Ân hạn nộp thuế phải có bảo lãnh gây khó cho doanh nghiệp

Chiều 12-6, Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế. Đồng tình với việc cần thiết phải bổ sung các quy định trong dự thảo để bịt các lỗ hổng, gây thất thu thuế hiện hành nhưng nhiều đại biểu (ĐB) cho rằng, một số quy định trong dự luật đang làm khó doanh nghiệp.

(SGGP). – Chiều 12-6, Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế. Đồng tình với việc cần thiết phải bổ sung các quy định trong dự thảo để bịt các lỗ hổng, gây thất thu thuế hiện hành nhưng nhiều đại biểu (ĐB) cho rằng, một số quy định trong dự luật đang làm khó doanh nghiệp.

Theo ĐB Mai Hữu Tín (Bình Dương), hiện nay, doanh nghiệp nhập khẩu nguyên liệu, hàng hóa để làm hàng xuất khẩu được ân hạn thời gian nộp thuế 275 ngày tùy vào loại hình doanh nghiệp. Điều này đã đóng góp lớn vào hoạt động xuất khẩu của Việt Nam. Tuy nhiên, dự thảo lần này lại quy định người nộp thuế phải nộp thuế trước thời điểm thông quan hoặc giải phóng hàng và áp dụng việc ân hạn chỉ khi có bảo lãnh của tổ chức tín dụng. Quy định như vậy sẽ làm gia tăng chi phí bất hợp lý với doanh nghiệp (thủ tục, phí bảo lãnh...), bởi đa phần doanh nghiệp xuất khẩu làm ăn nghiêm túc, số trốn thuế ít.

ĐB Trần Hoàng Ngân (TPHCM) cũng cho rằng, bản thân ông cũng rất băn khoăn về quy định ân hạn thuế phải có bảo lãnh của tổ chức tín dụng vì trong giai đoạn khó khăn hiện nay, quy định như vậy lại khiến doanh nghiệp phải có tài sản thế chấp, mất phí bảo lãnh... “Nên chăng quy định nếu quá thời hạn xuất khẩu sản phẩm mà doanh nghiệp không xuất khẩu thì phải kê khai nợ thuế và nếu không chấp hành thì tiến hành xử phạt”, ĐB Ngân đề xuất.

Liên quan đến vấn đề lãi thật lỗ giả hiện nay, các ĐB Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang), Đỗ Hữu Lâm (Long An) nhìn nhận, nhiều doanh nghiệp hiện nay cố tình hạch toán lỗ nhưng thực tế họ vẫn mở rộng sản xuất, kinh doanh do thực hiện các hành vi chuyển giá giữa các công ty liên kết, công ty mẹ với công ty con... để trốn thuế. Việc dự thảo bổ sung cơ chế thỏa thuận về phương pháp giá tính thuế là cần thiết. Tuy nhiên, dự thảo quy định quá chung chung chưa quy định cụ thể phạm vi, nguyên tắc, chế tài. Cần rà soát các nội dung cụ thể phương pháp thỏa thuận giá tính thuế để chặt chẽ hơn. 

N.QUANG

Tin cùng chuyên mục