Quảng cáo trên xe buýt tại TPHCM: Chờ… chủ trương

Bỏ phí trên 100 tỷ đồng/năm
Quảng cáo trên xe buýt tại TPHCM: Chờ… chủ trương

Mỗi năm, ngân sách TPHCM phải chi hàng trăm tỷ đồng để “nuôi” xe buýt, thế nhưng một nguồn thu không nhỏ từ quảng cáo trên xe buýt lại chưa được phép khai thác để giảm bớt gánh nặng cho ngân sách.

Điều nghịch lý, trong khi hàng ngàn xe buýt TPHCM không được phép quảng cáo thì xe buýt các tỉnh chạy qua TP lại được phép quảng cáo và xuất hiện hàng ngày trên đường…

Bỏ phí trên 100 tỷ đồng/năm

Theo số liệu của Sở GTCC TPHCM, hiện tại TPHCM có 150 tuyến xe buýt hoạt động với trên 3.200 xe buýt. Theo các đơn vị quảng cáo, tại các địa phương khác, các doanh nghiệp phải bỏ ra 2.000 - 3.000 USD/năm/xe (tùy loại xe) để được quảng cáo bên ngoài thân xe buýt.

Tại TPHCM, nếu được phép quảng cáo ở bên ngoài thân xe buýt, mức giá còn có thể cao hơn.

Thạc sĩ Lê Trung Tính, Trưởng phòng Vận tải và Công nghiệp (Sở GTCC TPHCM), cho biết, theo tính toán, nếu cho phép quảng cáo bên ngoài thân xe buýt loại lớn (từ 40 chỗ trở lên) theo đơn giá của một số đơn vị quảng cáo đề xuất, số tiền thu được ít nhất cũng trên 100 tỷ đồng/năm. Đây là số tiền không nhỏ để trợ giá cho xe buýt, nhất là trong khi ngân sách đang phải liên tục tăng tiền trợ giá cho xe buýt do phải bù trượt giá nhiên liệu.

Quảng cáo trên xe buýt tại TPHCM: Chờ… chủ trương ảnh 1

Lượng xe buýt khá lớn và phạm vi hoạt động rộng khắp tạo điều kiện thuận lợi thu hút quảng cáo. Ảnh: HOÀNG ANH THƯ

Một đơn vị tham gia hoạt động xe buýt tại TPHCM cho biết, hiện có rất nhiều đơn vị quảng cáo đến đặt vấn đề quảng cáo trên xe buýt với giá 50 triệu đồng/năm/xe (80 chỗ) và 38 triệu đồng/năm/xe (55 chỗ). Tuy nhiên, đơn vị này chỉ có thể ký hợp đồng quảng cáo trên các xe buýt mang biển số tỉnh và hoạt động ở những tuyến xe buýt liền kề, còn các xe buýt mang biển số TP hoạt động tại các tuyến của TP thì “không dám”.

Đơn vị này tính toán, nếu được phép quảng cáo, hơn 100 xe buýt loại 80 chỗ hiện đang hoạt động của đơn vị ít nhất cũng “mang về” mỗi năm 5 tỷ đồng. Nếu theo tỷ lệ ăn chia 50/50 (ngân sách một phần, chủ xe một phần) thì mỗi năm ngân sách cũng giảm được 2,5 tỷ đồng tiền trợ giá cho số xe buýt nói trên.

Về hiệu quả của việc quảng cáo trên xe buýt, cách đây không lâu, một nhóm sinh viên Khoa Kinh tế - ĐHQG TPHCM đã có công trình khoa học nghiên cứu về vấn đề này. Theo đó, các doanh nghiệp đều muốn được quảng cáo trên xe buýt do chi phí thực hiện thấp, thời gian tồn tại lâu, phạm vi hoạt động lớn…

Theo kết quả thăm dò của nhóm sinh viên thực hiện công trình, có đến 84,49% lượt hành khách đồng tình với phương thức quảng cáo trên xe buýt. Riêng các công ty quảng cáo nhận định, nếu cho phép quảng cáo thì không chỉ có doanh nghiệp vừa và nhỏ mà nhiều nhãn hàng nổi tiếng cũng sẽ đăng ký quảng cáo.

