Việt Nam xây dựng nền kinh tế tự chủ - Bài 2: Tận dụng các hiệp định thương mại

Đột phá về chính sách
Việt Nam xây dựng nền kinh tế tự chủ - Bài 2: Tận dụng các hiệp định thương mại

Nâng cao năng lực cạnh tranh - đó là mục tiêu mà mọi doanh nghiệp (DN) Việt Nam cần hướng tới chứ không riêng gì công nghiệp hỗ trợ (CNHT). Tuy nhiên, lĩnh vực này có những đặc thù nhất định. Do đó, yêu cầu đặt ra là cần có những cơ chế, chính sách đặc thù, mang tính đột phá để DN có thể vươn lên. Bên cạnh đó, các DN cũng phải chủ động mở rộng thị trường, tăng cường liên kết… thì mới có thể góp phần xây dựng nền kinh tế tự chủ.

Sản xuất da tại Công ty thuộc da Hưng Thái. Ảnh: CAO THĂNG

Sản xuất da tại Công ty thuộc da Hưng Thái. Ảnh: CAO THĂNG

Đột phá về chính sách

Có cơ hội, nhưng cần có chính sách đột phá - đó là quan điểm của ông Lê Quang Doãn, Phó Chủ tịch Hội Doanh nghiệp quận 7 kiêm Ủy viên thường trực Hiệp hội Nhựa - Cao su TPHCM.

Ông Doãn nêu dẫn chứng: Đế giày bằng vật liệu polymetan là sản phẩm công nghệ phát triển hơn 10 năm nay trên thế giới và đang có xu thế thay thế cho hầu hết các loại vật liệu khác; đáp ứng tiêu chí về bảo vệ môi trường (chỉ mất 5 - 10 năm sau khi thải ra là phân hủy). Tại TPHCM hiện có 6 DN sản xuất đế giày polymetan với sản lượng 40 triệu đôi mỗi năm, chiếm 90% thị phần cả nước. Tuy nhiên, bên cạnh chính sách thuế chưa có tính chất khuyến khích, mặt bằng sản xuất cũng “khan hiếm”, vì các khu công nghiệp thường cho thuê từng lô lớn, không phù hợp với những nhà cung cấp nguyên phụ liệu nhỏ…

Theo đại diện các hiệp hội ngành hàng trên địa bàn TPHCM, muốn đổi mới công nghệ, thiết bị nhằm nâng cao sức cạnh tranh, DN rất cần sự hỗ trợ từ phía Nhà nước về thông tin thị trường, xúc tiến thương mại.

Đặc biệt, theo ông Phạm Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM, Nhà nước cần đứng ra bảo lãnh tín dụng cho DN nhỏ và vừa (NVV) vì các DN này không có tài sản thế chấp. Nên cho thế chấp bằng máy móc nhập từ các nước phát triển. Ngoài ra, cần có chính sách kêu gọi các nước đầu tư vào ngành CNHT; kêu gọi các DN chuyển sang sử dụng dùng nguồn nguyên phụ liệu có chất lượng được sản xuất trong nước.

Còn ông Vũ Văn Hòa, Trưởng ban Quản lý các KCX-KCN cho rằng, để phát triển CNHT, cần xây dựng những khu công nghiệp, cụm công nghiệp chuyên ngành về CNHT, phù hợp với quy mô sản xuất của DN vừa và nhỏ, tạo được sự kết nối giữa các DN trong cùng “chuỗi cung ứng”, được hưởng các chính sách ưu đãi cho nhà đầu tư hạ tầng KCN và các DN thuê đất để đầu tư sản xuất như chính sách ưu đãi thuế thu nhập DN, tăng thời gian thuê đất, tăng thời gian miễn tiền thuê đất, ưu đãi tín dụng, ưu đãi thuế nhập khẩu, chính sách tài chính hỗ trợ DN.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Đức Minh Hải (Đại học Quốc gia TPHCM) cho rằng, Chính phủ nên quy hoạch các khu công nghiệp nguyên liệu, theo từng ngành hàng để tạo chuỗi cung ứng khép kín; như vậy vừa có thể quản lý tốt môi trường, vừa nâng cao khả năng thu hút đầu tư.

