Ngành mía đường ở vị trí nào khi hội nhập?

Đó là câu hỏi mà ông Lê Văn Bảnh, Cục trưởng Cục Chế biến nông lâm thủy sản và nghề muối, đặt ra tại hội thảo đánh giá tác động hội nhập đến ngành mía đường, do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) phối hợp Tập đoàn Thành Thành Công vừa tổ chức ở TPHCM.
Ngành mía đường ở vị trí nào khi hội nhập?

Đó là câu hỏi mà ông Lê Văn Bảnh, Cục trưởng Cục Chế biến nông lâm thủy sản và nghề muối, đặt ra tại hội thảo đánh giá tác động hội nhập đến ngành mía đường, do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) phối hợp Tập đoàn Thành Thành Công vừa tổ chức ở TPHCM.

Nhiều thách thức

Theo ông Phạm Quang Huy, Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ NN-PTNT), hiện nay Việt Nam đã hoàn tất đàm phán 12 hiệp định thương mại tự do (FTA). Trong số đó, 8 FTA đã có hiệu lực và đang thực thi. Các FTA thế hệ mới đã kết thúc đàm phán gồm FTA Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) và Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Trong thời gian tới sẽ còn nhiều hiệp định được ký kết. Các hiệp định này mở ra nhiều cơ hội cho hàng hóa, trong đó có nông sản, thâm nhập các thị trường mới, nhưng bên cạnh đó là thách thức mà những ngành hàng yếu kém như mía đường, chăn nuôi sẽ phải có những giải pháp phù hợp, nếu không muốn bị thua ngay trên sân nhà.

Hệ thống cơ giới hóa đang được áp dụng tại hầu hết vùng nguyên liệu mía của Tập đoàn Thành Thành Công.

Ông Phạm Quốc Doanh, Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam, thừa nhận mặc dù mía đường là một trong những ngành nông nghiệp đầu tiên hình thành chuỗi giá trị trong tổ chức sản xuất, có vùng nguyên liệu và hệ thống cơ sở hạ tầng khá, 41 nhà máy đường vượt qua giai đoạn thua lỗ triền miên (1995-2005) và đã được cổ phần hóa… nhưng những thách thức vẫn không phải là ít, cần phải được giải quyết trong bối cảnh hội nhập. Hai điều cơ bản mà ngành này chưa đạt được như Chính phủ đặt ra là năng suất (bình quân mới đạt 64 tấn/ha/vụ, thay vì chỉ tiêu là 70 tấn/ha/vụ) và chữ đường - ccs (9,4ccs thay vì 10ccs). Ngành có vùng nguyên liệu khoảng 300.000ha nhưng vẫn còn khá manh mún, nên khó có thể cơ giới hóa, nhất là trong bối cảnh khan hiếm lao động như hiện nay khi thanh niên nông thôn có xu hướng vào làm việc ở thành phố hay khu công nghiệp. Nhiều vùng nguyên liệu có độ dốc cao không phù hợp với cây mía để bón phân, tưới tiêu và để cơ giới hóa. Nhưng nút thắt cần phải được giải tỏa là quan hệ giữa nhà máy đường với người trồng mía chưa có sự gắn kết như kiểu “môi hở răng lạnh”. Việc xác định chữ đường cây mía khi bán cho nhà máy trở thành vấn đề mâu thuẫn triền miên, người trồng mía chưa có niềm tin khi nhà máy là nơi xác định ccs thay vì phải là bên độc lập thứ ba. Điều  này làm cho sự gắn kết giữa hai bên bị lỏng lẻo, dễ dẫn đến tình trạng “bẻ kèo” phá vỡ chuỗi liên kết. Việc phân chia lợi nhuận trong chuỗi cũng là vấn đề không nhỏ khác. Thái Lan có hẳn Luật Mía đường 1984, trong đó chia sẻ lợi nhuận giữa người trồng mía và doanh nghiệp sản xuất với  tỷ lệ  70% - 30% nguồn thu từ bán hàng trong nước, xuất khẩu đường và các sản phẩm phụ có được.

Tái cơ cấu lại ngành mía đường

Bên cạnh những thua kém so với các nước, hiện đã xuất hiện các mô hình đi đầu trong việc chuẩn bị hội nhập. Cụ thể  như Công ty cổ phần Đường Quảng Ngãi, trong khi năng suất nhiều nơi suy giảm do khô hạn thì vùng nguyên liệu của công ty này vẫn tăng năng suất nhờ hệ thống tưới tiêu. Công ty cổ phần Mía đường Thanh Hóa với công suất lên đến 12.000 tấn mía/ngày (trong khi bình quân cả nước là 5.000 tấn mía/ngày/nhà máy), sử dụng công nghệ chế biến thăng hoa thay vì công nghệ ly tâm. Cả hai công ty này đều có sản phẩm đa dạng ngoài đường. Hay như cách làm bài bản và chuyên nghiệp của Tập đoàn Thành Thành Công, có hẳn Trung tâm Nghiên cứu mía (sẽ chuyển thành Viện Nghiên cứu mía đường), sử dụng tia laser trong việc hình thành các cánh đồng mía với độ phẳng gần như tuyệt đối, cơ giới hóa nhiều khâu và hệ thống tưới tiêu tiết kiệm, nên năng suất vùng mía nguyên liệu ở Tây Ninh của Thành Thành Công lên đến 88 tấn/ha, hướng đến 95 tấn/ha.

