Diễn đàn kinh tế Mùa Xuân: Xoay đúng cách là chuyển

Ví von rằng nhìn ngắn hạn thì có thể “vỗ tay”, nhưng về lâu dài thì vẫn nên “chau mày”, ông Trần Đình Thiên nhắc nhở, cần phải tập trung tạo sự chuyển biến có chất lượng trong tiến trình cải cách và tái cơ cấu; chuẩn bị năng lực hội nhập và tháo gỡ các nút thắt nợ xấu và tỷ giá. “Xoay đúng cách là chuyển”, TS Thiên khẳng định một cách tin tưởng.
Diễn đàn kinh tế Mùa Xuân: Xoay đúng cách là chuyển

(SGGPO).- Ví von rằng nhìn ngắn hạn thì có thể “vỗ tay”, nhưng về lâu dài thì vẫn nên “chau mày”, ông Trần Đình Thiên nhắc nhở, cần phải tập trung tạo sự chuyển biến có chất lượng trong tiến trình cải cách và tái cơ cấu; chuẩn bị năng lực hội nhập và tháo gỡ các nút thắt nợ xấu và tỷ giá. “Xoay đúng cách là chuyển”, TS Thiên khẳng định một cách tin tưởng.

Góp ý về một nhiệm vụ mà ông cho là cần đặc biệt ưu tiên, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Vũ Mão đề xuất Quốc hội ban hành một đạo luật về cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. “Đó là nguồn lực cực kỳ lớn của nhà nước, hàng chục, hàng trăm ngàn tỷ đồng, trong khi lại chưa được kiểm soát chặt chẽ bằng công cụ pháp lý đủ mạnh”, ông giải thích.

Nguyên tắc chi phối cổ phần hóa, theo ông Vũ Mão và nhiều ý kiến khác tại Diễn đàn, là bán theo giá thị trường và đúng định hướng thị trường; nhà nước giữ lại càng ít vốn càng tốt, để chuyển nguồn lực quốc gia cho doanh nghiệp tư nhân quản lý có thể hiệu quả hơn.

Quan tâm tới nhiệm vụ tái cơ cấu ngân hàng, TS Nguyễn Minh Phong hiến kế: “Để hỗ trợ quá trình giải quyết nợ xấu và sở hữu chéo; lành mạnh hóa môi trường đầu tư, cần sớm bổ sung và hoàn thiện những quy định pháp lý đủ hiệu lực và rõ ràng về việc chế tài những vi phạm về sở hữu chéo và vượt trần sở hữu của cá nhân, tổ chức; cho phép các nhà đầu tư được quyền thành lập công ty mua bán nợ, thực hiện mua bán nợ, cùng với việc sở hữu và xử lý tài sản thế chấp là bất động sản”.

Ông Phong cũng đề nghị Quốc hội nghiên cứu giảm hoặc bỏ thuế giá trị gia tăng đối với trường hợp bán tài sản bảo đảm không thu hồi đủ vốn vay; sửa Bộ luật Dân sự về tăng lãi suất chậm thi hành án, chậm trả nợ để buộc người có nghĩa vụ trả nợ chấp hành nghiêm túc, nhanh chóng, xóa nghịch lý “con nợ càng chây ỳ, kéo dài thời hạn trả nợ thì lại càng có lợi cho mình”.

Góp phần lý giải nguyên nhân tại sao doanh nghiệp Việt Nam mất đi động lực sáng tạo, TS Trần Du Lịch, Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM phân tích, môi trường kinh doanh được cấu thành bởi rất nhiều yếu tố. Theo ông, vừa qua, trong quá trình đổi mới thể chế, Quốc hội khoá XIII đã làm rất tốt phần đổi mới về thể chế kinh tế, đặc biệt là với việc ban hành Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư. Nhưng thể chế kinh tế, cùng với thể chế tài chính công và hành chính công là 3 bộ phận cấu thành không thể tách rời, cần chuyển động đồng bộ. Chỉ khi cỗ xe thể chế chuyển động một cách ổn định với tốc độ hợp lý, niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp mới được hình thành và củng cố. Khi đó, họ mới dốc mọi nguồn lực để đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh và tạo nên tăng trưởng chất lượng cao. Nói cách khác, trong năm 2015, việc cải thiện thể chế tài chính công và hành chính công chính là mục tiêu cần hết sức quan tâm.

