Gia nhập WTO

Vận hội lớn, khó khăn không ít

Vận hội lớn, khó khăn không ít

PGS-TS Trần Huy Hoàng trong hội thảo khoa học “Hội nhập quốc tế về ngân hàng” do Trường ĐH Kinh tế TPHCM tổ chức mới đây đã đi thẳng vào vấn đề: “Việc thực hiện những cam kết quốc tế về lĩnh vực ngân hàng trong hiệp định thương mại Việt - Mỹ (BTA) và đàm phán gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) đặt ra cho hệ thống ngân hàng thương mại (NHTM) Việt Nam những thách thức vô cùng to lớn. Trong cam kết gia nhập WTO, đến năm 2010 Việt Nam sẽ mở cửa hoàn toàn các dịch vụ cho ngân hàng nước ngoài”.

  • Yếu nhiều hơn mạnh

Quá trình hội nhập vào nền kinh tế thế giới tác động trực tiếp đến hệ thống NHTM Việt Nam qua việc cho phép các ngân hàng có vốn đầu tư nước ngoài và những ngân hàng nước ngoài hoạt động tại Việt Nam được đối xử theo nguyên tắc tối huệ quốc. Khi đó, các quốc gia nằm trong khuôn khổ các hiệp định đều có cơ hội để tham gia vào thị trường tài chính - ngân hàng. Khi gia nhập WTO, Việt Nam phải chấp nhận mở cửa hơn nữa các dịch vụ ngân hàng, các ngân hàng nước ngoài dưới nhiều hình thức khác nhau sẽ có nhiều cơ hội hơn trong việc xâm nhập thị trường Việt Nam. Đây chính là động lực để ngân hàng Việt Nam phải tự hoàn thiện, nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững hơn.

Vận hội lớn, khó khăn không ít ảnh 1
Ngân hàng thương mại cổ phần Eximbank hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn sản xuất. Ảnh: THÀNH TÂM

PGS-TS Trần Huy Hoàng nêu ra một thực tiễn rất sinh động là các ngân hàng Việt Nam có lợi thế về đồng cảm văn hóa kinh doanh được coi như yếu tố rất quan trọng trong quá trình hội nhập. Niềm tin và những đồng cảm văn hóa là sức hút chủ yếu của các NHTM Việt Nam trong việc tiếp tục củng cố mối quan hệ truyền thống với khách hàng.

 Đó là có một đội ngũ cán bộ nhân viên ngân hàng trẻ trung và năng động, được đầu tư nâng cao kiến thức và năng lực để tiếp cận với công nghệ hiện đại. Có mạng lưới hoạt động rộng khắp và xây dựng được hệ thống phân phối rộng lớn, đặc biệt là thị trường nông thôn. Hiểu biết và khả năng thâm nhập thị trường là thế mạnh vượt trội của các ngân hàng trong nước so với các ngân hàng nước ngoài; thị phần ổn định và đối tượng khách hàng mục tiêu tương đối định hình cũng là một lợi thế lớn của NHTM Việt Nam.

Tuy nhiên, điểm yếu của các NHTM Việt Nam trước tiên là nguồn vốn còn rất thấp so với yêu cầu hội nhập. Tổng vốn điều lệ của các NHTM quốc doanh hiện mới đạt trên 21.000 tỷ đồng, dư nợ tín dụng mới xấp xỉ 55% GDP, thấp hơn nhiều so với mức trên 80% của các nước trong khu vực. Bình quân mức vốn tự có của các NHTM quốc doanh khoảng từ 200 đến 250 triệu USD, chỉ bằng một ngân hàng cỡ trung bình trong khu vực, còn các NHTM cổ phần có mức vốn điều lệ bình quân chỉ trên dưới 500 tỷ đồng.

Vốn thấp dẫn đến khả năng chống đỡ rủi ro của các ngân hàng Việt Nam còn kém, tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu chỉ đạt trung bình hơn 5%, so với chuẩn mực quốc tế là lớn hơn hoặc bằng 8%. Bên cạnh đó, sản phẩm dịch vụ còn quá ít và đơn điệu, tính tiện ích chưa cao, hoạt động ngân hàng chủ yếu dựa vào “độc canh” tín dụng. Quy trình quản trị trong các tổ chức tín dụng (TCTD) nói chung và của các NHTM nói riêng còn chưa phù hợp với các nguyên tắc và chuẩn mực quốc tế; tính minh bạch thấp, hệ thống thông tin điều hành và quản lý rủi ro chưa thực sự hiệu quả. Hầu hết các NHTM Việt Nam đều có mức dư nợ không sinh lời lớn hơn giới hạn cho phép từ 1,5 đến 2,5 lần, khả năng thanh toán bình quân chỉ mới đạt xấp xỉ 60%, tỷ lệ sinh lời bình quân trên vốn tự có (ROE) hiện chỉ là 6% so với 15% của các NHTM các nước trong khu vực.

