Kiên trì, hợp sức để thành công

Qua 1 năm thực hiện, Đề án “Bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng hội nhập đô thị trong nữ công nhân, lao động khu lưu trú, nhà trọ” ở TPHCM đã đạt được một số thành công, nhờ có sự phối hợp từ các cấp ủy đảng, chính quyền, đến cán bộ hội phụ nữ, chủ nhà trọ… 
Cán bộ phụ nữ quận Bình Tân vận động nữ công nhân khu nhà trọ tham gia đề án
Cán bộ phụ nữ quận Bình Tân vận động nữ công nhân khu nhà trọ tham gia đề án
Cán bộ hội nhiệt tình
Theo dự kiến, tại trụ sở Ban điều hành khu phố 13, phường Bình Trị Đông B (quận Bình Tân, TPHCM), lúc 18 giờ 30 chuyên gia sẽ trình bày về chuyên đề an toàn vệ sinh thực phẩm. Hôm ấy, khu vực này ngập nước nhiều nơi. 18 giờ, trong khi chạy tới chạy lui đếm số lượng người, bà Trần Thị Phấn, Chi hội trưởng phụ nữ khu phố 13, nghĩ bụng: Sao còn thiếu nhiều vậy? Mấy đứa nhỏ trong khu nhà trọ chị Chín nói sẽ đến, sao giờ này không thấy? Vậy là bà Phấn tất tả, xắn ống quần, bì bõm lội nước vào các khu nhà trọ.
Thấy nữ công nhân Thanh Mai còn ở phòng trọ, biết cô đang ngại vì đường ngập nước, bà Phấn lên tiếng: “Chuẩn bị ra nghe chuyên đề chưa con? Ngoài ấy, cô có chuẩn bị nước để rửa chân. Chị em đến cũng đông rồi đó. Cô thấy con hay mua thức ăn ngoài chợ nhỏ lề đường, ra nghe để biết cách chọn đồ ăn ngon, hợp vệ sinh cho gia đình”. Rồi bà Phấn ghé tiếp phòng trọ gần đấy để gọi thêm người khác. Nhìn bà Phấn quần ống thấp ống cao lội vào tận nơi gọi mọi người, các nữ công nhân sốt sắng rủ nhau đi. Bằng cách này, sau 30 phút, trụ sở khu phố 13 chật kín chị em. “Sau khi nghe báo cáo, em có thêm nhiều kiến thức cho cuộc sống. Cô Phấn nói lần sau sẽ có buổi dạy cắm hoa với trang điểm, em sẽ tranh thủ đến dự”, chị Nguyễn Hồng Thúy cho biết. 
Có cùng theo chân cán bộ hội đến vận động nữ công nhân tham gia các buổi nói chuyện chuyên đề mới thấy hết sự cực nhọc và cái tâm dành cho công việc của các chị. Canh buổi chiều khi công nhân đi làm về, các chị tất tả vào khu nhà trọ để gặp gỡ, có khi tỉ tê đủ chuyện trên trời dưới đất rồi mới vào nội dung của đề án. Mà đâu phải dễ, có khi ngồi chờ cả tiếng mà công nhân chưa về, các chị phải quay trở lại sau. Nhờ sự nhiệt tình, không ngại khó của các chị mà qua một năm triển khai thực hiện thí điểm tại quận Bình Tân, đề án đã tổ chức được 26 buổi truyền thông cho hơn 3.000 nữ công nhân, lao động tại các khu lưu trú, nhà trọ, với 14 chuyên đề cung cấp kiến thức, kỹ năng, giúp người nhập cư tự tin hơn khi hội nhập môi trường sống mới.
Chung tay vì đề án nhân văn
Làm được điều này, ngoài vai trò của cán bộ phụ nữ thì các tổ trưởng khu phố, chủ nhà trọ cũng góp phần rất quan trọng. Theo bà Đỗ Thị Kim Cúc, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ quận Bình Tân, việc khó nhất trong thực hiện đề án chính là làm sao để tập hợp được nữ công nhân.
Điều này phải nhờ vào lực lượng nữ cán bộ hội tại các khu phố, tổ trưởng và các chủ nhà trọ. Bên cạnh đó, cần xây dựng các chuyên đề phù hợp, mời chuyên gia trong các lĩnh vực báo cáo và cách truyền tải nội dung phải phù hợp, nhẹ nhàng, dễ hiểu. Trong quá trình thực hiện, hội thường xuyên đánh giá các kết quả, tiếp nhận phản hồi của nữ công nhân, chủ nhà trọ, doanh nghiệp, để từ đó có hướng thực hiện phù hợp hơn.
Chị Trần Thị Kim Thu, Chi hội trưởng phụ nữ khu phố 14 và là chủ nhà trọ có gần 40 nữ công nhân, cho biết sau các buổi báo cáo chuyên đề, chị thấy công nhân bắt đầu nói với nhau về các điểm bán thực phẩm sạch, cửa hàng bình ổn giá, trao đổi cách dạy con, cách trang điểm, chọn trang phục khi đi tiệc… Nhiều phòng trọ đã có bình hoa nho nhỏ, giúp không gian có thêm sức sống. Với bà chủ nhà trọ ấy, chỉ cần mình có cái tâm, chịu khó, không ngại nói vì cái chung thì sẽ vận động được chị em tham gia. 
Việc chọn địa điểm tổ chức phù hợp, tạo không khí thoải mái cho người lao động khi tham gia, ưu tiên các chuyên đề sát thực nhất, cũng được ban tổ chức quan tâm. Từ đó nữ công nhân được trang bị kiến thức, kỹ năng cần thiết trong cuộc sống, công việc, tạo sự gắn kết, giúp họ mạnh dạn, tự tin hơn. Bà Lâm Thị Ngọc Hoa, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Liên hiệp Phụ nữ TPHCM, cho biết qua 120 buổi bồi dưỡng kiến thức thu hút hơn 12.000 nữ công nhân tại 4 quận - huyện thí điểm, đề án đã giúp nâng cao nhận thức về cuộc sống và cả chính trị của lao động nữ.
Theo bà Đỗ Thị Kim Cúc, đề án đã góp phần xây dựng lực lượng chính trị nòng cốt trong nữ công nhân lao động. Thời gian qua, ngoài sự chủ động của các cấp hội, sự chỉ đạo kịp thời, tạo điều kiện của đảng ủy, chính quyền cũng đã chung tay giúp đề án gặt hái thành công.
Đồng chí Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phó ban Dân vận Thành ủy TPHCM, nhấn mạnh công tác tập hợp và xây dựng lực lượng nòng cốt trong nữ công nhân lao động là chủ trương lớn của Thành ủy. Để đề án nhân văn này - được đánh giá là nội dung quan trọng, thiết thực, góp phần xây dựng TPHCM văn minh, hiện đại, nghĩa tình - thành công, việc phối hợp, hỗ trợ, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền là vô cùng quan trọng. Bên cạnh đó, từng cán bộ hội, tổ trưởng khu phố cần kiên trì, khéo léo để làm tốt công tác vận động chị em cùng tham gia.

Tin cùng chuyên mục