Ngày mai, 22-4, Diễn đàn tập trung vào các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

 Ý kiến cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài: Chính sách cần thực sự minh bạch, công bằng

Trong tham luận gửi tới Diễn đàn, đại diện Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) cho rằng, môi trường kinh doanh nhìn chung rất khả quan. Mỗi quý, EuroCham đều xuất bản khảo sát Chỉ số môi trường kinh doanh (Business Climate Index – BCI).

Kết quả khảo sát BCI hàng quý số 17, được thực hiện vào tháng 12-2014, cho thấy lòng tin của cộng đồng kinh doanh đã tăng hơn một chút so với quý trước, từ 74 lên 78 điểm. Kết quả này rất gần với kết quả cao nhất từ trước đến nay, vào đầu năm 2011.

Tuy nhiên, trong lĩnh vực phát triển cơ sở hạ tầng thông qua hình thức đối tác công - tư (Public - Private Partnerships - PPP), EuroCham đề nghị Chính phủ chỉ đạo việc nhận diện các dự án PPP tiềm năng, đánh giá các dự án và tổ chức quy trình đấu thầu công khai và cạnh tranh.

Theo quan điểm của EuroCham, các doanh nghiệp nhà nước “không nên được hưởng lợi ích từ những lợi thế như hỗ trợ tiếp cận vay vốn, trợ cấp trực tiếp hoặc gián tiếp của Chính phủ”.

Cũng nhấn mạnh yêu cầu minh bạch và công bằng trong chính sách, ông Atsusuke KAWADA, Trưởng đại diện văn phòng Tổ chức Xúc tiến Mậu dịch Nhật Bản (JETRO) Hà Nội, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam cho biết, từ tháng 10 đến tháng 12 năm ngoái, JETRO đã thực hiện một bản điều tra về đánh giá môi trường kinh doanh tại các nước nhận đầu tư.

Kết quả phản hồi từ doanh nghiệp cho thấy vẫn có trên 40% doanh nghiệp đang tiếp tục chỉ ra rằng ở tiêu chí “hệ thống pháp luật chưa hoàn thiện, vận hành thiếu minh bạch”. Việt Nam là nước đứng thứ 3 trong tốp các nước tệ nhất trong các nước được khảo sát.

Đáng lưu ý, liên quan đến “sự phức tạp trong thủ tục hành chính”, có những vấn đề được chỉ ra như là “bị yêu cầu những lệ phí không chính thức” trong thuế quan, “thời gian thẩm tra không rõ ràng” khi thay đổi hay gia hạn giấy phép đầu tư hay “tiêu chuẩn thẩm tra thiếu minh bạch” trong giấy phép đầu tư của các công ty kinh doanh ngành dịch vụ”. Mặt khác, nhiều doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam cho rằng việc quyển dụng nhân sự cấp quản lý nói trôi chảy tiếng Nhật hoặc tiếng Anh ở các tỉnh là cực kỳ khó khăn.


Diễn đàn kinh tế Mùa Xuân: Khơi dậy động lực sáng tạo của doanh nghiệp

* Sáng nay, 21-4, Diễn đàn Kinh tế Mùa Xuân với chủ đề “Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh: Biến lời nói thành hành động” đã khai mạc tại thành phố Vinh (Nghệ An) và diễn ra trong 2 ngày. Trong ngày đầu tiên, Diễn đàn sẽ thảo luận về tình hình kinh tế xã hội; ngày thứ 2 tập trung vào các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Tham dự Diễn đàn có Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, ông Trần Văn Hằng; Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu; Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc cùng đại diện các lãnh đạo Bộ, ngành trung ương và địa phương. Đây đã là lần thứ 7 Diễn đàn được tổ chức

Phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Văn Giàu nhấn mạnh, những ý kiến tham luận tại Diễn đàn có ý nghĩa quan trọng cho Ủy ban Kinh tế với trách nhiệm thẩm tra Báo cáo tình hình kinh tế xã hội năm 2014 (bổ sung) và kế hoạch năm 2015 sẽ được trình Quốc hội tại kỳ họp khai mạc vào tháng 5 tới.