Ông Đặng Văn Thành, Chủ tịch Tập đoàn Thành Thành Công, cho biết đó là kết quả mà tập đoàn âm thầm làm trong 4 năm qua, khi đưa quản trị và điều hành chuyên nghiệp vào lĩnh vực mía đường. Tập đoàn Thành Thành Công đã đi nhiều nước có thế mạnh mía đường để học hỏi cách làm, như dùng máy móc cày xới đất đúng quy chuẩn để bộ rễ cây mía bám sâu giúp chống chịu lại được khô hạn; nghiên cứu thời điểm nào để cây mía ngậm chất dinh dưỡng của phân bón tốt nhất, loại phân bón nào, phù hợp thổ nhưỡng nào, đặc biệt sử dụng bã bùn mà nhiều nơi chưa quan tâm… Bên cạnh sản phẩm đường ăn các loại, đơn vị còn tận dụng các phế phẩm như bã mía, rỉ mật để đa dạng hóa sản phẩm như cồn, ván ép, hay tận dụng bã mía làm ra điện sử dụng cho nhà máy và bán cho hệ thống điện quốc gia. Trong niên vụ qua, Công ty cổ phần Đường Thành Thành Công Tây Ninh đã bán ra hơn 100 tỷ đồng từ điện. Đang thử nghiệm làm nước mía không ngọt, sạch… với mục tiêu nâng cao giá trị cây mía, giúp nông dân có thể làm giàu và điều quan trọng hơn là xóa bỏ mặc cảm tự ti, có đủ niềm tin đuổi kịp và cạnh tranh với ngành đường các nước trong khoảng 5 năm tới.

Nông dân Vị Thanh (tỉnh Hậu Giang) thu hoạch mía. Ảnh: Duy Khương

Ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT cho rằng, cần nhận biết những tác động hội nhập để chủ động và thích ứng. Trước áp lực cạnh tranh, một số doanh nghiệp sẽ bị cô lập, co cụm và cuối cùng chuyển nhượng, tạo điều kiện sáp nhập hay tập đoàn nước ngoài nhảy vào thâu tóm như các ngành khác. Ngoài ra, ông Nam cũng cho rằng nên nghiên cứu Quỹ Phát triển mía đường như cách của Thái Lan đã làm, đất nước có nhiều nét tương đồng với Việt Nam (khoảng 90% diện tích là nông hộ).

Ông Phạm Quốc Doanh cho rằng, không còn con đường nào khác là ngành mía đường phải tái cơ cấu lại lần nữa, từ quy hoạch, giống, thủy lợi đến cơ giới hóa. Chủ động vùng nguyên liệu, chuyển vùng mía xuống đồng bằng. Đồng quan điểm này, ông Đặng Văn Thành đề nghị Bộ NN-PTNT mạnh dạn tái cấu trúc ngành mía đường, trong đó quy hoạch lại các nhà máy đường theo vị trí địa lý với cự ly hợp lý, đặc biệt là vùng đồng bằng sông Cửu Long, để kiểm soát chi phí vận chuyển. Ông  Rangsit Hiangrat, Tổng Giám đốc Tập đoàn Sugar Nillers Thái Lan, cho biết, sự phát triển mạnh mẽ ngành mía đường Thái Lan chính là nhờ vào chính sách và định hướng phát triển của chính phủ (thông qua Luật Mía đường)…

CÔNG PHIÊN

Diện tích mía giảm, khó tránh khỏi tranh giành vùng nguyên liệu

(SGGP).- “Do ảnh hưởng của hạn hán, xâm nhập mặn làm cho mía bị sâu bệnh nhiều, không ít địa phương trong vùng ĐBSCL xuống giống trễ, diện tích giảm nên tình trạng cạnh tranh thu mua mía nguyên liệu giữa các nhà máy đường trong và ngoài tỉnh khi vào thời điểm thu hoạch sẽ khó tránh khỏi”, đây là nhận định của các đại biểu tại cuộc họp ngành mía đường tỉnh Hậu Giang, ngày 21-7.

Hậu Giang hiện là tỉnh có diện tích mía đường cao nhất khu vực ĐBSCL. Niên vụ mía 2016 - 2017, Hậu Giang có gần 10.900ha, hiện 3 nhà máy đường trên địa bàn đã tiến hành bao tiêu được 10.056ha, chiếm 89,55%, diện tích còn lại do nông dân bán cho các cơ sở thu mua ép nước mía. Giá sàn thu mua các nhà máy đưa ra là 830 - 850 đồng/kg. Hiện giá đường ở mức cao hơn cùng kỳ. Các nhà máy đường thống nhất thời gian vào vụ ép là ngày 10-9.

CAO PHONG

Tin cùng chuyên mục