Trước hiện tượng chạy đua tăng lãi suất huy động vốn

Ngân hàng sa lầy, doanh nghiệp nặng nợ

DỊU NGÂN
Ngân hàng sa lầy, doanh nghiệp nặng nợ

Từ đầu năm đến nay, không chỉ các ngân hàng quốc doanh mà hầu hết các ngân hàng cổ phần đều đã đồng loạt công bố tăng lãi suất huy động. Cuộc đua thu hút vốn nhàn rỗi đang ngày càng tạo áp lực lớn lên lãi suất đầu ra cho khách hàng.

Bội thu huy động, lãi suất tăng: Có phá giá nhau?

Ngân hàng sa lầy, doanh nghiệp nặng nợ ảnh 1
Các ngân hàng ngày càng có nhiều “chiêu” thu hút khách hàng gửi tiền.

Từ đầu năm nay các hoạt động tín dụng ngân hàng trên địa bàn TPHCM có tốc độ tăng trưởng không cao so với các năm trước đây.

Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh TPHCM, 8 tháng đầu năm 2006 tổng dư nợ tín dụng ước đạt 205.731 tỷ đồng, tăng 17,05% so với đầu năm; trong khi huy động vốn tiếp tục đạt tốc độ tăng trưởng cao, đạt trên 238.916 tỷ đồng, tăng 26,5%.

Điều này cho thấy tình trạng vốn của các NH vẫn còn dư thừa, cung cầu vốn ở mức bình thường, nhưng lãi suất huy động trên thị trường vẫn tăng cao. So với đầu năm, lãi suất huy động tiền đồng của các NH trên địa bàn TPHCM tăng từ 0,24 - 0,84%/năm (tùy theo từng kỳ hạn), dao động từ 8 - 9,72%/năm; riêng lãi suất huy động USD có tốc độ tăng nhanh hơn, mức tăng 0,45 - 0,7%/năm, dao động từ 4 - 4,8%/năm.

Không chỉ tăng lãi suất, các NH còn cạnh tranh huy động vốn bằng nhiều hình thức khác nhau, từ phát hành kỳ phiếu, khuyến mãi, tiết kiệm dự thưởng (trúng vàng, xe hơi, nhà..) đến “chiêu” chia nhỏ các kỳ hạn gửi, cho rút tiền trước hạn khi gửi có kỳ hạn...

Theo Tổng giám đốc một NH TMCP, các NH bước vào cuộc đua lãi suất không phải do đang thiếu vốn mà thực tế đang phá giá nhau. Với quan niệm “nước lên là thuyền phải lên” nhiều NH tăng lãi suất khiến cho các NH khác cũng phải tăng theo để giữ khách, nếu không khách hàng sẽ rút tiền đi gửi NH khác.

Cuộc đua lãi suất không lành mạnh

Mặc dù hiện nay lãi suất đã được tự do hóa, tức lãi suất hình thành trên cơ sở thỏa thuận giữa người đi vay và người cho vay, giữa người gửi tiền với người huy động vốn là các NH nhưng việc lãi suất huy động ngày càng cao, chắc chắn sẽ tạo gánh nặng lớn lên lãi suất đầu ra.

Đầu năm 2005 lãi suất vay vốn tiền đồng khoảng 1%/tháng, nay đã tăng lên 1,1 - 1,2%/tháng. Như vậy một khách hàng vay 300 triệu đồng thì số tiền lãi phải trả sẽ tăng thêm từ 300.000 - 600.000 đồng/tháng. Khách hàng đang vay cũng phải chịu sự điều chỉnh lãi suất tăng thêm của NH từ 0,1-0,2%/tháng.

Theo các chuyên gia, những tháng còn lại trong năm 2006, nhu cầu vốn của các doanh nghiệp sẽ tăng cao. Để đảm bảo nguồn vốn đáp ứng nhu cầu vay, các NH thường phải tìm mọi cách để tăng vốn huy động và tăng lãi suất. Nhiều NH cho biết từ đầu năm 2006 đến nay đã tăng lãi suất huy động 2-3 lần, nhưng lãi suất cho vay thì chỉ mới tăng 1-2 lần.

Với áp lực tăng lãi suất huy động như hiện nay, việc tiếp tục điều chỉnh tăng lãi suất cho vay trong thời gian tới là khó tránh khỏi. Như vậy thời gian tới khách hàng vay vốn sẽ gặp không ít khó khăn vì phải chịu thêm chi phí lãi suất bên cạnh giá cả hàng hóa ngày càng leo thang.

Ông Trần Ngọc Minh, Giám đốc NHNN Chi nhánh TPHCM cho rằng: “Cạnh tranh là động lực phát triển của các NH hiện nay. Tuy nhiên cũng cần hạn chế hiện tượng cạnh tranh về lãi suất để thu hút tiền gửi của khách hàng, tránh nguy cơ sa lầy vào một cuộc đua lãi suất không lành mạnh. Vì chính điều này sẽ làm giảm hiệu quả chung của hoạt động NH và người phải gánh chịu cuối cùng là các doanh nghiệp và nền kinh tế…”.

DỊU NGÂN

 

Tin cùng chuyên mục