Đạm Phú Mỹ thích... lãng phí ?!

Hàng ngàn cổ đông và một số lãnh đạo Công ty cổ phần Phân đạm và hóa chất dầu khí (Đạm Phú Mỹ) đang “nhảy dựng” lên sau khi Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PetroVN) vừa có văn bản yêu cầu chuyển giao 28 ha “đất vàng” của công ty cho đơn vị khác trong ngành sử dụng. Mảnh đất để lãng phí hàng chục năm này đang tác động đến tâm lý của cổ đông và giá cổ phiếu của Đạm Phú Mỹ.
Đạm Phú Mỹ thích... lãng phí ?!

Hàng ngàn cổ đông và một số lãnh đạo Công ty cổ phần Phân đạm và hóa chất dầu khí (Đạm Phú Mỹ) đang “nhảy dựng” lên sau khi Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PetroVN) vừa có văn bản yêu cầu chuyển giao 28 ha “đất vàng” của công ty cho đơn vị khác trong ngành sử dụng. Mảnh đất để lãng phí hàng chục năm này đang tác động đến tâm lý của cổ đông và giá cổ phiếu của Đạm Phú Mỹ.

  • Lý của cổ đông Phú Mỹ

Theo Đạm Phú Mỹ, 28 ha đất này là một phần tài sản của công ty đã  được công bố trong bản cáo bạch khi công ty chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng vào tháng 4-2007. Ngày 23-8, Chủ tịch Tập đoàn PetroVN Đinh La Thăng đã ký văn bản yêu cầu Đạm Phú Mỹ làm các thủ tục bàn giao quyền sử dụng 8 ha đất cho Công ty cổ phần Dịch vụ - du lịch dầu khí để triển khai dự án sản xuất cồn sinh học ethanol. Theo tinh thần của văn bản này thì 20 ha đất còn lại, các đơn vị trong ngành của PetroVN có nhu cầu đăng ký đầu tư xây dựng sẽ đệ trình kế hoạch, phương án sử dụng lên tập đoàn với mục đích là để sử dụng khu đất có hiệu quả hơn. Ngày 12-9, PetroVN lại tiếp tục có một công văn đốc thúc công ty triển khai bàn giao 8 ha đất.

Dây chuyền sản xuất phân urê ở Nhà máy Đạm Phú Mỹ. Ảnh: Thành Tâm

Dây chuyền sản xuất phân urê ở Nhà máy Đạm Phú Mỹ. Ảnh: Thành Tâm

Tuy nhiên, trao đổi với PV SGGP, nhiều cổ đông của Đạm Phú Mỹ cho rằng việc làm trên của PetroVN là “rút ruột” tài sản của công ty. Vì tại thời điểm cổ phần hóa 28 ha đất nói trên là một phần trong khối tài sản của công ty.  Thêm nữa, việc làm trên của PetroVN Việt Nam là “ỷ thế cổ đông lớn, ép cổ đông nhỏ” (PetroVN chiếm 60% cổ phần, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam chiếm 5% cổ phần của Đạm Phú Mỹ). Theo một số cổ đông, vụ lình xình 28 ha đất đã ảnh hưởng đến tâm lý của họ và tác động đến giá cổ phiếu của Đạm Phú Mỹ. Một số thành viên trong ban lãnh đạo Đạm Phú Mỹ cũng tỏ ý “bất phục” việc làm của PetroVN.

  • PetroVN: mục đích lớn nhất là chống lãng phí

Vậy, thực chất của việc làm trên là như thế nào? Chiều qua, 15-9, trao đổi với PV SGGP, Chủ tịch HĐQT PetroVN Đinh La Thăng cho biết sở dĩ lãnh đạo tập đoàn có công văn nói trên là nhằm tránh tình trạng sử dụng lãng phí 28 ha đất công nghiệp rất có giá trị nhưng đã gần 10 năm nay chưa sử dụng.

28 ha đất nói trên thuộc trên 40 ha đất của dự án xây dựng Nhà máy Đạm Phú Mỹ do PetroVN lập dự án. Theo dự án ban đầu, trên khu đất này sẽ xây dựng 2 nhà máy sản xuất đạm. Tuy nhiên, sau đó, Chính phủ đã quyết định sẽ đầu tư xây dựng nhà máy phân đạm thứ hai ở Cà Mau nên đất chưa được sử dụng. “Tập đoàn đã nhiều lần yêu cầu Đạm Phú Mỹ phải lập phương án sử dụng hiệu quả 28 ha đất còn lại, không được tiếp tục để trống, lãng phí. Tuy nhiên, công ty chậm triển khai chỉ đạo của tập đoàn. Gần đây, công ty đã đưa ra một số phương án thiếu khả thi, mang tính chất đối phó”, bà Phan Thị Hòa, Ủy viên HĐQT Tập đoàn Dầu khí quốc gia nói. Trong khi đó, nhiều đơn vị khác trong ngành lại đang gặp rất nhiều khó khăn về địa điểm xây dựng nhà máy.

Theo bà Hòa, việc cổ đông nói tập đoàn rút ruột Đạm Phú Mỹ là không chính xác. Trên thực tế, quyền sử dụng 28ha đất  của Đạm Phú Mỹ, thuộc tài sản của công ty. “Nếu có chuyển giao cho đơn vị nào khác thì đơn vị đó vẫn phải có trách nhiệm hoàn trả các khoản chi phí như tiền thuê đất cho Công ty cổ phần Phân đạm và hóa chất dầu khí”, bà Hòa khẳng định. Theo bà, có thể do cách sử dụng câu chữ khi truyền đạt ý kiến của lãnh đạo tập đoàn và cổ đông chưa hiểu rõ sự việc, nhưng thực chất chủ trương lớn nhất của tập đoàn là không được để lãng phí khu đất công nghiệp rất có giá trị, đã đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng này.

Do đó, nếu chuyển nhượng quyền sử dụng 28 ha đất cho đơn vị khác sẽ mang lại hiệu quả kép: Đạm Phú Mỹ vừa tránh được lãng phí, vừa thu được tiền chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Đơn vị được chuyển giao, thuê lại cũng có lợi. “Xưa nay Đạm Phú Mỹ được Chính phủ và lãnh đạo tập đoàn  dành nhiều ưu đãi về giá mua khí, mặt bằng sản xuất. Nay, không lẽ vì thấy mình đã “giàu” mà Đạm Phú Mỹ có quyền lãng phí?”, bà Hòa nói

NAM QUỐC

Tin cùng chuyên mục