Các khu kinh tế vùng duyên hải miền Trung

Mỗi nơi một kiểu

Mỗi nơi một kiểu

Khu kinh tế (KKT) là mô hình hoàn toàn mới ở Việt Nam. Chỉ trong vòng chưa đầy 3 năm (2003-2006), cả nước đã có đến 8 KKT được hình thành và phát triển dọc theo dải đất duyên hải miền Trung. Các KKT đã và đang là động lực thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển kinh tế của toàn vùng nhưng cũng bộc lộ nhiều bất hợp lý...

  • Tiêu chuẩn nào để hình thành?

Mỗi nơi một kiểu ảnh 1
Xây dựng đê chắn sóng ở khu kinh tế Dung Quất. Ảnh: THÀNH TÂM

Việc hình thành các KKT đã đánh thức tiềm năng ở vùng đất nghèo khó bao đời này. Có thể lấy KKT mở Chu Lai - Quảng Nam làm một minh chứng sinh động. Từ vùng đất cằn cỗi nhiều dấu tích chiến tranh, KKTM Chu Lai ra đời đã tạo được sự chuyển động mạnh mẽ của toàn vùng.

Tính đến thời điểm hiện nay, sau 3 năm phát triển, KKT mở Chu Lai đã đầu tư trên 1.000 tỷ đồng cho cơ sở hạ tầng và hình thành KKT sầm uất. Đã có hơn 120 dự án đầu tư với tổng số vốn trên 1,4 tỷ đồng, trong đó có 40 dự án đã đi vào hoạt động.

 Vai trò động lực của các KKT đã được khẳng định rõ bằng việc kết nối giữa trong và ngoài KKT cùng với việc giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động. Tại KKT Dung Quất - Quảng Ngãi, gần 100 dự án đã được cấp phép với số vốn đăng ký gần 3,4 tỷ USD, trong đó có 30 dự án đã đi vào hoạt động.

Ông Phan Đức Nhạn, Trưởng ban KKT mở Chu Lai cho rằng: “Việc hình thành các KKT ở nước ta chưa có tiền lệ mà phải vừa làm vừa học. Đến nay chúng ta vẫn chưa có tiêu chí cụ thể để phát triển các KKT ngoài việc đáp ứng yêu cầu phải có công trình, dự án quốc gia mang tính nòng cốt. Vì vậy các KKT hình thành ở các địa phương mỗi nơi một vẻ, thiếu thống nhất…”.

Cả 8 KKT hiện hữu đều có những dự án, công trình trọng điểm mang ý nghĩa quốc gia. Tuy nhiên, những dự án nòng cốt này, thực sự mang lại hiệu quả đến đâu, trong khi nguồn lực, kinh phí đầu tư quá lớn? Hầu hết các KKT đều nằm rải rác ở vùng duyên hải miền Trung và chỉ cách nhau quá gần có khi chỉ trên dưới 100 km đường bộ, nhưng KKT nào cũng đầu tư một cảng biển nước sâu. Có thể thấy rõ điều này qua 4 cảng trong 4 KKT ở miền Trung: Vũng Áng (Hà Tĩnh), Chân Mây - Lăng Cô (Thừa Thiên - Huế), Kỳ Hà (Chu Lai), Dung Quất (Quảng Ngãi)…

Theo tính toán, nhu cầu về vốn để phát triển hạ tầng ngoài các khu chức năng của các KKT cần khoảng 2.000-3.000 tỷ đồng/1 KKT. Với 8 KKT đã được thành lập, từ nay đến năm 2010, nhu cầu về vốn khoảng 16.000 - 24.000 tỷ đồng. Trong khi đó, nguồn ngân sách nhà nước hỗ trợ đầu tư theo chương trình mục tiêu cho phát triển hạ tầng tại các khu chức năng của các KKT khó có khả năng cân đối. Điều này đòi hỏi các KKT phải huy động thêm nhiều nguồn lực, nhưng các “nguồn lực” này lại nhìn vào sự phát triển nhanh, chậm… của KKT mới chấp nhận đầu tư. Thực tế này tạo nên một vòng luẩn quẩn và cho đến nay, các KKT hầu hết chỉ mới sử dụng được nguồn vốn ngân sách mà chưa có thêm nguồn lực nào.

  • Cần thống nhất cơ chế

Mỗi nơi một kiểu ảnh 2
Thi công cọc móng xây dựng Nhà máy lọc dầu Dung Quất. Ảnh: THÀNH TÂM

KKT mở Chu Lai được thành lập đầu tiên (2003) với mô hình thí điểm và với quan điểm: Áp dụng các thể chế, chính sách mới, các mô hình, động lực mới cho phát triển kinh tế, khắc phục những vướng mắc trong chính sách và cơ chế quản lý hiện hành trong khi chưa có điều kiện thực hiện trên phạm vi cả nước.

Tuy nhiên, trên thực tế mục tiêu này chưa thực hiện được. KKT mở Chu Lai hiện chưa có một mô hình mới hay chính sách mới nào được áp dụng mà chỉ có các chính sách chung như mọi KCN bình thường.

 Về chính sách thuế, KKT mở Chu Lai hưởng mức thuế ưu đãi ngang với địa bàn có điều kiện kinh tế –xã hội đặc biệt khó khăn (tức tương đương với huyện Núi Thành ngay bên ngoài tường rào KKT mở), cao hơn mức thuế của các KKT thành lập sau đó, nên không có sức hút đối với các nhà đầu tư. So sánh những ưu đãi về thuế, nhà đầu tư có thể sẽ chọn Dung Quất thay vì đến Chu Lai, bởi lẽ 2 KKT này cách nhau chỉ khoảng 60km. Điều này đã tạo nên sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các KKT gần nhau.

Cũng cần nói thêm về mô hình quản lý của các KKT. Trong khi Ban quản lý KKT Dung Quất trực thuộc Trung ương thì BQL các KKT khác lại trực thuộc tỉnh, trong khi KKT nào cũng có những dự án mang ý nghĩa quốc gia? Các KKT được thành lập từ một quyết định của Thủ tướng Chính phủ trong khi đó vận hành phát triển các KKT lại hoàn toàn phụ thuộc vào các văn bản pháp luật.

Các nhà đầu tư đương nhiên sẽ hoạt động theo luật mà như vậy thì cũng như cả nước, không có nét đặc trưng của KKT. Quyết định số 108/2003 của Thủ tướng Chính phủ cho phép BQL KKT mở Chu Lai được trực tiếp cấp đăng ký kinh doanh, cho phép nhà đầu tư nước ngoài được đầu tư kinh doanh dịch vụ viễn thông quốc tế theo lộ trình hội nhập… Tuy nhiên, nội dung này không thể thực hiện được do ràng buộc các quy định khác của pháp luật.

Việt Nam đang phấn đấu trở thành một nước công nghiệp vào năm 2020, trong đó có việc tăng tốc và mở rộng phát triển các KKT. Mô hình kinh tế này bước đầu đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, nhưng muốn phát huy hiệu quả của các KKT, cần có quy hoạch khoa học và sự điều chỉnh thống nhất chung cho các KKT trong cả nước. 

LÊ PHONG

Tin cùng chuyên mục