Không để những việc làm tử tế, bình dị bị coi là bất thường

Chiều 22-2, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đã chủ trì cuộc họp của ban chỉ đạo. 
Quang cảnh cuộc họp. Ảnh: VGP
Quang cảnh cuộc họp. Ảnh: VGP

Phó Thủ tướng cho rằng, những phong trào về văn hóa đã có từ lâu, liên quan đến mọi người, mọi ngành nhưng nếu không chú ý thì ai cũng tưởng là việc của người khác, ngành khác, khó đo đếm định lượng. Do vậy, trong năm 2019, các thành viên ban chỉ đạo cần đề xuất những việc cụ thể để tập trung chỉ đạo, tạo chuyển biến. Đặc biệt là phải đánh giá, định lượng cụ thể từng phong trào, cuộc vận động, có khen, chê, thưởng hay khắc phục kịp thời.

“Làm văn hóa, nếu không đến ngưỡng nhất định, thành nếp, thành thói quen, thì không thấy tác dụng. Có những hành vi, thái độ ứng xử hàng ngày, thói quen dù rất nhỏ nhưng ẩn sau đó cũng là nét văn hóa, đạo đức. Ví dụ như không xả rác bừa bãi nơi công cộng, bỏ rác đúng giờ, đúng nơi quy định; không chen lấn, xô đẩy khi xếp hàng… không đơn thuần là hành vi ứng xử mà còn thể hiện trách nhiệm cá nhân với cộng đồng, sự tôn trọng người khác”, Phó Thủ tướng gợi mở.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, năm 2019 là dịp kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Bác Hồ. Ban chỉ đạo cần khắc phục các hạn chế trong quá trình chỉ đạo các phong trào liên quan đến văn hóa như không có công cụ đo đếm, lượng hóa, không gắn với cơ chế chính sách, chế tài xử lý, đánh giá thi đua. Các danh hiệu văn hóa phải thuyết phục. Một gia đình văn hóa, khu phố văn hóa có nghĩa là đã thực hiện tốt mọi phong trào, cuộc vận động ở địa phương như khuyến học, giữ gìn vệ sinh môi trường, hoạt động văn hóa thể thao, giữ gìn an ninh trật tự, phòng chống tệ nạn… chứ không chỉ hoàn thành 1-2 tiêu chí thành phần.

Phó Thủ tướng gợi ý, trước hết phát động phong trào giáo dục văn hóa cho học sinh trong trường học từ những hành vi cụ thể như xếp hàng, tập luyện thể dục thể thao, ý thức tham gia giao thông, vứt rác đúng nơi quy định… Đồng thời, tăng cường công tác truyền thông, báo chí, vận động người dân thực hiện một số hành vi ứng xử đời sống hàng ngày. Qua đó từng bước xây dựng nếp sống văn hóa, thể hiện văn hóa của người Việt Nam, phù hợp với ứng xử văn minh trên thế giới.

“Làm sao để khơi dậy trong mỗi người dân ý thức trách nhiệm với cộng đồng, tinh thần tiết kiệm, tôn trọng sự khác biệt, để ứng xử đúng đắn trước những hiện tượng trong đời sống xã hội. Không để những việc làm tử tế, bình dị bị coi là bất thường. Nhân rộng những giá trị tốt đẹp, đẩy lùi cái xấu, hiện tượng tiêu cực”, Phó Thủ tướng mong muốn.

Tin cùng chuyên mục