Sau 3 năm gia nhập WTO: Nhiều cơ hội, lắm thách thức

Gia nhập WTO đánh dấu một thời kỳ phát triển mới của Việt Nam. 3 năm gia nhập WTO mang lại nhiều cơ hội song cũng không ít khó khăn, thách thức.
Sau 3 năm gia nhập WTO: Nhiều cơ hội, lắm thách thức

Gia nhập WTO đánh dấu một thời kỳ phát triển mới của Việt Nam. 3 năm gia nhập WTO mang lại nhiều cơ hội song cũng không ít khó khăn, thách thức.

Giảm 30% thủ tục hành chính

Nhận định về thành quả của VN sau 3 năm gia nhập WTO, không ai phủ nhận, đó là đầu tư toàn xã hội, đặc biệt là đầu tư khu vực dân doanh và đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tăng mạnh. Nếu năm 2006, vốn FDI cam kết chỉ đạt 12 tỷ USD, năm 2007 21 tỷ USD đến năm 2008 đã vọt lên tới 71 tỷ USD. Sang năm 2009, mức cam kết đầu tư đã giảm chỉ còn 21,4 tỷ USD. Trong bối cảnh khủng hoảng tài chính và suy giảm kinh tế toàn cầu, sản xuất trong nước gặp nhiều khó khăn kết quả thu hút, giải ngân vốn FDI năm 2009 được xem là điểm sáng trong bức tranh kinh tế. Như vậy, sau 3 năm gia nhập WTO, Việt Nam (VN) đã thu hút được hơn 114 tỷ USD vốn FDI, với hơn 4.000 dự án, cao hơn 4,5 lần so với mục tiêu giai đoạn 5 năm 2006-2010.

Đóng bao gạo xuất khẩu tại Công ty Foocosa. Ảnh: ĐỨC TRÍ

Đóng bao gạo xuất khẩu tại Công ty Foocosa. Ảnh: ĐỨC TRÍ

Kim ngạch xuất khẩu của VN cũng tăng rất mạnh. Hàng hóa của VN đã được mở rộng đến 150 quốc gia và vùng lãnh thổ. Nhiều nhóm hàng có thâm dụng lao động cao như dệt may, da giày, điện tử đã được hưởng lợi từ việc gia nhập WTO. Hàng hóa VN đã không bị phân biệt đối xử như trước, người tiêu dùng VN cũng đã có cơ hội để sử dụng nhiều mặt hàng ngoại nhập với mức giá rẻ hơn. Số liệu từ Bộ Công thương cho thấy, kim ngạch xuất nhập khẩu 2 năm 2008-2009 trung bình 150 tỷ USD/năm, tương đương với hơn 160% GDP của cả nước.

Bên cạnh những tác động hữu hình, gia nhập WTO đã làm cho nhận thức xã hội với nhu cầu hội nhập tăng đáng kể. Theo đó, vị thế của VN đã được thay đổi, kéo theo sự đổi mới mạnh mẽ về thể chế nhà nước. Hệ thống văn bản pháp luật ngày càng đồng bộ và Đề án 30 là minh chứng rõ nét cho quyết tâm cải cách thủ tục hành chính ở VN.

Theo nhận định của nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan, việc giảm 30% thủ tục hành chính VN đã làm được một phần là do sức ép của hội nhập. Mở cửa thị trường, xóa bỏ dần các rào cản thuế quan, áp dụng nguyên tắc không phân biệt đối xử, xóa bỏ bao cấp, công khai minh bạch chính sách đã giúp DNVN ngày càng lớn mạnh, từng bước hình thành những chuẩn mực trong kinh doanh.

Vẫn làm ăn theo quán tính

Có ý kiến cho rằng việc ban hành chính sách của VN trong 3 năm qua đã minh bạch hơn, nhưng vấn đề khó tiên liệu vẫn còn. Trong 2 năm 2007 và 2008, VN đã thực hiện cắt giảm thuế suất thuế nhập khẩu thịt cao hơn và nhanh hơn mức cam kết theo lộ trình. Việc cắt giảm thuế đột ngột và thiếu hàng rào kỹ thuật đã khiến thịt nhập khẩu ồ ạt tràn vào VN trong năm 2009. Hậu quả của chính sách thiếu chuyên nghiệp này làm nhiều hộ chăn nuôi bị phá sản, còn người tiêu dùng phải sử dụng thịt đông lạnh kém chất lượng.

Mặt khác, 3 năm vào WTO nhưng đến nay thông tin về các cam kết song phương và đa phương của VN đến với các DN còn rất hạn chế. Theo Bộ Công thương, hiện chỉ có 20% số DN biết tận dụng các lợi thế từ WTO mang lại như thuế quan, xuất xứ hàng hóa… Số còn lại chủ yếu làm theo quán tính. Điều này làm mất lợi thế cạnh tranh của sản phẩm VN trong quá trình thương thảo hợp đồng. Khi sản phẩm có tính cạnh tranh yếu sẽ kéo theo năng lực cạnh tranh quốc gia giảm.

Trong lĩnh vực tài chính, tiền tệ, việc dự báo và cách điều hành vĩ mô đã bộc lộ một số lúng túng. Hậu quả có khoảng 20% DN nhỏ và vừa đã bị phá sản vì không tiếp cận được với các nguồn vốn, khoảng 60% đang gặp khó khăn nhiều mặt. Đặc biệt không cân đối được đầu vào và đầu ra do giá nguyên liệu tăng cao và do thiếu vốn, số còn có khả năng thích nghi, tồn tại và đang phát triển. Nhiều ý kiến cũng cho rằng, những chính sách như vậy sẽ làm xói mòn lòng tin của DN.

Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan cho rằng, hiện VN đang đứng trước rất nhiều lựa chọn mà tự nó đã mâu thuẫn nhau. Đó là chọn lựa giữa tốc độ tăng trưởng và chất lượng. Chất lượng ở đây bao gồm cả năng suất, tính bền vững, ổn định vĩ mô, an sinh xã hội.

Mâu thuẫn ở chỗ, nếu ổn định vĩ mô phải thắt chặt tiền tệ nhưng sẽ khó phát triển. Nếu nới lỏng tiền tệ thì đạt mục tiêu tăng trưởng nhưng lại bất ổn vĩ mô.

Lựa chọn thứ 2, cân bằng giữa thị trường trong và ngoài nước. Hiện nay thị trường ngoài nước đang chiếm 60% GDP, nhưng nếu không tận dụng được thị trường trong nước chúng ta sẽ tạo điều kiện cho DN nước ngoài chiếm lĩnh thị trường, lãng phí tiềm năng của đất nước.

Lựa chọn thứ 3, can thiệp của nhà nước với điều tiết thị trường. Để thị trường thả lỏng quá, chúng ta sẽ không kiểm soát được, nhưng nếu thắt chặt sẽ khó cho các DN.

Ba năm là thành viên của WTO chưa đủ thời gian để VN hoàn toàn hội nhập với nền kinh tế thế giới. Vì vậy, cần phải nhận biết tốt hơn các quy luật của nền kinh tế thị trường, các thể chế thị trường cũng như các quy tắc của WTO, bằng không sẽ khó ứng xử một cách phù hợp.

Muốn phát huy được những thuận lợi, hạn chế khó khăn thách thức, các chuyên gia cho rằng, cần tăng tốc cải cách, nâng cao chất lượng tăng trưởng và năng lực cạnh tranh của các ngành, các DN.

HẢI HÀ

 

Tin cùng chuyên mục