Xung quanh loạt bài “Bất cập trong kinh doanh vận tải hàng không”: Sai thì phải sửa

Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải
Xung quanh loạt bài “Bất cập trong kinh doanh vận tải hàng không”: Sai thì phải sửa

Như các số báo trước chúng tôi đã đăng tải, loạt bài “Bất cập trong kinh doanh vận tải hàng không” đã thu hút sự quan tâm sâu rộng của dư luận xã hội, của cơ quan quản lý nhà nước và của các chuyên gia kinh tế, trong số báo hôm nay, chúng tôi tiếp tục đăng tải các ý kiến để bạn đọc cùng tham khảo…

Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải PHẠM QUÝ TIÊU:
JPA cần phải xây dựng biểu tượng thương hiệu riêng

Theo hiệp định vận chuyển hàng không đã ký giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Australia thì các hãng hàng không của 2 nước không được phép tham gia vận chuyển nội địa mà chỉ được khai thác các chuyến bay trên các đường bay quốc tế theo quy định và được thống nhất giữa 2 quốc gia.

Hiện nay, thị trường vận chuyển hàng không nội địa của Việt Nam có 6 hãng hàng không đã và đang tham gia vận chuyển nội địa. Nếu cho phép Jetstar Pacific Airlines (JPA) được sử dụng biểu tượng, thương hiệu nước ngoài thì các hãng hàng không khác của Việt Nam cũng sẽ hợp tác với các hãng hàng không nước ngoài để tăng cường năng lực cạnh tranh, vốn và thương hiệu. Và như vậy, trong trường hợp này thị trường vận chuyển hàng không của Việt Nam, đặc biệt là thị trường nội địa có nguy cơ trở thành thị trường vận chuyển hàng không chung cho các hãng hàng không nước ngoài.

Chính vì lý do trên, Bộ Giao thông vận tải đã đề xuất phương án là: Yêu cầu JPA phải xây dựng biểu tượng theo nguyên tắc là biểu tượng của riêng JPA, không thể hiện sự trùng lắp với biểu tượng của bất kỳ một hãng hàng không nào khác. Và Bộ Giao thông vận tải sẽ sửa đổi, bổ sung giấy phép kinh doanh cho JPA sau khi JPA đã đáp ứng đầy đủ các điều kiện nêu trên về biểu tượng.

Nữ tiếp viên JPA trong ngày lễ ra mắt thương hiệu Jetstar tháng 5-2008. Ảnh: VIỆT DŨNG

Nữ tiếp viên JPA trong ngày lễ ra mắt thương hiệu Jetstar tháng 5-2008. Ảnh: VIỆT DŨNG

Chuyên gia kinh tế PHẠM CHI LAN: Chuyển tên thành Jetstar là không hợp lý

Các doanh nghiệp nhà nước nói chung khi làm ăn thua lỗ đều ảnh hưởng đến nền kinh tế của đất nước, bởi lẽ họ được nhà nước giao trọng trách kinh doanh trong những lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế, được nhà nước đầu tư lượng vốn lớn… Nhưng khi họ làm ăn thua lỗ nghĩa là mục tiêu thương mại của nhà nước không đạt, tài nguyên mà đất nước giao cho họ đã không được sử dụng tốt.

Lâu nay, không ít các doanh nghiệp nhà nước được giao trọng trách kinh doanh trong những lĩnh vực trọng yếu, nhưng lĩnh vực đó không phát triển, không nâng cao sức cạnh tranh, hiệu quả kinh doanh trên tổng vốn rất thấp, có thể thu nhập tăng, vốn tăng do họ bán đi một phần tài sản của doanh nghiệp. Điều này đã được các cơ quan chính phủ, quốc hội rất quan tâm và đưa ra nhiều biện pháp nhưng nhìn chung đến nay vẫn chưa khắc phục được nhiều. Theo tôi, chính phủ cần có biện pháp mạnh hơn nữa đối với các doanh nghiệp nhà nước làm ăn không hiệu quả.

Riêng đối với JPA, theo tôi trước tiên cần nhìn ở góc độ pháp lý, một hãng hàng không mang thương hiệu nước ngoài có được phép bay trên các tuyến nội địa hay không? Nếu không được phép thì cần chấn chỉnh. Không nên tạo tiền lệ vì như thế các hãng hàng không nước ngoài sẽ đòi quyền bay trên các tuyến nội địa của Việt Nam.

Theo tôi biết, luật hàng không các nước luôn giữ tuyến bay nội địa cho các hãng hàng không trong nước. Vấn đề thứ hai là hiện nay tỷ lệ góp vốn của phía Việt Nam tại JPA là 70% phía đối tác 30% thì không thể chuyển tên và sử dụng thương hiệu của đối tác. Nếu lấy lý do muốn tạo uy tín từ thương hiệu của đối tác thì hãng hàng không này đã không trung thực với khách hàng và xã hội.

Chúng ta biết, PA là một thương hiệu của Việt Nam, được nhà nước xây dựng và bước đầu đã tạo sức cạnh tranh cho hàng không trong nước. Vẫn biết rằng, trong những năm đầu, PA gặp nhiều khó khăn có thể xuất phát từ việc cạnh tranh không lành mạnh với các hãng hàng không trong nước, nhưng PA có thể lên tiếng và vấn đề này có thể khắc phục được chứ không thể để tên một hãng hàng không nước ngoài vào. Theo tôi nếu chuyển tên hoàn toàn thành Jetstar mà mất đi Pacific Airlines là không hợp lý và không hợp lệ.

Tiến sĩ TRẦN DU LỊCH: Doanh nghiệp thua lỗ, chủ sở hữu vốn phải có ý kiến

Hiện nay, tình hình làm ăn thua lỗ ở các doanh nghiệp không phải là ít. Khi một doanh nghiệp kinh doanh liên tục thua lỗ thì các cổ đông, chủ sở hữu vốn ở doanh nghiệp đó cần phải lên tiếng, có ý kiến đóng góp, tìm giải pháp để chấn chỉnh hoạt động kinh doanh sao cho tốt hơn, hiệu quả hơn, chứ không nên để tình trạng kinh doanh thua lỗ kéo dài.

Riêng các vấn đề khác ở JPA mà Báo SGGP nêu, tôi nghĩ cứ theo đúng luật pháp mà làm. Nếu làm chưa đúng thì phải chấn chỉnh lại cho đúng. 

THU TUYẾT – CHIẾN DŨNG

Thông tin liên quan

Phản hồi loạt bài: “Bất cập trong kinh doanh vận tải hàng không”: Tiếng nói của những người lao động 

>> Các chuyên gia và cơ quan quản lý nói gì?

>> Bài 1: Những chuyện rắc rối xung quanh Jetstar Pacific

>> Bài 2: Khi tài nguyên quốc gia bị “chảy máu”

Tin cùng chuyên mục