Tạo động lực kiến tạo phát triển

2014 là năm áp chót thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2011-2015 mà Nghị quyết Đại hội Đảng XI đề ra. Để hoàn thành các chỉ tiêu trong 2 năm còn lại trong bối cảnh kinh tế thế giới còn diễn biến phức tạp là áp lực rất lớn, đòi hỏi có sự nỗ lực vượt bậc cả trong việc điều hành, tái cơ cấu nền kinh tế và cả trong cải cách thể chế để giải tỏa những điểm nghẽn cản trở sự phát triển.
Tạo động lực kiến tạo phát triển

LTS: 2014 là năm áp chót thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2011-2015 mà Nghị quyết Đại hội Đảng XI đề ra. Để hoàn thành các chỉ tiêu trong 2 năm còn lại trong bối cảnh kinh tế thế giới còn diễn biến phức tạp là áp lực rất lớn, đòi hỏi có sự nỗ lực vượt bậc cả trong việc điều hành, tái cơ cấu nền kinh tế và cả trong cải cách thể chế để giải tỏa những điểm nghẽn cản trở sự phát triển.

        Bức tranh đa sắc

Điểm sáng rõ nét năm 2013 là nước ta đã thực hiện thành công mục tiêu ổn định vĩ mô, kiềm chế lạm phát và đạt được mức tăng trưởng hợp lý. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tăng 5,42% tuy thấp hơn mục tiêu đề ra (5,5%), nhưng cao hơn năm 2012 (5,25%). Lạm phát được kiểm soát ở mức thấp 6,04%, thấp nhất trong 10 năm qua và thấp hơn mức kế hoạch (8%), đã tạo điều kiện kéo giảm lãi suất, ổn định tỷ giá, góp phần đảm bảo an sinh xã hội.

Kinh tế suy giảm tạo áp lực về cán cân xuất nhập khẩu với nhiều dự báo bi quan nhưng càng về cuối năm càng có sự bứt phá ngoạn mục: Tính chung cả năm kim ngạch xuất khẩu ước đạt 132 tỷ USD, tăng 15,4% so với năm trước, vượt chỉ tiêu đề ra 10%. Kim ngạch nhập khẩu đạt 131,3 tỷ USD, tăng 15,4% và tính chung cả năm đã xuất siêu 863 triệu USD. Nỗi lo tổng thu ngân sách không đạt do làn sóng các doanh nghiệp giải thể, ngưng hoạt động vẫn chưa được chặn đứng nhưng cuối năm đã có sự cải thiện rõ rệt. Ước tính cả năm vượt thu 1% so với dự toán, đảm bảo cân đối nền kinh tế...

Nhờ nguồn vốn vay từ các ngân hàng, nhiều doanh nghiệp đã đầu tư dây chuyền sản xuất mới. (Trong ảnh: Dây chuyền mới của Công ty Vidipha, TPHCM). Ảnh: CAO THĂNG

Nhờ nguồn vốn vay từ các ngân hàng, nhiều doanh nghiệp đã đầu tư dây chuyền sản xuất mới. (Trong ảnh: Dây chuyền mới của Công ty Vidipha, TPHCM). Ảnh: CAO THĂNG

Đó là những “kết thúc có hậu” mà ngay cả giới chuyên gia, từ đầu năm đã bày tỏ thái độ không tin tưởng có thể đạt được. Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy giảm, sức chống đỡ của doanh nghiệp trong nước ngày càng yếu dần, đạt được kết quả trên là một cố gắng lớn của cả hệ thống chính trị và cộng đồng doanh nghiệp. Tuy vậy, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong phát biểu của Chính phủ tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIII cũng bày tỏ thái độ thận trọng và băn khoăn: Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát nhưng chưa vững chắc. Sản xuất kinh doanh còn nhiều khó khăn. Nợ xấu còn cao. Tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng còn chậm so với yêu cầu...

