Đạo kinh doanh của người Việt

Những thông điệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh (*)

Chính sách mở cửa và hợp tác

Chính sách mở cửa và hợp tác

Chúng ta sẽ ngạc nhiên khi nghiên cứu những thông điệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh liên quan đến chính sách đối ngoại nói chung, chính sách kinh tế đối ngoại nói riêng được đưa ra ngay sau khi nước Việt Nam độc lập ra đời.

“Đối với các nước dân chủ, nước Việt Nam sẵn sàng thực thi chính sách mở cửa và hợp tác trong mọi lĩnh vực: nước Việt Nam dành sự tiếp nhận thuận lợi cho đầu tư của các nhà tư bản, nhà kỹ thuật nước ngoài trong tất cả các ngành kỹ nghệ của mình – Nước Việt Nam sẵn sàng mở rộng các cảng, sân bay và đường sá giao thông cho việc buôn bán và quá cảnh quốc tế dưới sự lãnh đạo của Liên hiệp quốc – Nước Việt Nam sẵn sàng ký kết với các lực lượng hải quân, lục quân trong khuôn khổ của Liên hiệp quốc những hiệp định an ninh đặc biệt và những hiệp ước liên quan đến việc sử dụng một vài căn cứ hải quân và không quân …” (Hồ Chí Minh toàn tập, tập 4, tr.470).

Trong văn kiện này không chỉ là một thông điệp chính trị, ngoại giao mà còn là một đường lối kinh tế với một thuật ngữ mà đến nay vẫn còn mang giá trị thời sự. Đó là đường lối “mở cửa” với một tầm kích có thể nói là “hết cỡ”.

Mở cửa một cách chủ động, rõ ràng đường lối này không chỉ là sự ứng phó những mối đe dọa từ bên ngoài tới (trực tiếp là thực dân Pháp) bằng một chính sách “quốc tế hóa” theo những nguyên tắc mà Liên hiệp quốc mới ra đời đã xác lập sau Thế chiến II. Và trong chính sách “quốc tế hóa” chứa đựng một nhân tố mới “Việt Nam chủ trương độc lập hoàn toàn và hợp tác toàn diện với Hoa Kỳ” (Hồ Chí Minh-1946).

Trên cơ sở một chính sách mang tính đối ngoại như vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng xác lập quan điểm hội nhập kinh tế toàn diện với thế giới, không những đặt nhiều kỳ vọng vào Hoa Kỳ, một quốc gia giàu tiềm lực mà ngay cả với nước Pháp vừa mất vị thế là kẻ cai trị thuộc địa.

Trong nhiều phát biểu, người đứng đầu Nhà nước Việt Nam độc lập hứa hẹn trải thảm đỏ cho các nhà tư bản, kỹ sư, nhà đầu tư chứ không phải là các đô đốc, tướng lĩnh của nước Pháp vào Việt Nam. Việt Nam sẵn sàng có những chính sách ưu đãi và chia sẻ lợi ích, lợi nhuận với giới chủ của Pháp… Khi nước Việt Nam bước sâu vào cuộc đổi mới, những tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về phát triển kinh tế mới được xác lập lại trong bối cảnh của cuộc hội nhập toàn cầu.

Bàn về Đạo kinh doanh của người Việt

“Bàn về Đạo kinh doanh của người Việt” vào thời điểm này thật có ý nghĩa. Nó không chỉ tìm những giá trị mới cho doanh nhân nước ta trong cuộc phấn đấu đầy cơ hội và thách thức này, mà nó còn là dịp để chúng ta nhìn nhận được con đường hình thành những tư tưởng kinh tế của một dân tộc chậm bước vào sân chơi kinh tế toàn cầu nhưng không phải không có những giá trị mang tính truyền thống.

Ở đây là chủ nghĩa dân tộc và năng lực hội nhập. Với một dân tộc tồn tại bên một quốc gia, một nền văn minh, trong đó có cả “văn minh thương mại” như Trung Hoa, người Việt Nam vừa phải cố kết để gìn giữ những giá trị văn hóa riêng vừa có năng lực tiếp nhận một cách sâu sắc nền văn minh phương Bắc. Người Việt dùng chữ Hán cả ngàn năm nhưng cũng dùng ngôn ngữ ấy để chuyển tải tư tưởng tự chủ của mình.

Cũng như ở thời cận đại, Việt Nam từng trở thành quốc gia “nói tiếng Pháp” (francophone) nhưng lại ăn bằng đũa và tiếp đó là dùng “chữ quốc ngữ” (một ảnh hưởng sâu đậm của hệ La Tinh) để loại trừ chữ Hán ra khỏi đời sống xã hội…

Có thể nói rằng “chủ nghĩa dân tộc” và “năng lực hội nhập” là hai đặc trưng mang tính truyền thống cũng là bản lĩnh được tích tụ trong lịch sử của dân tộc và nó cũng được hội tụ trong tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong đó có những quan điểm về kinh tế.

Những nhân tố ấy lại hoàn toàn coi là cơ sở cho một quan niệm về “đạo kinh doanh” mà chúng ta đang bàn tới và cũng rất gần với nội hàm mà những người chủ trì cuộc hội thảo này đã phác thảo: “Kinh doanh nghĩa là dùng sản phẩm hay dịch vụ của mình như phương tiện để giải quyết những vấn đề của xã hội và làm cho cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn”.

Khi mà cuộc hội nhập toàn cầu không dẫn đến sự tiêu tan của các dân tộc, các giá trị của cộng đồng văn hóa thì đương nhiên chủ nghĩa dân tộc cũng như năng lực hội nhập vẫn là hai nhân tố vừa thúc đẩy sự phát triển chung của nhân loại trên cơ sở sự cạnh tranh lành mạnh giữa các quốc gia, dân tộc.

Nói cách khác, “đạo kinh doanh” chính là năng lực hướng các hoạt động kinh doanh vào mục đích phục vụ lợi ích con người, hiểu theo nghĩa rộng là môi trường tồn tại của loài người (bao gồm cả môi trường tiện nghi, môi trường văn hóa và môi trường sinh thái).


(*) Đầu đề do Báo SGGP đặt.

- Bài trích trong tham luận Hội thảo bàn về “Đạo kinh doanh của người Việt”-TPHCM 27-7-2007.

Dương Trung Quốc

Tin cùng chuyên mục