Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia - Cần hình thành “gói bình ổn giá”

Theo nhận định của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia trong báo cáo kinh tế vĩ mô công bố ngày 1-3, lạm phát trong 2 tháng đầu năm dù cao so với mục tiêu lạm phát của cả năm 2013 (6 - 6,5%) nhưng chưa thật sự đáng ngại. Tuy nhiên, cần có phương án chủ động kiểm soát cung tiền và tổng cầu của nền kinh tế. Điều hành chính sách nhằm kiểm soát lạm phát trong thời gian tới chủ yếu cần chú trọng nhất đến phối hợp các chính sách trong việc điều hành giá.
Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia - Cần hình thành “gói bình ổn giá”

Theo nhận định của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia trong báo cáo kinh tế vĩ mô công bố ngày 1-3, lạm phát trong 2 tháng đầu năm dù cao so với mục tiêu lạm phát của cả năm 2013 (6 - 6,5%) nhưng chưa thật sự đáng ngại. Tuy nhiên, cần có phương án chủ động kiểm soát cung tiền và tổng cầu của nền kinh tế. Điều hành chính sách nhằm kiểm soát lạm phát trong thời gian tới chủ yếu cần chú trọng nhất đến phối hợp các chính sách trong việc điều hành giá.

Phân tích 2 nhân tố chính tác động đến lạm phát của Việt Nam trong năm 2013, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho rằng tác động của lạm phát cầu kéo đến lạm phát năm 2013 là không quá lớn do tổng cầu còn khá yếu; yếu tố tiền tệ đang tạo nên những áp lực nhất định đến lạm phát; lạm phát chi phí chưa đáng lo ngại do giá cả hàng hóa thế giới sẽ tương đối ổn định trong năm 2013 nên việc kiểm soát lạm phát chi phí đẩy của Việt Nam chủ yếu phụ thuộc vào chính sách quản lý giá. Xem xét quy luật trong 5 năm trở lại đây, tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của 2 tháng đầu năm chiếm khoảng 26% của cả năm.

Về yếu tố tiền tệ, việc điều chỉnh chính sách tiền tệ trong giai đoạn cuối năm 2012 sẽ có tác động nhất định đến lạm phát trong thời gian tới. Tính toán chỉ tiêu lạm phát lõi của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho thấy khá rõ nét về điều này, lạm phát cơ bản sau khi được duy trì ổn định quanh mức 8% từ tháng 5 đến tháng 8-2012 đã bắt đầu xu hướng tăng dần lên mức 10% từ tháng 9 đến tháng 11-2012 và duy trì ở mức 12% kể từ tháng 12 cho đến nay. Do đó, việc thực hiện các kế hoạch giải cứu bất động sản theo Nghị quyết 01 và 02 của Chính phủ và quá trình xử lý nợ xấu cũng cần phải tính đến lượng tiền ra lưu thông để không ảnh hưởng nhiều đến mục tiêu lạm phát của cả năm 2013.

Cần có phương án chủ động kiểm soát cung tiền và tổng cầu của nền kinh tế. Ảnh: CAO THĂNG

Cần có phương án chủ động kiểm soát cung tiền và tổng cầu của nền kinh tế. Ảnh: CAO THĂNG

Tính toán của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho thấy, nếu VND giảm giá 3% sẽ góp phần làm CPI tăng thêm khoảng 0,3% - 0,4%. Trong khi đó, nếu giá điện tăng 10% thì CPI tăng thêm 0,4% và giá xăng tăng khoảng 5% thì CPI tăng thêm 0,1% - 0,15%. Như vậy, chỉ tính riêng 3 yếu tố này nếu được điều chỉnh vào cùng thời điểm sẽ góp phần làm CPI tăng khoảng 0,8% - 1%.

Những phân tích này cho thấy, việc điều chỉnh tỷ giá cũng như giá điện, nước và các dịch vụ công khác cần phải rất thận trọng và có sự phối hợp chặt chẽ. Theo các nghiên cứu trước đây của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia về lạm phát, mức ảnh hưởng về mặt định lượng của từng yếu tố nêu trên đến lạm phát tổng thể là không quá lớn, tuy nhiên việc điều chỉnh sẽ có tác động nhiều đến lạm phát kỳ vọng, nhất là trong bối cảnh chúng ta đặt ra mục tiêu lạm phát năm 2013 thấp hơn năm 2012. Tóm lại, với tốc độ tăng CPI trong tháng 1 và tháng 2 năm 2013 so với cùng kỳ đang ở mức khá ổn định, khả năng kiềm chế lạm phát năm 2013 thấp hơn 2012 là có cơ sở để thực hiện.

Tuy nhiên, cùng với xu hướng lạm phát lõi đang gia tăng gây những nguy cơ nhất định đến lạm phát toàn phần, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho rằng lạm phát chi phí đẩy là nhân tố cần đặc biệt lưu tâm đối với việc điều hành chính sách trong thời điểm hiện nay. Bên cạnh đó, các biện pháp, chính sách nhằm xử lý nợ xấu và giải cứu bất động sản để nâng tổng cầu của nền kinh tế cũng cần phải cẩn trọng tính đến áp lực lạm phát trong năm nay nhằm quyết tâm thực hiện kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra, tạo lập môi trường kinh tế vĩ mô ổn định trong trung và dài hạn.

Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia đề nghị việc kiểm soát lạm phát cần chủ yếu tập trung đến công tác quản lý giá, đặc biệt là trong những tháng đầu năm 2013, việc điều hành giá cần được phân bổ điều chỉnh giá hợp lý và thời gian điều chỉnh phải phù hợp với diễn biến kinh tế trong nước. Tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý để hình thành một “gói bình ổn giá” trong đó bao gồm các loại lộ trình tăng giá xăng, dầu, giá điện, giá dịch vụ công… nhằm phân bổ hợp lý hơn việc tăng giá (nếu cần thiết) theo phương thức tăng giá chia đều cho các tháng, tránh tập trung vào các tháng có CPI tăng cao theo tính chất mùa vụ hoặc vào những thời điểm nhạy cảm làm gia tăng kỳ vọng lạm phát.

Về chính sách tỷ giá, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho rằng tỷ giá hối đoái năm 2013 cần ưu tiên mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô đồng thời hướng tới hài hòa với mục tiêu trung hạn: hỗ trợ xuất khẩu, cần bằng đối ngoại. Do vậy chưa cần thiết và chưa nên đặt vấn đề điều chỉnh tỷ giá (khi xuất khẩu vẫn tăng khá và kiểm soát lạm phát vẫn còn không ít thách thức). Tuy nhiên khi mục tiêu kiểm soát lạm phát trở nên hiện thực hơn thì cần thiết xem xét điều chỉnh tỷ giá để giảm bớt sức ép điều chỉnh tỷ giá trong trung hạn. 

BẢO MINH

Tin cùng chuyên mục