Ngoài ra, vai trò của Nhà nước trong việc đàm phán các hiệp định thương mại cũng rất quan trọng. Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà Việt Nam đang tham gia đàm phán có quy định sản phẩm phải đạt tỷ lệ nội địa hóa nội khối từ 55% tổng giá trị trở lên mới được ưu đãi. Vì thế Việt Nam cần có một chiến lược phát triển CNHT có định hướng đến những sản phẩm xuất khẩu chủ lực.

Trong nguy có... cơ

Ở góc độ cơ quan quản lý nhà nước, tại cuộc làm việc với các sở ngành, hiệp hội DN nhằm tháo gỡ khó khăn cho các DN nhập khẩu nguyên phụ liệu mới đây, ông Lê Văn Khoa, Giám đốc Sở Công thương TPHCM, cho rằng, đây cũng là cơ hội để DN chuyển đổi cơ cấu thị trường, nâng cao nội lực. “Trong thời điểm hiện nay cần chuyển đổi cơ cấu thị trường nhập khẩu để tận dụng các ưu đãi về thuế quan theo TPP”, ông Lê Văn Khoa khuyến nghị.

DN, nhất là các DN có tỷ trọng xuất khẩu, nhập khẩu lớn, cần hoạch định lại chiến lược kinh doanh theo hướng đa phương hóa, đa dạng hóa bạn hàng theo tinh thần cam kết WTO; tăng cường hợp tác với các đối tác ở các nước mà Việt Nam có tham gia các ký kết hiệp định thương mại tự do hoặc hiệp định TPP sẽ ký trong thời gian tới để tận dụng thuế suất ưu đãi. Về phía Nhà nước, cần xây dựng các chương trình xúc tiến cụ thể theo từng ngành hàng và thị trường, trong đó ưu tiên xúc tiến nhập khẩu ở các thị trường có tham gia các hiệp định thương mại tự do FTA; tăng cường kết nối cung - cầu đối với ngành nguyên phụ liệu đã sản xuất được trong nước.

Triển khai các khu công nghiệp, cụm công nghiệp chuyên ngành về CNHT và có chính sách ưu đãi thỏa đáng, áp dụng nhiều giải pháp cụ thể, linh hoạt về thuế trong giai đoạn chuyển đổi thị trường (như: giảm thuế nhập khẩu nguyên liệu để sản xuất nguyên phụ liệu, giảm thuế VAT đối với nguyên phụ liệu sản xuất trong nước)… cũng là những giải pháp được đề xuất.

Trong khi đó, ông Đỗ Phước Tống, Phó Chủ tịch Hội Cơ khí TPHCM - Ủy viên Ban Chấp hành Tổng Hội Cơ khí Việt Nam, cho rằng, hiện nay, do sự đầu tư của các DN Nhật Bản và một số nước khác tại Việt Nam nên nhu cầu sản phẩm CNHT ngành cơ khí tăng lên, thêm vào đó là nhu cầu mua linh kiện, phụ tùng từ một số công ty ở quốc gia khác như Mỹ, Canada, các nước châu Âu nên nhu cầu thị trường cho ngành cơ khí là khá tốt.

Do đó, để phát triển CNHT ngành cơ khí, Nhà nước cần có chính sách hợp lý cho ngành cơ khí phát triển, xem cơ khí là ngành đặc thù, cần có chính sách riêng. Nghiên cứu mở rộng thị trường, đặc biệt là thị trường sử dụng vốn nhà nước đầu tư. Tạo sự bình đẳng cho DN trong nước và DN đầu tư nước ngoài về chính sách, không thể để DN đầu tư nước ngoài được miễn giảm thuế, còn DN trong nước phải chịu thuế suất cao. Các cơ quan quản lý nhà nước cần khảo sát thực trạng hoạt động ngành cơ khí để có hướng giúp các DN. Tăng cường đào tạo nguồn nhân lực cho các DN.

