Khi Việt Nam gia nhập WTO

Hàng thủy sản, gạo, dệt may sẽ có lợi

Hàng thủy sản, gạo, dệt may sẽ có lợi

“Những mặt hàng nào của VN sẽ có lợi hoặc có thể bị triệt tiêu do những quy định rất gay gắt từ các nước thành viên” là nội dung chính của Hội thảo “Gia nhập WTO và những lợi ích của Việt Nam trong vòng đàm phán Doha” do Bộ Thương mại phối hợp với Ủy ban châu Âu, Viện Kinh tế TPHCM tổ chức mới đây tại TPHCM. Hơn 100 đại biểu trong nước và quốc tế đến từ các viện nghiên cứu, các tổ chức, sở ngành và các doanh nghiệp (DN) đã tham dự.

Hàng thủy sản, gạo, dệt may sẽ có lợi ảnh 1

Tuyên bố Doha đã đề ra 10 lĩnh vực phải tiến hành đàm phán là: nông nghiệp; tiếp cận thị trường hàng phi nông sản (NAMA); dịch vụ; sở hữu trí tuệ; quan hệ thương mại – môi trường; giải quyết tranh chấp; vấn đề luật lệ; thuận lợi hóa thương mại; thực hiện các cam kết đã có; cơ chế đối xử đặc biệt và khác biệt đối với các nước đang phát triển và chậm phát triển.

Thứ trưởng Bộ Thương mại Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, các vòng đàm phán Doha (DDA) của WTO đang ở giai đoạn cao trào và dự kiến sẽ kết thúc vào cuối năm nay.

Kết quả của vòng đàm phán này chắc chắn sẽ có tác động không nhỏ đến VN. Ông Andras Lakatos, chuyên gia của Ủy ban châu Âu, đã chỉ ra rằng, tác động từ Doha có thể xảy ra đối với VN từ mức giá cao hơn trên thị trường quốc tế sẽ mang lại lợi ích cho các sản phẩm như gạo, ngô, ngũ cốc, rau quả, thực phẩm, dệt may của VN, trong đó các nhóm hàng chính được hưởng lợi từ tăng trưởng xuất khẩu là gạo, thủy sản và dệt may.

Tuy nhiên, do cạnh tranh trên thị trường quốc tế và những nước thành viên WTO sẽ đưa ra những quy định ngày càng gắt gao hơn nên xuất khẩu một số mặt hàng như hoa quả, cà phê, đặc biệt là hàng nông sản chế biến của VN sẽ bị giảm xuống. Bà Phạm Thị Tước, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Bộ NN-PTNT cũng cho rằng, thách thức đặt ra cho VN trong bài toán cạnh tranh sản phẩm toàn cầu là rất lớn.

Nguyên nhân chính là VN đã đưa ra những cam kết sẽ cắt mọi trợ cấp xuất khẩu ngay sau khi gia nhập WTO, trong khi đó các nước phát triển có lộ trình giảm trợ cấp đến năm 2013 và các nước đang phát triển khác thì giảm trợ cấp đến năm 2018, nên chúng ta sẽ gặp nhiều khó khăn hơn so với các thành viên của WTO. Sức ép về tài chính, xã hội gia tăng. Ngoài ra những trở ngại về rào cản kỹ thuật của các nước phát triển sẽ làm cho sản phẩm của các nước đang phát triển, trong đó có VN rất khó thâm nhập thị trường thế giới.

Cũng theo bà Phạm Thị Tước, sẽ có nhiều ngành, nhiều DN bị phá sản sau khi VN gia nhập WTO, tuy nhiên về bình diện thì nền kinh tế của VN sẽ có lợi. Về thuế nhập khẩu, VN cam kết mức trần cho gần như toàn bộ biểu thuế nhập khẩu hiện hành; thuế suất bình quân được giảm từ mức hiện hành 17,4% còn 13,4% theo lộ trình trung bình từ 3 đến 5 năm. Riêng đối với hàng nông sản được giảm từ mức bình quân hiện hành là 23,5% xuống còn 21%. Chính sách thuế nhập khẩu hàng nông sản của VN hiện nay được chia thành bốn mức.

Mức thuế thấp nhất (0%-10%) đối với vật tư nông nghiệp như giống cây trồng, vật nuôi, nguyên liệu. Mức thuế trung bình (15%-30%) đối với mặt hàng rau quả tươi, sữa, thịt tươi và đông lạnh. Mức thuế cao (40%-50%) đối với các mặt hàng đã qua chế biến và thuế ở mức rất cao (60%-100%) đối với mặt hàng rượu bia, thuốc lá. Giảm thuế nhập khẩu, nhiều chuyên gia cho rằng khả năng hàng nông sản bị cạnh tranh ngay trên “sân nhà” là hoàn toàn có thể. 

Thúy Hải

Tin cùng chuyên mục