TS Trần Du Lịch, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội: Sớm ban hành khung pháp lý cho các hình thức đầu tư công - tư

Sau khi Báo SGGP đăng loạt bài 2 kỳ về tình hình xã hội hóa (XHH) đầu tư cơ sở hạ tầng (CSHT) ở TPHCM (SGGP số ra ngày 21 và 22-9-2009) còn nhiều truân chuyên, TS Trần Du Lịch (ảnh), Phó Trưởng đoàn ĐBQH TPHCM, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của QH, đã cho biết những ý kiến tâm huyết.
TS Trần Du Lịch, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội: Sớm ban hành khung pháp lý cho các hình thức đầu tư công - tư

Sau khi Báo SGGP đăng loạt bài 2 kỳ về tình hình xã hội hóa (XHH) đầu tư cơ sở hạ tầng (CSHT) ở TPHCM (SGGP số ra ngày 21 và 22-9-2009) còn nhiều truân chuyên, TS Trần Du Lịch (ảnh), Phó Trưởng đoàn ĐBQH TPHCM, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của QH, đã cho biết những ý kiến tâm huyết.

PV: Ông đánh giá thế nào về những thành quả sau khoảng 10 năm triển khai XHH đầu tư CSHT ở TPHCM?

TS TRẦN DU LỊCH: Dù còn bàn cãi, có thể có nhiều người cho rằng kết quả thu được còn hạn chế, nhưng theo tôi TPHCM cũng đã làm tốt so với các địa phương khác. Bởi TP triển khai XHH trong hoàn cảnh là “người tiên phong”, phải “dò dẫm đường đi nước bước”, phải sáng tạo và linh hoạt, rất cân nhắc khi ra một quyết sách về đầu tư ở hình thức này. Do đó, khi từ cấp Chính phủ đến thành phố đều chưa có các quy định liên quan thì những công trình “gặt” được là đáng khích lệ.

Có ý kiến cho rằng “tốc độ” thực hiện XHH đầu tư chưa như ý là do năng lực cán bộ quản lý và điều hành của chúng ta chưa đáp ứng được yêu cầu?

Tôi cho rằng vấn đề nằm ở chuyện giao công việc, con người, mốc thời gian và trách nhiệm như thế nào bởi khi giao dự án thì cấp thẩm quyền đã có tính toán là doanh nghiệp (DN) có làm nổi hay không. Hơn nữa, quy trình thủ tục đầu tư do TPHCM ban hành cũng xuất phát từ tham mưu của cấp sở ban ngành. Do vậy, sự chậm trễ nằm ở khâu chỉ đạo, tổ chức quản lý chứ không phải do thiếu người.

Tuy vậy, dù XHH, nhà nước không phải bỏ tiền ra nhưng nhà nước càng phải có trách nhiệm lớn hơn. Nếu dùng vốn ngân sách thì không tính hiệu quả được và khó đánh giá, nhưng nếu thực hiện hình thức đầu tư công - tư (PPP) thì nhà nước có trách nhiệm phải tính hiệu quả đầu tư cho tư nhân. Lúc đó, phương thức, trình độ và yêu cầu quản lý còn cao hơn. Và tất nhiên, đòi hỏi về năng lực của con người cho quản lý sẽ phải tương xứng hơn!

Làm thế nào khắc phục tình trạng DN phải mất quá nhiều thời gian, công sức và chi phí khi triển khai dự án?

Có thể khẳng định rằng dự án BOT nào cũng “có vấn đề”, lúc thì nằm ở phía nhà nước, khi thì thuộc DN. Do vậy, tiến độ thực hiện dự án kéo dài, gây thiệt hại không nhỏ cho DN.

Để giảm thiểu những trắc trở đó thì trước hết cần có được bộ hợp đồng BOT chuẩn với các điều khoản rõ ràng về quyền lợi, nghĩa vụ của đôi bên và chế tài khi vi phạm. Không những vậy, nhà nước không thể thụ động chờ DN đưa dự án lên để phán đoán phù hợp hay chưa mà nhà nước phải sòng phẳng với DN.

Nhà nước phải chuẩn bị một số luận chứng kinh tế để kêu gọi DN tham gia đầu tư rồi giao trách nhiệm “cộng sinh” cùng DN thực hiện dự án từ những ngày đầu cho cơ quan nào đó với mốc thời điểm trình dự án cụ thể. Không thể để tình cảnh DN “tự bơi”, tự phát làm và tự gánh chịu hết chi phí, chính quyền phải bố trí một khoản ngân sách cho khâu chuẩn bị dự án cùng DN (khoản ngân sách này được phép chi vì đã có trong quy định).

Vậy theo ông, chúng ta đang thiếu cái gì để thúc đẩy chủ trương XHH đầu tư nhanh và đạt kết quả như kỳ vọng?

TPHCM nên sớm kiến nghị để trung ương xem xét và ban hành các quy định về quản lý phương thức PPP. Trong đó, quyền và nghĩa vụ cùng chế tài xử lý phải thật cụ thể và rõ ràng, tránh để xảy ra chuyện “đổ thừa” trách nhiệm khi xảy ra “sự cố”; nhất là làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị.

Vấn đề tài chính ở các dự án PPP cần phải được lưu ý nhiều hơn nữa bởi lâu nay chúng ta buông lỏng khâu này. Dù không phải dùng vốn ngân sách nhưng dự án PPP lại gắn kết đến nhà nước nên cần có quy định quản lý; phải có kiểm toán độc lập dòng vốn đầu tư và có cơ chế giám sát được dòng tiền của dự án chứ không thể để DN tự khai.

Ngoài ra, nên “nâng cấp” chỉ tiêu thời gian hoàn thành dự án trong tiêu chuẩn lựa chọn nhà đầu tư. Tài chính chiếm vị trí hàng đầu trong tiêu chí đấu thầu đã lạc hậu, tiêu chí thời gian cần có vai trò ngang hoặc cao hơn chỉ tiêu tài chính nếu thấy hợp lý.

HOÀNG LIÊM - NGUYỄN KHOA (thực hiện)

 Tin bài liên quan:

>>> Xã hội hóa đầu tư cơ sở hạ tầng - Bài 1: Trắc trở vì đi đầu!

>>> Xã hội hóa đầu tư cơ sở hạ tầng - Bài 2: Hoàn thiện thủ tục đầu tư

Tin cùng chuyên mục