẻ là hoàn toàn đúng.

Nếu chúng ta đổi mới, làm tốt những chính sách liên quan, nhất là khâu đãi ngộ, trọng dụng người tài, tôi tin sẽ lôi kéo được những bạn trẻ có trình độ, có khả năng tham gia nghiên cứu, phát triển KH-CN, xây dựng được đội ngũ đông đảo các nhà khoa học Việt Nam đủ tài, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội đất nước trong thời kỳ mới.

  • Thứ trưởng Bộ KH-CN Trần Văn Tùng

"Báo chí đã từng đề cập đến tình trạng có những nhà khoa học không trung thực ở trong và ngoài nước, nhưng theo tôi đó chỉ là số ít. Những người này rất giỏi trong việc làm hồ sơ để được Nhà nước hỗ trợ và tìm cách thanh quyết toán phần kinh phí được cấp mà không quan tâm tới hiệu quả, chất lượng nghiên cứu. Chúng tôi cho rằng, phần đông các nhà khoa học Việt Nam vẫn rất tâm huyết, muốn có điều kiện để sáng tạo, cống hiến cho đất nước và khẳng định tài năng, trình độ của mình. Bộ KH-CN vẫn luôn nhìn nhận rằng, phải tin tưởng vào các nhà khoa học; họ chính là những người sẽ quyết định thành bại đối với nền KH-CN của đất nước"

Trần Lưu thực hiện

Tin cùng chuyên mục