Trong khi đó, tỷ trọng đầu tư tín dụng của các TCTD phi ngân hàng như kho bạc, quỹ hỗ trợ… chiếm trên 34% trên tổng vốn đầu tư toàn xã hội lại nằm ngoài vòng kiểm soát của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Hạ tầng công nghệ ngân hàng và hệ thống thanh toán còn lạc hậu, thậm chí có nguy cơ tụt hậu so với khu vực, chưa đáp ứng kịp yêu cầu phát triển và nâng cao chất lượng dịch vụ, năng lực quản lý điều hành của NHNN. Thể chế của hệ thống ngân hàng Việt Nam còn nhiều bất cập, hệ thống pháp luật về ngân hàng thiếu đồng bộ, chưa phù hợp với yêu cầu cải cách và lộ trình hội nhập. Việc quản trị doanh nghiệp trong các NHTM còn nhiều khiếm khuyết, nổi bật là sự chưa tách bạch giữa quyền sở hữu và quyền kiểm soát, điều hành ngân hàng. Các NHTM Việt Nam chỉ mới dừng lại ở tầm cỡ kinh doanh ngắn hạn, chưa có lộ trình thực hiện chiến lược trung - dài hạn cũng như giải pháp phát triển đồng bộ, dẫn đến tình trạng phát triển thiếu bền vững.

  • Những cơ hội và thách thức

Hội nhập quốc tế sẽ làm tăng uy tín và vị thế của hệ thống ngân hàng Việt Nam, nhất là trên thị trường tài chính khu vực. Hội nhập mang lại cơ hội khai thác và sử dụng hiệu quả lợi thế của các hoạt động ngân hàng hiện đại đa chức năng; có thể sử dụng vốn, công nghệ, kinh nghiệm quản lý từ ngân hàng các nước phát triển. Nhờ hội nhập, các ngân hàng trong nước tiếp cận thị trường tài chính quốc tế dễ dàng hơn, hiệu quả tăng lên trong huy động và sử dụng vốn. Các ngân hàng trong nước sẽ phản ứng nhanh nhạy, điều chỉnh linh hoạt hơn theo tín hiệu thị trường trong nước và quốc tế nhằm tối đa hóa lợi nhuận và giảm thiểu rủi ro. Hội nhập còn tạo ra động lực thúc đẩy nâng cao tính minh bạch của hệ thống ngân hàng Việt Nam.

Tuy nhiên, theo kết quả khảo sát của Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc (UNDP) phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện, có 42% doanh nghiệp và 50% người dân được hỏi đều trả lời rằng khi mở cửa thị trường tài chính, họ sẽ lựa chọn vay tiền từ các ngân hàng nước ngoài chứ không phải là ngân hàng trong nước; có 50% doanh nghiệp và 62% người dân cho rằng sẽ lựa chọn ngân hàng nước ngoài để gửi tiền vào.

Như vậy, với năng lực cạnh tranh dưới trung bình, các NHTM Việt Nam sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức. Đó là, sẽ mất dần lợi thế cạnh tranh về khách hàng và hệ thống kênh phân phối; rủi ro đến với hệ thống ngân hàng trong nước tăng lên, do các ngân hàng nước ngoài nắm quyền kiểm soát một số tổ chức trong nước qua hình thức góp vốn, mua cổ phần. Hội nhập giúp tăng các giao dịch vốn nhưng cũng sẽ làm tăng rủi ro của hệ thống ngân hàng, trong khi cơ chế quản lý và hệ thống thông tin giám sát của ngân hàng Việt Nam chưa thật tốt, chưa phù hợp với thông lệ quốc tế.

Việc mở cửa cho các ngân hàng nước ngoài gia nhập thị trường tài chính trong nước làm tăng thêm các đối thủ cạnh tranh có ưu thế hơn về năng lực tài chính, khả năng cạnh tranh, trình độ công nghệ và quản trị kinh doanh hơn hẳn các ngân hàng Việt Nam. Những cam kết về cắt giảm thuế quan và xóa bỏ chính sách bảo hộ của Nhà nước, sẽ làm tăng cường độ cạnh tranh đối với các doanh nghiệp Việt Nam. Một số doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn về tài chính và nguy cơ gia tăng nợ quá hạn là khó tránh khỏi cho các NHTM Việt Nam.

“Có thể nói hệ thống ngân hàng Việt Nam đang đứng trước những vận hội to lớn cho sự phát triển, song những thách thức và yếu kém nội tại chắc chắn sẽ gây khó khăn không ít cho các NHTM trong nước, nếu không có những cải cách thích hợp và đồng bộ với tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế”. PGS-TS Trần Huy Hoàng đã kết luận như vậy. 

ANH KHUÊ

Tin cùng chuyên mục