Vóc dáng trung tâm năng lượng xanh quốc gia

Năm 1992, tỉnh Thuận Hải được tách ra thành 2 tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận. Từ dải đất có thời tiết khắc nghiệt bậc nhất cả nước, “đồng khô, cỏ cháy”, nơi đây đã trở thành vùng nông nghiệp trù phú; từ “điểm trắng” du lịch, trở thành trung tâm du lịch vùng Nam Trung bộ; từ những cơn gió rát người, nắng cháy da đang dần trở thành trung tâm năng lượng xanh của cả nước…

Tỉnh Ninh Thuận biến nắng và gió thành năng lượng tái tạo để phát triển
Tỉnh Ninh Thuận biến nắng và gió thành năng lượng tái tạo để phát triển

“Kỳ tích” trị hạn

Trong lần gặp gỡ PV Báo SGGP gần nhất trước khi nhận nhiệm vụ Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Vĩnh Phúc (tháng 3-2024), đồng chí Dương Văn An, nguyên Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Bình Thuận, chia sẻ: Cùng với Ninh Thuận, Bình Thuận được biết đến là vùng đất có lượng mưa thấp nhất nước, là nơi từng “khó, khô, khổ”. Sau ngày chia tách, tỉnh Bình Thuận xác định nhiệm vụ tiên quyết để phát triển kinh tế, xã hội là phải “trị hạn”. Từ nguồn hỗ trợ của Trung ương, địa phương đã huy động thêm cả sức dân để đắp đập, xây hồ trữ nước, đào kênh,… đưa nguồn nước mát lành về phủ xanh vùng cát trắng.

Năm 1996, công trình hồ chứa nước Sông Quao có dung tích 80 triệu m3 được đầu tư và đưa vào khai thác. Nước về, người dân huyện Hàm Thuận Bắc đẩy mạnh canh tác lúa, cây thanh long, biến vùng đất hoang hóa trở thành vùng canh tác nông nghiệp trù phú. Còn tại huyện Hàm Thuận Nam, nơi đang có diện tích thanh long lớn nhất tỉnh Bình Thuận, nhiều xã như Tân Thành, Thuận Quý, Tân Thuận,… người dân đang đua nhau xây biệt thự, sắm xe hơi, vùng nông thôn nay thay đổi rõ rệt. Theo Sở NN-PTNT tỉnh Bình Thuận, tỉnh đã xây dựng được 209 công trình thủy lợi với tổng chiều dài hơn 1.800km, “nối mạng” với nhau, giúp địa phương cơ bản chủ động nguồn nước tưới cho sản xuất và sinh hoạt. Ông Mai Kiều, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bình Thuận, khẳng định: Nếu địa phương không tập trung làm các công trình thủy lợi thì việc sản xuất nông nghiệp sẽ rất bấp bênh. Các thành phố lớn, thị xã sẽ không đủ nước uống. Nếu không có thủy lợi, địa phương sẽ không có hơn 30.000ha cây thanh long và trở thành “thủ phủ” thanh long của Việt Nam như bây giờ.

Tương tự tỉnh Bình Thuận, trước đây tỉnh Ninh Thuận liên tục xảy ra tình trạng thiếu nước sinh hoạt cho người dân, gia súc chết do thiếu nước uống, nhiều diện tích cây trồng bị cháy nắng. Theo Sở NN-PTNT tỉnh Ninh Thuận, từ khi dự án thủy lợi Tân Mỹ dung tích gần 220 triệu m3 được triển khai đã góp phần quan trọng trong việc chống hạn của địa phương. Nhờ phát triển được 21 hồ chứa nước, tình trạng hạn hán, thiếu nước đã được kiểm soát. Vùng đất hoang hóa ngày nào đã trở thành “thủ phủ” sản xuất nho, táo của cả nước.

Cất cánh

Đồng chí Dương Văn An thông tin, tỉnh Bình Thuận đã rút ra rất nhiều bài học kinh nghiệm qua quá trình phát triển. Từ một tỉnh “khó, khô, khổ”, Bình Thuận đã vượt khó đi lên, dần trở thành tỉnh mạnh về công nghiệp năng lượng và du lịch. Từ “điểm trắng” về du lịch, tỉnh Bình Thuận đã vươn lên thành trung tâm du lịch vùng duyên hải Nam Trung bộ. Theo Sở VH-TT-DL tỉnh Bình Thuận, năm 2023, lần đầu tiên địa phương đón hơn 8,3 triệu khách du lịch, doanh thu đạt trên 22.000 tỷ đồng, trở thành một trong 10 tỉnh thành có tổng lượt du khách và doanh thu du lịch cao nhất cả nước.

Nắng và gió từng được xem là điều kiện bất lợi của tỉnh Bình Thuận, nhưng đến nay lại trở thành lợi thế để địa phương phát triển mạnh về năng lượng tái tạo. Hiện tỉnh có 35 nhà máy điện năng lượng tái tạo đang hoạt động phát điện, với tổng công suất 1.400MW, gồm 9 nhà máy điện gió và 26 nhà máy điện mặt trời.

Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận Nguyễn Hoài Anh chia sẻ: “Trong 5 năm tới, tỉnh Bình Thuận sẽ tiếp tục đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông, thủy lợi, hạ tầng số. Với vị trí tiếp giáp khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam; đồng thời, phát huy lợi thế khi tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông đi qua địa bàn tỉnh và cảng quốc tế tổng hợp Vĩnh Tân đã hoàn thành, cùng với dự án sân bay Phan Thiết đang triển khai, tỉnh Bình Thuận sẽ thúc đẩy thực hiện các dự án công nghiệp lớn. Tỉnh cũng sẽ tập trung cơ cấu lại các khu vực sản xuất cây trồng lợi thế của địa phương (thanh long, táo,…) gắn với chuỗi giá trị, tạo sinh kế bền vững cho nông dân”.

Du lịch Ninh Thuận cũng đi lên từ “hai bàn tay trắng” và hiện trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương. Năm 2023, tỉnh Ninh Thuận đã đón gần 3 triệu lượt khách. Ninh Thuận cũng đã chuyển hướng chiến lược phát triển, biến bất lợi của nắng và gió, biến những vùng đất khô cằn, sỏi đá thành những trang trại điện mặt trời, điện gió tạo ra nguồn điện năng sạch. Theo Sở Công thương tỉnh Ninh Thuận, tính đến năm 2023, địa phương đã kêu gọi đầu tư 46 dự án với tổng công suất khoảng 3.079MW (35 dự án điện mặt trời và 11 dự án điện gió). Sự phát triển điện gió, điện mặt trời đã góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương chuyển biến mạnh mẽ.

Theo quy hoạch tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Thủ tướng phê duyệt, đến năm 2030, tỉnh Ninh Thuận phát triển trọng tâm khu vực phía Nam tạo tiền đề hình thành khu kinh tế ven biển; hệ thống cảng biển Ninh Thuận là cảng tổng hợp quốc gia. Tập trung phát triển năng lượng, năng lượng tái tạo; công nghiệp chế biến, chế tạo; nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao… Còn theo quy hoạch tỉnh Bình Thuận, đến năm 2030, địa phương trở thành tỉnh phát triển năng động, nhanh và bền vững; mạnh, giàu từ biển; là trung tâm du lịch nghỉ dưỡng biển tầm quốc gia, quốc tế; một trong những trung tâm năng lượng xanh của cả nước...

Tin cùng chuyên mục