Ông Nguyễn Văn Giàu phát biểu khai mạc diễn đàn

Tiếp tục quá trình hồi phục

Trong tham luận tại Diễn đàn, TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho biết, sau khi hiệu chỉnh, chuẩn hóa số liệu, năm 2014, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 5,98%, cao hơn hẳn mức 5,42% của năm 2013. Mức tăng trưởng trên cao hơn so với chỉ tiêu 5,8% mà Chính phủ đề ra và vượt ngoài dự đoán của các chuyên gia, tổ chức trong và ngoài nước.

Tăng trưởng năm 2014 vẫn diễn ra theo kịch bản “tiếp tục hồi phục, tăng trưởng quý sau cao hơn quý trước”, song điểm nhấn là tăng trưởng bất ngờ ở quý III (6,07%) và quý 4 (6,96%), đã giúp cho mức tăng trưởng cả năm cao hơn hẳn so với 3 năm trở lại đây.

Cũng theo TS Trần Đình Thiên, mức hồi phục này vẫn còn thấp, chưa vượt qua mức 6% và chưa thực sự bền vững. Trên thực tế, tốc độ tăng trưởng năm 2014 thấp hơn khá xa mức tăng trưởng bình quân của giai đoạn 1990-2010.

Phân tích các lĩnh vực cụ thể, ông Trần Đình Thiên cho rằng, nông nghiệp nói chung vẫn chủ yếu phát triển theo hướng “quảng canh”, chưa thật rõ định hướng tới một nền nông nghiệp hiện đại, phát triển theo chiều sâu, chất lượng và hiệu quả. Xu hướng chi phối vẫn là “sản lượng cao, tiêu tốn nhiều nguồn lực, chất lượng thấp và giá trị gia tăng thấp”. Điểm sáng của ngành là đã có những đột phá mạnh trong ứng dụng rộng rãi khoa học kỹ thuật, công nghệ cao, với sự tham gia của ngày càng nhiều doanh nghiệp lớn vào sản xuất nông nghiệp.

Sản xuất công nghiệp năm 2014 phục hồi đáng kể ở tất cả các nhóm ngành. Cụ thể, ngành xây dựng bắt đầu hồi phục; thị trường bất động sản có tín hiệu phục hồi; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tính đạt 2945,2 nghìn tỷ đồng, tăng 10,6% so với năm 2013 (loại trừ yếu tố giá thì tăng 6,3%).

Trong năm 2014, nền kinh tế có những dấu hiệu tích cực hơn so với năm 2012 và 2013 nên đã giải quyết việc làm cho khoảng 1,6 triệu lao động, tăng 3,6% so với thực hiện năm 2013.

“Có nhiều yếu tố tạo nên thành công của kinh tế Việt Nam trong năm 2014, trong đó, yếu tố đầu tiên phải kể đến là việc Chính phủ đã chủ động thực thi nhiều chính sách ổn định kinh tế vĩ mô, cải cách thể chế, tích cực hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế. Kết quả đạt được là rõ ràng và đáng khích lệ”, TS Trần Đình Thiên nhận định.

Tuy nhiên, nền kinh tế vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức. Việt Nam đã và đang đàm phán ký kết hàng loạt hiệp định hội nhập ở đẳng cấp rất cao, trong khi năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp nội địa rất yếu, trình độ quản trị quốc gia không cao, năng suất lao động thấp, trình độ lao động thua kém nhiều nước trong khu vực và thế giới. Nền kinh tế có dấu hiệu phục hồi nhưng chưa bền vững và có thể quay trở lại quỹ đạo tăng trưởng thấp…

TS Trần Đình Thiên cũng cung cấp thông tin: theo báo cáo của Bộ Khoa học Công nghệ năm 2012, phần lớn các doanh nghiệp trong nước sử dụng công nghệ tụt hậu so với mức trung bình của thế giới từ 2 đến 3 thế hệ; Khoảng 80%-90% công nghệ Việt Nam đang sử dụng là ngoại nhập; 76% máy móc, dây chuyền công nghệ nhập thuộc thế hệ những năm 1950-1960; 75% số thiết bị đã hết khấu hao; 50% là đồ tân trang. Tính chung các doanh nghiệp, mức độ thiết bị hiện đại chỉ có 10%, trung bình 38%, lạc hậu và rất lạc hậu là  52%. Tỷ lệ sử dụng công nghệ cao chỉ ở mức 2% so với 31% của Thái Lan, 51% của Malaysia, 73% của Singapore…

