Ứng dụng phiên dịch ảo cho người khiếm thính

Hiện Việt Nam có khoảng 2 triệu người khiếm thính, tuy nhiên lực lượng phiên dịch ngôn ngữ ký hiệu hiện rất khiêm tốn, hầu hết không được đào tạo một cách bài bản. Người khiếm thính gặp không ít bất lợi, khó khăn trong giao tiếp hàng ngày, tiếp cận nhiều loại dịch vụ như mua sắm, khám chữa bệnh, dịch vụ công, tìm hiểu về pháp luật…

Từ thực tế nói trên, đầu tháng 3-2024, nhóm bạn gồm Phan Đình Long Nhật (Công ty Biarri Networks), Trịnh Tấn Đạt (Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM), Trương Công Thành (Công ty FPT Software) và Roy Albert Dadivas (People Tech Revolution) đã lên ý tưởng thiết kế ứng dụng phiên dịch cho người khiếm thính. Nhóm đã thiết kế ứng dụng, dùng trí tuệ nhân tạo (AI) để chuyển ngôn ngữ ký hiệu sang giọng nói và văn bản, nhằm giúp người khiếm thính có thể giao tiếp dễ dàng với cộng đồng.

Ứng dụng có tên Flora có thể giúp người khiếm thính giao tiếp dễ dàng hơn thông qua smartphone, bằng cách sử dụng camera để nhận diện ngôn ngữ ký hiệu của người khiếm thính và chuyển thành giọng nói trên loa điện thoại. Qua đó, người đối diện có thể dễ dàng hiểu được điều mà người khiếm thính muốn truyền đạt mà không cần thông dịch viên hỗ trợ.

Hiện nhóm đang phát triển để ứng dụng có thể chạy trên các thiết bị iOS và Meta quest (kính thực tế ảo). Đối với kính thực tế ảo, hai người giao tiếp sẽ đeo kính VR, người khiếm thính dùng ngôn ngữ ký hiệu và người đối diện có thể hiểu nội dung họ muốn truyền đạt. Đến nay, ứng dụng Flora có thể chuyển đổi ký hiệu thành các chữ cái và một vài câu thoại đơn giản như: xin chào, xin cảm ơn, tôi tên là... với độ chính xác đến 94% và nhóm dự kiến sẽ hoàn thành các từ ngữ giao tiếp cơ bản vào tháng 6-2024.

Anh Phan Đình Long Nhật, đại diện nhóm nghiên cứu, cho biết, nhóm đang trong quá trình gọi vốn, hoàn thiện sản phẩm và dự kiến ứng dụng sẽ được chạy thử nghiệm tại các trường dạy khiếm thính, từ đó có thể thu thập thêm nhiều dữ liệu về ký hiệu ngôn ngữ. Sau đó, nhóm sẽ hoàn thiện ứng dụng và triển khai rộng rãi ở những nơi công cộng để hỗ trợ tối đa người khiếm thính.

“Mong muốn lớn nhất của chúng tôi là giúp người khiếm thính có thể giao tiếp dễ dàng, hòa nhập với cộng đồng, mở rộng cơ hội việc làm, am hiểu về pháp luật… giúp cộng đồng người khiếm thính phát triển khả năng bản thân bằng công nghệ. Chúng tôi đang nỗ lực để kêu gọi vốn và mở rộng dự án, không chỉ gói gọn ở ngôn ngữ ký hiệu Việt Nam mà sẽ phát triển ngôn ngữ ký hiệu trên toàn thế giới”, anh Phan Đình Long Nhật chia sẻ.

Tin cùng chuyên mục