Tại cuộc làm việc với các sở ngành, hiệp hội DN nhằm tháo gỡ khó khăn cho các DN nhập khẩu nguyên phụ liệu phục vụ cho sản xuất trên địa bàn TPHCM mới đây, Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân cho rằng, DN cần phải suy nghĩ, nhưng không nên quá băn khoăn, lo lắng vì trước mắt có những khó khăn nhất định, nhưng về trung hạn, dài hạn, nếu có bước đi thích hợp để mở các thị trường mới, DN có thể chuyển đổi cơ cấu sản xuất kinh doanh hiệu quả hơn, hội nhập quốc tế tốt hơn.

* Ông Yasuzumi Hirotaka, Giám đốc Điều hành Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) Văn phòng TPHCM: Việt Nam cần tiếp tục đơn giản hóa thủ tục hành chánh

Đối với các công ty Nhật Bản, tỷ lệ cung ứng nội địa hiện nay ở miền Nam lớn hơn miền Bắc 3% - 4%. Thứ nhất, tôi cho rằng để ngành CNHT phát triển được cần phải có thị trường lớn, nhưng hiện giờ ở Việt Nam chưa có. Thứ hai, một số DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) khi đầu tư vào Việt Nam cũng sẵn sàng chuyển giao kỹ thuật, song các DN Việt Nam chưa đủ nhân lực có chất lượng để tiếp nhận kỹ thuật mới. Thứ ba, lãi suất tín dụng ở Việt Nam vẫn còn cao; trong khi tham gia CNHT chủ yếu là DN vừa và nhỏ, họ ít có cơ hội tiếp cận được nguồn vốn vay với lãi suất thấp. Thứ tư, về đạo đức kinh doanh; thông thường để nhận được đơn hàng lớn thì trước tiên DN phải sản xuất ra những sản phẩm có chất lượng tốt để xây dựng uy tín. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, ban đầu các sản phẩm mẫu của DN Việt có chất lượng rất tốt, nhưng khi đi vào sản xuất hàng loạt thì chất lượng lại không đồng đều và không ổn định.

Tuy thế, phát triển các ngành CNHT là việc phải làm. Nếu Việt Nam không phát triển CNHT thì trong tương lai các ngành sản xuất của Việt Nam không phát triển được. JETRO đã và đang sát cánh cùng Việt Nam trong lĩnh vực này. Khoảng 10 năm qua, vào tháng 9, 10 hàng năm chúng tôi tổ chức các buổi triển lãm về ngành CNHT. Ngoài ra, chúng tôi có các buổi kết nối DN, giao lưu giữa DN Việt Nam và Nhật Bản để tìm đối tác; lập danh sách các DN Việt Nam ưu tú gửi cho DN Nhật Bản để các DN quan tâm tìm hiểu kết nối với DN Việt Nam, xây dựng quan hệ đối tác kinh doanh. Hiện chúng tôi đang  tính đến việc tăng cường xúc tiến đào tạo nguồn nhân lực cho các DN Việt Nam, đào tạo kiến thức kinh doanh cho những người kinh doanh ở Việt Nam. JETRO đang phối hợp với TPHCM thành lập tổ chức phát triển ngành CNHT ở khu vực phía Nam.

Để CNHT thực sự phát triển, tôi cho rằng Chính phủ Việt Nam nên tiếp tục đơn giản hóa thủ tục về thuế, hải quan, thủ tục cấp phép lao động cho người nước ngoài, hoàn thiện hệ thống pháp luật và vận hành hệ thống pháp luật một cách minh bạch ở các địa phương. Các DN bản địa hoạt động trong lĩnh vực CNHT cần được hỗ trợ phát triển mạnh mẽ hơn thông qua các biện pháp như cấp vốn vay lãi suất thấp; xây dựng nguồn nhân lực có đủ trình độ; ưu đãi về thuế…

NHÓM PV

- Bài 1: Năng lực tự thân và nhu cầu thay đổi

Tin cùng chuyên mục