"Đáng nói hơn, các doanh nghiệp Việt Nam thờ ơ với công nghệ, ít có động lực sáng tạo; còn các công ty có vốn đầu tư nước ngoài cũng không mấy quan tâm tới nghiên cứu phát triển tại Việt Nam vì vấn đề này đã được thực hiện tại công ty mẹ. Đây là một thực trạng rất cần được quan tâm" - ông Thiên nhấn mạnh.

Giám sát thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài và nhập siêu

Nhiều ý kiến tại Diễn đàn kinh tế Mùa Xuân ghi nhận tình hình kinh tế Việt Nam quý I/2015 có mức tăng trưởng GDP đạt 6,03% so với cùng kỳ 2014 và là quý I có mức tăng trưởng cao nhất trong 5 năm trở lại đây (tốc độ tăng GDP quý I giai đoạn 2010-2014 lần lượt là 5,97%; 5,90%; 4,75%; 4,76% và 5,06%). Nếu loại trừ tính mùa vụ, tăng trưởng GDP quý I/2015 còn cao hơn quý IV/2014 (6,62% so với 6,27%), duy trì xu hướng cải thiện từ quý IV/2012. 

Theo ông Hà Huy Tuấn, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, tăng trưởng GDP cả năm 2015 cũng sẽ tích cực hơn năm 2014 do cải thiện về cả tổng cầu lẫn tổng cung. Tổng cầu đầu tư cũng cải thiện khi dư nợ tín dụng 3 tháng đầu năm tăng nhanh hơn cùng kỳ. Tính đến 20-3-2015, tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế đạt 1,25% (cao hơn nhiều so với mức giảm 0,57% của cùng kỳ năm 2014). Với những diễn biến tích cực, dự báo tăng trưởng GDP năm 2015 có khả năng đạt mức trên 6,2%.

Lạm phát tiếp tục duy trì ở mức thấp. CPI 3 tháng đầu năm chỉ tăng 0,93% so với cùng kỳ năm trước (mức tăng tương ứng của cùng kỳ năm 2014 là 4,39%). “Trước mắt, trong Quý I, có 2 vấn đề cần được tiếp tục theo dõi và có đánh giá thích hợp là việc giảm sút FDI và nhập siêu vì đây là có thể là những vấn đề sẽ tác động tới công tác điều hành chính sách tiền tệ cũng như các vấn đề kinh tế vĩ mô khác”, ông Tuấn nhận định.

 Trao đổi với PV Báo SGGP, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc: “Trong 3 việc nhà nước cần làm về mặt thể chế để nâng cấp môi trường đầu tư kinh doanh thì chỉ mới có khâu cải cách thủ tục hành chính vừa qua là rõ định hướng và làm tương đối tốt. Còn việc cải thiện dịch vụ công đang triển khai rất chậm, mà động lực của quá trình này là phải xã hội hóa mạnh mẽ hơn nữa. Nhà nước chỉ cần thực hiện một số dịch vụ công, còn những gì chuyển giao được thì nên chuyển giao cho các tổ chức xã hội và tư nhân càng nhiều càng tốt. Đầu tư công cũng vậy, cần được xã hội hóa để mở ra cơ hội phát triển cho khu vực tư nhân; việc xây dựng, vận hành đường sá, sân bay, cơ sở y tế, giáo dục… đều có thể giao cho tư nhân. Thậm chí cả trụ sở cơ quan hành chính, nhà nước cũng không phải bỏ vốn đầu tư mà chỉ xác định tiêu chí, tiêu chuẩn để tư nhân đầu tư xây dựng và nhà nước thuê lại… Việc này như một mũi tên trúng cả hai đích: vừa tạo ra thị trường rộng lớn cho phát triển khu vực tư nhân vừa giảm gánh nặng (cả sức lực và vốn liếng) cho nhà nước để tập trung vào quản lý”.

ANH PHƯƠNG

Tin cùng chuyên mục