Việc TPHCM không cho phép quảng cáo trên xe buýt coi như đã bỏ phí ít nhất trên 100 tỷ đồng/năm!

Vướng quy định...

Tại sao xe buýt TPHCM không được phép quảng cáo ở thân xe? Thực tế thì tại TPHCM hiện nay, chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp xe buýt các tuyến

liền kề từ TPHCM đi các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An… chạy trên đường phố với những bảng quảng cáo lớn của các thương hiệu như: Coca-Cola, LaVie, Kinh Đô, Motorola, Neptune, Red Bull, Orient... trên thân xe.

Một cán bộ Sở GTCC TPHCM cho biết, trước năm 2002, các xe buýt tại TPHCM vẫn được phép quảng cáo ngoài thân xe. Tuy nhiên, việc quảng cáo đã chấm dứt kể từ khi UBNDTP có ban hành quyết định cấm vào cuối năm 2002.

Cũng có ý kiến cho rằng, quảng cáo trên xe buýt sẽ làm mất mỹ quan đô thị và ảnh hưởng đến an toàn giao thông.

Tuy nhiên, trao đổi với chúng tôi, rất nhiều nhà khoa học, chuyên viên Ban ATGT đều cho rằng ý kiến trên hơi cường điệu. Một chuyên viên Ban ATGT cho rằng, chưa có khảo sát nào cho thấy tai nạn giao thông tại TPHCM gia tăng do ngắm quảng cáo trên xe buýt. Ngược lại, từ khi TPHCM cấm quảng cáo trên xe buýt đến nay tai nạn giao thông vẫn không giảm! Về mặt hình thức và mỹ quan, việc quảng cáo trên xe buýt – nếu có các quy định cụ thể, chặt chẽ – cơ quan chức năng sẽ không khó kiểm soát nhằm đảm bảo các vấn đề này.

Tại buổi làm việc với Ban Kinh tế - Ngân sách HĐNDTP mới đây, đại biểu Đặng Văn Khoa cho rằng, không thể cứ để gánh nặng trợ giá xe buýt trên vai ngân sách TP mãi được.

“Tại sao chúng ta không tìm cách khai thác các nguồn thu quảng cáo. Mà không những quảng cáo bên ngoài thân xe mà có thể quảng cáo cả trong xe buýt. Tại sao chỉ mỗi TPHCM là cấm quảng cáo trên xe buýt, trong khi các nước phát triển vẫn làm, các tỉnh thành cũng làm? Nếu quảng cáo trên xe buýt đúng luật, giảm được gánh nặng trợ giá cho xe buýt, các chủ xe, doanh nghiệp đều đồng thuận thì tại sao không làm?” - ông Khoa đặt câu hỏi.

Theo tìm hiểu của PV Báo SGGP, Pháp lệnh Quảng cáo (ban hành ngày 16-11-2001) không có điều khoản nào cấm quảng cáo trên các phương tiện vận tải, vận chuyển hành khách công cộng. Ngược lại, “phương tiện giao thông, vật thể di động” được coi như phương tiện quảng cáo (tại khoản 8 điều 9 chương II). Trong khi đó, Quyết định số 108/2002/QĐ-UB do UBND TPHCM ban hành tại khoản 9 điều 4 chương II quy định: “Cấm quảng cáo trên các phương tiện vận tải, vận chuyển hành khách công cộng”.

Trao đổi với PV Báo SGGP, Phó Giám đốc Sở GTCC TPHCM Dương Hồng Thanh thừa nhận, nếu cho phép quảng cáo trên xe buýt thì sẽ giảm được gánh nặng cho ngân sách về trợ giá. Sở GTCC hiện đã xây dựng xong đề án quảng cáo trên xe buýt và nhiều lần kiến nghị nhưng đến nay vẫn chưa có văn bản chính thức cho phép.

Theo ông Thanh, mới đây UBNDTP đã có văn bản gửi Thường trực Thành ủy TPHCM về chủ trương quảng cáo trên xe buýt. Nếu được chấp thuận, ngay trong năm 2008, Sở GTCC sẽ triển khai thí điểm trên phạm vi hẹp và từ năm 2009 sẽ áp dụng đại trà trên tất cả tuyến.

Hồ Thu

Tin cùng chuyên mục