Cần “chiến dịch” giải cứu doanh nghiệp

Tiếp sau hội nghị tại TPHCM, ngày 26-7, Bộ Công thương tiếp tục tổ chức hội nghị góp ý đề án tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp (DN). Đa số ý kiến cho rằng cần phải có đánh giá đúng tình hình, thực trạng khó khăn hiện nay và cần có “chiến dịch” giải cứu DN một cách quyết liệt.
Cần “chiến dịch” giải cứu doanh nghiệp

Tiếp sau hội nghị tại TPHCM, ngày 26-7, Bộ Công thương tiếp tục tổ chức hội nghị góp ý đề án tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp (DN). Đa số ý kiến cho rằng cần phải có đánh giá đúng tình hình, thực trạng khó khăn hiện nay và cần có “chiến dịch” giải cứu DN một cách quyết liệt.

Chương trình kích cầu nhóm hàng tồn kho lớn

Một trong những điểm đáng chú ý trong đề án là Bộ Công thương sẽ tập trung vào việc tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ DN giảm lượng hàng tồn kho, tiếp cận vốn ngân hàng để đẩy mạnh phát triển sản xuất kinh doanh, duy trì tăng trưởng và phát triển. Trong đó, giải pháp được đưa ra là thúc đẩy, tìm các biện pháp đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án sử dụng nguồn vốn ngân sách và các nguồn vốn khác đã được phê duyệt nhằm tiêu thụ các sản phẩm: vật liệu xây dựng, xi măng, sắt thép, thiết bị vệ sinh, thiết bị điện,… đồng thời có chương trình kích cầu ở một số nhóm hàng tồn kho lớn.

Cùng với đó, Bộ Công thương sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi, tháo gỡ khó khăn, đề xuất các giải pháp giúp DN giải phóng hàng tồn kho các sản phẩm như: than, quặng titan,… khuyến khích DN sử dụng sản phẩm của nhau, nhất là những sản phẩm của DN này là đầu vào của DN khác. Bộ Công thương cũng sẽ tổng hợp tình hình tồn kho thực tế của các ngành, sản phẩm, các DN đang gặp khó khăn trong tiếp cận vốn, khó khăn trong giải quyết sản phẩm tồn kho để đề xuất Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính phối hợp với các bộ, ngành sớm có giải pháp hỗ trợ.

Nhiều doanh nghiệp mong muốn tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi để duy trì sản xuất. Ảnh: CAO THĂNG

Nhiều doanh nghiệp mong muốn tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi để duy trì sản xuất. Ảnh: CAO THĂNG

Chủ tịch Hiệp hội DN có vốn đầu tư nước ngoài Nguyễn Mại cho rằng: “Tôi không tin con số 55.000 DN đã “đắp chiếu” mà Bộ KH-ĐT nêu ra vào tháng 4 vừa qua. Có nhiều thông tin hiện có trên 100.000 DN đang gặp khó khăn. Cái nguy hiểm của khó khăn là chậm giải quyết. Đề án này phải được gọi là giải cứu DN vì tầm mức như vậy. Nếu để DN tiếp tục khó khăn thì khó có cơ may năm 2013 kinh tế phục hồi và các mục tiêu 2015 - 2020 không thực hiện được”.

Theo Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng, cần có đánh giá đúng hơn về mức độ khó khăn để có cách tiếp cận chính xác. Bộ Công thương sẽ tiếp thu các ý kiến và sẽ đưa vào nội dung đánh giá thực trạng của đề án vì nếu nhận định tương đối chính xác thì mới có giải pháp phù hợp. Thị trường 90 triệu dân của Việt Nam hết sức tiềm năng. Kinh nghiệm của Trung Quốc trong khủng hoảng thế giới 2009 - 2010 đã thành công trong việc phát triển thị trường trong nước cho thấy việc phát triển thị trường trong nước sẽ cần hết sức quan tâm.

Giải bài toán tiếp cận vốn

Một trong những giải pháp được Bộ Công thương đưa ra trong đề án là nghiên cứu cho phép DN thế chấp hàng tồn kho vay vốn. Tuy nhiên, nhận xét về điều này, bà Phạm Thị Thu Hằng, Tổng thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, ngân hàng khó có thể nhận thế chấp hàng tồn vì “hàng có bán được đâu”.

Bên cạnh đó, thực tế hiện nay, vốn cho DN chủ yếu đi vào DN lớn chứ không phải DN nhỏ và vừa. Để tiếp cận được vốn, theo bà Hằng, kinh nghiệm các nước cho thấy, ngoài hệ thống bảo lãnh tín dụng, dùng tài sản hình thành vốn vay để vay, thế chấp hàng tồn kho thì họ có thể dùng hệ thống đánh giá định mức tín nhiệm để đánh giá năng lực hoạt động của DN.

Còn theo ông Nguyễn Mại, trước mắt, giải pháp quan trọng nhất hiện nay là cứu DN đang bên bờ phá sản có khả năng phục hồi. Vấn đề cấp thiết nhất hiện nay là vốn. Có nhiều ý kiến, Nhà nước cần mở hầu bao chứ không phải giảm thuế bởi DN “có làm được đâu mà giảm thuế”. Bộ trưởng Bộ Công thương nên bàn với Thống đốc Ngân hàng Nhà nước có chiến dịch giải cứu DN để từ đó ngân hàng nhà nước các tỉnh, Sở Công thương chỉ đạo tiếp DN, ngân hàng tiếp cận nhau để cứu trợ khẩn cấp, làm sao từ tháng 8, 9 vốn đến DN và để DN có thể phục hồi vào năm 2013.

Ở góc độ Ngân hàng Nhà nước, ông Nguyễn Viết Mạnh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng, cho biết, giải quyết khó khăn trước mắt nhưng phải đảm bảo ổn định lâu dài vì nếu không 1 - 2 năm sau, quy trình khó khăn lại lặp lại tiếp. Vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã làm được nhiều việc như: 3 - 4 lần giảm lãi suất; tỷ giá được cam kết sẽ chỉ biến động trong 3%; kêu gọi hạ lãi suất cho vay về 15% và đã được nhiều tổ chức tín dụng hưởng ứng; nhiều đối tượng không khuyến khích vay vốn nay đã được chuyển sang đối tượng khuyến khích… Ngân hàng Nhà nước đang phối hợp với Bộ NN-PTNT đề xuất các lĩnh vực để hỗ trợ lãi suất. Với Bộ Công thương, Ngân hàng Nhà nước đã có công văn và phối hợp trong việc liệt kê những sản phẩm ngành cơ khí tồn kho nhiều để đề xuất ngân hàng, Chính phủ có giải pháp hỗ trợ.

Ngọc Quang

Tin cùng chuyên mục