Khôi phục làng nghề “xứ sở tằm tang”

Một tương lai triển vọng đang dần mở ra khi nhiều dự án trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ dệt lụa kết hợp với phát triển du lịch đang được triển khai tại miền quê Quảng Nam, nơi một thời được mệnh danh “xứ sở tằm tang”. Tuy nhiên, phía trước vẫn còn nhiều thách thức.

Áp dụng khoa học công nghệ

Sau gần 30 năm đóng khung dệt và qua 2 năm, kể từ khi Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Điện Quang, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, phục hồi nghề trồng dâu nuôi tằm tại các bãi biển vùng Gò Nổi, bước đầu cây dâu đã cho năng suất lá khá cao.

Theo ông Nguyễn Đức Thành, Giám đốc HTX Nông nghiệp Điện Quang, tháng 6-2018, HTX phối hợp với UBND xã Điện Quang tiến hành giao đất cho 12 hộ nông dân trồng dâu thí điểm trên diện tích 5ha.

Cây dâu cho năng suất lá cao, hiệu quả doanh thu tốt. Cuối năm nay sẽ trồng tiếp 10ha và dự kiến đến hết năm 2020, HTX có 15ha trồng dâu và 60 hộ tham gia nuôi tằm.

Vùng đất Gò Nổi (gồm 3 xã: Điện Phong, Điện Trung, Điện Quang) một thời được mệnh danh là thủ phủ của tằm tơ. Thời vàng son của dâu tằm Gò Nổi diễn ra cách đây cũng đã gần 30 năm, lúc ấy hầu như nhà nào cũng trồng dâu nuôi tằm.

Cao điểm, diện tích trồng dâu vùng Gò Nổi lên đến 340ha, với hơn 1.200 hộ dân tham gia; hàng năm sản xuất khoảng 270 - 290 tấn kén, đưa ra thị trường gần 20 tấn tơ. Tuy nhiên, từ những năm 1993-1996 diện tích trồng dâu thu hẹp dần.

Khôi phục làng nghề “xứ sở tằm tang” ảnh 1 Dự án “Dòng sông tơ lụa” hứa hẹn tạo ra sản phẩm du lịch độc đáo 

Để vực dậy làng nghề, từ năm 2017, UBND tỉnh Quảng Nam khởi động khôi phục nghề trồng dâu nuôi tằm tại các địa phương dọc sông Vu Gia - Thu Bồn như Đại Lộc, Điện Bàn, Duy Xuyên với diện tích quy hoạch hơn 5.000ha, đồng thời ban hành nhiều chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư.

Ông Lê Thái Vũ, Chủ tịch HĐQT Công ty CP tơ lụa Quảng Nam, nhìn nhận trước đây nghề trồng dâu nuôi tằm sa sút ngoài lý do năng suất thấp, thị trường bị thu hẹp, còn có yếu tố tác động không nhỏ là kỹ thuật và phương tiện lạc hậu.

Vậy nên, bây giờ phải áp dụng khoa học công nghệ từ khâu chọn giống, chăm sóc, tưới tiêu đến kỹ thuật nuôi tằm, bắt kén… nhằm giảm công lao động và nâng cao hiệu quả nuôi tằm. 

Tạo sản phẩm du lịch

Tại “Festival Văn hóa tơ lụa, thổ cẩm Việt Nam - Thế giới 2019” vừa diễn ra mới đây, nhiều chuyên gia đánh giá cao việc phục hồi nghề trồng dâu nuôi tằm tại “xứ sở tằm tang” Quảng Nam; đặc biệt gắn với du lịch, bởi Quảng Nam là trung tâm phát triển du lịch ở dải đất miền Trung.

Ông Lê Thái Vũ chia sẻ, doanh nghiệp sắp triển khai dự án “Dòng sông tơ lụa” để phát triển du lịch. Theo đó, công ty hỗ trợ người dân giống, kỹ thuật để khôi phục những biền dâu và bao tiêu đầu ra sản phẩm tơ tằm.

Khi đó, dọc hai bờ sông Thu Bồn - Vu Gia sẽ là những biền dâu xanh ngát và du khách trải nghiệm đi thuyền tham quan cánh đồng dâu, ghé vào những làng nghề ươm tơ dệt lụa một thời vang bóng như Gò Nổi (thị xã Điện Bàn), Mã Châu (huyện Duy Xuyên), Giao Thủy (huyện Đại Lộc)…

Tuy nhiên, ông Hoàng Kim Tú, Giám đốc Công ty CP tơ tằm Á châu - Bảo Lộc, cho rằng một vấn đề mà tỉnh Quảng Nam chưa đặt ra hiện nay là nhân lực để thực hiện ngành nghề phát triển. Hiện tại, hầu như không có cơ sở hoặc trường lớp dạy nghề nào đào tạo nguồn nhân lực chuyên nghiệp nghề nuôi tằm dệt lụa.

Ngoài ra, vấn đề quan trọng của ngành tơ tằm hiện nay chính là trứng tằm giống và đất đai. Đặc biệt phải có đất để trồng những thửa dâu thâm canh lớn, đủ lá cho tằm ăn.

Do vậy, địa phương cần giúp đỡ nhiều hơn cho doanh nghiệp đầu tư và xây dựng cơ chế đặc thù trong lĩnh vực đất canh tác để hình thành vùng nguyên liệu trồng dâu đủ lớn.

Theo ông Lê Trí Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, việc phục hồi nghề trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ, dệt lụa là chủ trương lớn của tỉnh nhằm không chỉ hồi sinh nghề nuôi tằm truyền thống của địa phương, mà còn hứa hẹn tạo thêm sản phẩm độc đáo cho du lịch Quảng Nam; trong đó “Dòng sông tơ lụa” sẽ là điểm nhấn thúc đẩy du lịch làng nghề phát triển. Dù vậy, thực tế cho thấy, chặng đường phía trước không hề đơn giản.

Tin cùng chuyên mục