        Năm mới, nút thắt cũ

Xuất phát nền tảng kinh tế chưa vững, Quốc hội đã quyết định các chỉ tiêu năm 2014 với mức tăng vừa phải: GDP tăng 5,8%, CPI tăng 7%, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 30% GDP, kim ngạch xuất khẩu tăng 10%... Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI trước đó cũng không câu thúc vấn đề tăng trưởng, đề ra mục tiêu 2014: Tập trung cao cho ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh. Và mục tiêu tổng quát cho cả 2 năm 2014-2015 vẫn là: “Tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát; phục hồi tăng trưởng, nâng cao sức cạnh tranh với tái cơ cấu nền kinh tế và thực hiện 3 đột phá chiến lược”.

GDP bình quân đầu người của Việt Nam hiện nay tính theo sức mua đạt thấp so ngay trong khối ASEAN: chỉ bằng 3/4 với Philippines, Indonesia; khoảng 1/3 của Thái Lan, chỉ bằng 1/5 của Malaysia... Vấn đề đặt ra là ta có thể tiến nhanh được không để tránh tụt hậu ngày càng xa, hoặc chí ít đưa về mức tăng trưởng như trước khi xảy ra khủng hoảng tài chính-tiền tệ 2008 (7%), để giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội? Thực tế với thể trạng nền kinh tế hiện nay rất khó đưa mức tăng trưởng cao hơn.

Trên một bình diện khác, mặc dù nhận định nhiều yếu tố vĩ mô năm 2014 có khởi sắc hơn và Việt Nam sẽ đón nhận tác động tích cực hơn từ sự phục hồi các đầu tàu kinh tế thế giới, song dự báo về tăng trưởng, các tổ chức tài chính quốc tế lại tỏ ra khá thận trọng: Ngân hàng Thế giới (WB) và cả Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) tại Việt Nam đều đồng thanh cho rằng GDP năm 2014 của Việt Nam đạt khoảng 5,4%; Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cũng dự báo tăng trưởng chỉ khoảng 5,5%... Lý do đưa ra con số dưới mức tiềm năng này vì họ nhận định nền kinh tế vẫn còn nhiều yếu tố rủi ro, những điểm nghẽn vẫn chưa cải thiện làm ảnh hưởng đến khả năng phục hồi và kích thích tăng trưởng: nợ xấu lớn, tồn kho cao, nhất là trong lĩnh vực bất động sản; doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận nguồn vốn mới để duy trì sản xuất và mở rộng kinh doanh; tái cơ cấu doanh nghiệp chưa phát huy hiệu quả thực tế...

Lực lượng doanh nghiệp là động lực quan trọng nhất để phát triển kinh tế-xã hội, thúc đẩy tăng trưởng. Tuy vậy, số doanh nghiệp gặp khó khăn, phải giải thể hoặc ngừng hoạt động chưa có dấu hiệu giảm. Năm 2011 có 52.739 doanh nghiệp dừng hoạt động hoặc giải thể thì năm 2012 lên đến 54.261 và con số năm 2013 là 60.767 doanh nghiệp. Vấn đề đặt ra là nhà nước đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ như giảm hàng tồn kho; miễn, giãn, giảm thuế cho doanh nghiệp; tung gói 30.000 tỷ đồng hỗ trợ xây dựng nhà ở xã hội, xử lý nợ xấu ngân hàng... nhưng vì sao doanh nghiệp vẫn “chết”? Trước thềm năm mới, bài toán cũ vẫn chưa giải quyết căn cơ.

Ông Sato Montonobu, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản (JBA), nhận xét: “Kinh tế Việt Nam đang ở ranh giới giữa ngừng trệ và phát triển. Với thực trạng kinh tế-công nghiệp như hiện nay, để Việt Nam vừa có thể duy trì sự ổn định kinh tế vĩ mô, vừa đạt được mục tiêu tăng trưởng 6-7% là quá khó!”.

        Áp lực đổi mới mô hình tăng trưởng

Nền kinh tế đang phải đối mặt với một giai đoạn tăng trưởng yếu ớt kéo dài là do những yếu kém nội tại mang tính cơ cấu. Vấn đề này đã được nhìn nhận và Nghị quyết của Đảng đã đề ra: Đẩy mạnh thực hiện 3 đột phá chiến lược, tái cơ cấu nền kinh tế; trọng tâm là doanh nghiệp nhà nước, đầu tư công và hệ thống ngân hàng thương mại, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng... Tuy nhiên, trong 3 năm qua vấn đề này cũng chỉ dừng lại ở mức khởi động.

