Lãi suất sẽ giảm

Lãi suất sẽ giảm

Trong hai ngày 3 và 4-11, Chính phủ đã họp phiên thường kỳ tháng 10. Chiều 4-11, Văn phòng Chính phủ tổ chức họp báo.

  • Hỗ trợ thuế các doanh nghiệp khó khăn

Trả lời câu hỏi về việc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đề xuất tăng giá điện, ông Vũ Đức Đam thông tin, EVN đã có đề nghị tăng giá điện. “Nguyên tắc điều hành xăng dầu, điện, các mặt hàng thiết yếu... là phải bám sát mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định vĩ mô, nhưng về dài hạn phải tiến tới cơ chế thị trường. Chính phủ đã có lộ trình chủ động về giá điện”, ông Đam nói.

Tuy nhiên tại kỳ họp tháng 10 Chính phủ vẫn chưa bàn về việc tăng giá điện. “Chính phủ sẽ xem xét, bàn vào thời điểm thích hợp, nhưng Chính phủ cũng yêu cầu ngành điện công khai giá thành điện, kết quả sản xuất kinh doanh. Chắc chắn khi tăng giá điện sẽ có giải pháp đi kèm để hỗ trợ người nghèo, đảm bảo họ không chịu thiệt hơn, thậm chí phải lợi hơn”, ông Đam khẳng định.

Đánh giá về tình hình kinh tế - xã hội tháng 10 và 10 tháng năm 2011, Chính phủ cho rằng có những chuyển biến tích cực nhưng cũng còn nhiều khó khăn, thách thức. Chỉ số tăng giá tiêu dùng (CPI) tháng 10-2011 tăng 0,36%, là mức tăng thấp nhất kể từ đầu năm và là tháng thứ ba liên tiếp mức tăng giá dưới 1%. Nhập siêu tháng 10 đã giảm mạnh; nhập siêu 10 tháng năm 2011 xấp xỉ 10,8% thấp hơn nhiều so với mức phấn đấu đề ra (không quá 16%)… Tuy nhiên, CPI tuy đã giảm dần nhưng sức ép về lạm phát và tỷ giá còn rất lớn, lãi suất còn cao. Sản xuất kinh doanh đang gặp nhiều khó khăn, do thiếu vốn và hàng tồn kho lớn.


Về nhiệm vụ trong những tháng cuối năm, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ, các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục theo dõi sát tình hình để kịp thời điều hành linh hoạt, sát với thực tế, phấn đấu đạt mục tiêu kiềm chế lạm phát năm nay ở mức 18%, tạo tiền đề đưa lạm phát năm 2012 về mức 1 con số, đồng thời bảo đảm đạt mức tăng trưởng 6% trong năm 2011.

Chính phủ cũng nhấn mạnh tháo gỡ, thúc đẩy sản xuất kinh doanh. Đề xuất kéo dài thời gian thực hiện các chính sách hỗ trợ về thuế hiện nay cho doanh nghiệp. Chú trọng hỗ trợ thuế đối với doanh nghiệp khó khăn. Nâng cao khả năng tiếp cận vốn cho doanh nghiệp.

Theo ông Vũ Đức Đam, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Chính phủ sẽ sớm xem xét Đề án tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của khối DN này, mà trọng tâm là các tập đoàn kinh tế và tổng công ty nhà nước. Tiếp tục sắp xếp các chương trình đầu tư ngoài ngành của doanh nghiệp nhà nước, nhất là trong lĩnh vực ngân hàng, bất động sản.

  • Không để ngân hàng đổ vỡ

Tại phiên họp, vấn đề tái cơ cấu ngân hàng là điểm nóng được báo chí quan tâm nhiều nhất. Theo ông Vũ Đức Đam, Đề án tái cơ cấu hệ thống ngân hàng theo hướng nâng cao chất lượng hoạt động ngân hàng, tăng quy mô hợp lý, phù hợp với nền kinh tế, khắc phục những tồn tại, yếu kém của hệ thống ngân hàng sẽ được Chính phủ thảo luận trong thời gian tới. “Về nguyên tắc, cơ cấu ngân hàng theo hướng tăng quy mô hợp lý các ngân hàng, tăng hiệu quả hoạt động. Trong mọi trường hợp phải bảo đảm quyền lợi của khách hàng khi gửi tiền vào ngân hàng. Không để ngân hàng đổ vỡ, tiền gửi chính đáng của người dân không bị mất”, ông Vũ Đức Đam khẳng định.

Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam, Chính phủ đã giao Ngân hàng Nhà nước xem xét giảm lãi suất huy động, từ đó giảm lãi suất cho vay. Ảnh: THANH TÂM

Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam, Chính phủ đã giao Ngân hàng Nhà nước xem xét giảm lãi suất huy động, từ đó giảm lãi suất cho vay. Ảnh: THANH TÂM

Vừa qua, tại phiên thảo luận kinh tế - xã hội của Quốc hội, ĐB Nguyễn Bá Thanh (Bí thư Thành ủy Đà Nẵng) đã thông tin “gây sốc” về một số yếu kém trong hoạt động ngân hàng hiện nay. Ông Thanh phát biểu: “Một ngân hàng có vốn khoảng ngàn tỷ đồng, khi mới thành lập huy động thêm khoảng 10.000 tỷ nữa, sau đó nhẹ nhàng rút tiền của mình ra rồi lấy 10.000 tỷ của thiên hạ đi buôn bất động sản. Khi giá đất rớt thê thảm, đến hạn không có tiền trả lại cho người gửi, thế là ngân hàng đua nhau đẩy lãi suất huy động lên cao để có tiền; lấy tiền của người sau để trả cho người lấy trước, đẩy lạm phát lên cao”.

Về thông tin này, ông Nguyễn Đồng Tiến, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho rằng, thông tin đại biểu đưa ra không có địa chỉ xác thực. “Nếu có địa chỉ chúng tôi sẽ tiến hành kiểm tra ngay. Nhưng đây mới chỉ là thông tin chung chung, tuy nhiên đó cũng là gợi ý để Ngân hàng Nhà nước xem xét, kiểm tra”, ông Tiến nói.

Trả lời về những thông tin về một số ngân hàng hoạt động “ốm yếu” nhưng Ngân hàng Nhà nước vẫn “cứu”, ông Tiến cho rằng trong toàn hệ thống, về cơ bản các ngân hàng hoạt động ổn định, lành mạnh. “Nhưng cũng có bộ phận khó khăn, hiệu quả thấp, điều đó không khác gì hệ thống kinh tế khác. Trong quá trình phát triển, các ngân hàng khó tránh khỏi giai đoạn khó khăn. Ngân hàng Nhà nước và cả địa phương có giải pháp để hỗ trợ tính thanh khoản trong một số thời điểm”, ông Tiến giải thích.

Lý giải về hàng loạt vụ “vỡ tín dụng đen” thời gian qua, ông Tiến cho rằng, đây là vấn đề xã hội, đã từng xảy ra trong quá khứ. Hiện tại, hành lang pháp lý của hoạt động này cũng chưa đầy đủ. Có nhiều người lợi dụng lòng tham của người khác, gây nhiều bất ổn. “Cần quy định chặt chẽ về hoạt động này, tuyên truyền giúp người dân hiểu biết, tránh xa bẫy tín dụng đen, giúp người dân tin tưởng hơn vào ngân hàng để tránh những hậu quả không mong muốn”, ông Tiến khuyến cáo.

Riêng về lãi suất ngân hàng vẫn đang cao hiện nay, theo ông Vũ Đức Đam, Chính phủ đã giao Ngân hàng Nhà nước xem xét giảm lãi suất huy động, từ đó giảm lãi suất cho vay. Tuy nhiên, điều này cần có lộ trình. 

PHAN THẢO

Yêu cầu báo cáo tín dụng bất động sản 

Ngày 4-11, Ngân hàng Nhà nước có văn bản số 8641 yêu cầu: chậm nhất vào ngày 9-11, các tổ chức tín dụng trong nước, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải gửi báo cáo tình hình dư nợ tín dụng bất động sản cho Ngân hàng Nhà nước.

Trước đó, đầu tháng 3, Ngân hàng Nhà nước đã có Chỉ thị 01 yêu cầu các ngân hàng đưa dần tỷ trọng cho vay phi sản xuất về mức thấp. Theo đó, tỷ trọng cho vay bất động sản, chứng khoán so với tổng dư nợ đến 30-6 tối đa 22%, đến 31-12 là 16%. Nhưng theo phản ánh của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Hà Nội, đến cuối tháng 8-2011, vẫn có một ngân hàng thương mại trên địa bàn giữ tỷ trọng tín dụng phi sản xuất trên 22%.

B.MINH

Tin cùng chuyên mục