Tại Diễn đàn Kinh tế mùa Xuân và Diễn đàn Kinh tế mùa Thu năm 2013 do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức với sự chủ trì của lãnh đạo Quốc hội, chuyên gia hàng đầu các lĩnh vực đều cho rằng tiến độ thực hiện tái cơ cấu và các đột phá chiến lược còn quá chậm chạp, chưa đạt kết quả cụ thể. Ông Cao Sỹ Kiêm, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, đặt vấn đề: “Quốc hội cần yêu cầu Chính phủ, các bộ ngành đã tuyên bố việc gì, ban hành chính sách nào thì phải cố gắng làm cho bằng được. Kết quả có thể chưa tốt như mong đợi nhưng về phía người dân và doanh nghiệp cảm thấy cơ quan có trách nhiệm đang nói thật làm thật, nói được làm được. Điều này sẽ có tác động lan tỏa đối với người dân và doanh nghiệp”.

Dây chuyền sản xuất ván sợi nhân tạo MDF tại Nhà máy gỗ MDF VRG DONGWHA (Bình Dương).

Dây chuyền sản xuất ván sợi nhân tạo MDF tại Nhà máy gỗ MDF VRG DONGWHA (Bình Dương).

Áp lực đổi mới mô hình tăng trưởng đang đặt ra rất bức thiết, bởi lẽ tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 3 năm 2011-2013 chỉ đạt khoảng 5,6%/năm - là mức thấp nhất trong vòng 13 năm nay, thấp xa so với chỉ tiêu tăng trưởng bình quân theo kế hoạch đề ra (6,5-7%). Có thể thấy với tốc độ này để đạt được mục tiêu đề ra kế hoạch 5 năm 2011-2015, trong 2 năm còn lại là cả một thử thách nặng nề, rất khó cán đích. Theo dự báo của các chuyên gia, với thể trạng nền kinh tế hiện nay, nước ta chưa thể trở lại quỹ đạo tăng trưởng nhanh trong vòng vài năm tới nếu không có quyết tâm chính trị cao trong việc tiến hành tái cơ cấu một cách khẩn trương, thực sự nghiêm túc.

Chúng ta đã lãng phí thời gian và bỏ lỡ thời cơ? Bà Phó Thị Kim Chi, Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế quốc gia, phân tích: Sau hơn 3 năm thực hiện, tiến trình tái cơ cấu vẫn còn chậm so với yêu cầu và còn nhiều vướng mắc: Tái cơ cấu đầu tư công vẫn chưa có đề án tổng thể; tái cơ cấu doanh nghiệp còn rời rạc, mới ở bề nổi như chỉ dừng ở việc chuyển giao nội bộ tập đoàn, tổng công ty hay giữa các doanh nghiệp với nhau; tái cấu trúc ngân hàng thương mại có kết quả nhất định nhưng việc xử lý nợ xấu chưa có chuyển biến thực tế, dòng vốn vẫn tắc đầu ra... “Những hạn chế trên làm ảnh hưởng đến sự phát triển nhanh và bền vững nền kinh tế như mục tiêu đề ra, dẫn đến kinh tế Việt Nam hồi phục chậm so với thế giới, so với các nước phát triển, thậm chí tăng trưởng thấp trong tương quan với các nước láng giềng” - bà Kim Chi nhận định.

"Nhận thức trên một số vấn đề về chủ trương, quan điểm đã được đề ra vẫn còn khác nhau dẫn đến đổi mới thể chế, chính sách còn ngập ngừng, thiếu nhất quán, nhất là về vai trò của nhà nước và kinh tế nhà nước trong kinh tế thị trường, bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân... Chưa tạo được đột phá để huy động mạnh mọi nguồn lực cho phát triển. Phương thức lãnh đạo của cấp ủy Đảng, quản lý của chính quyền vẫn chưa đủ rõ, chưa đáp ứng kịp yêu cầu trong điều kiện kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế"

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng
(Báo cáo của Chính phủ tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIII)

LÊ TIỀN TUYẾN

Tin cùng chuyên mục