Nhiều hành vi vi phạm về kinh doanh sản phẩm có nguồn gốc từ sữa bột

Thời gian qua, nhiều tổ chức, cá nhân đã lợi dụng những đổi mới trong thủ tục hành chính để hoạt động phạm tội, vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm, đáng chú ý là vi phạm trong sản xuất, kinh doanh các sản phẩm có nguồn gốc từ sữa bột như: sản phẩm dinh dưỡng, thực phẩm bổ sung, sản phẩm dinh dưỡng y học...

Chiều 10-5, Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường (C05), Bộ Công an, tổ chức tọa đàm nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh sữa dạng bột.

Đại tá Trần Anh Tuấn (Phó Cục trưởng C05) cho biết, đối với vi phạm trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh hàng giả, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ, C05 đã trực tiếp khởi tố 3 vụ án “Sản xuất, kinh doanh hàng giả là thực phẩm”, xảy ra tại Hải Dương, Hà Nội, thu giữ trên 60.000 sản phẩm các loại.

quang cảnh 2.jpg
Quang cảnh buổi tọa đàm

Từ tháng 1-2023 đến nay, công an các địa phương đã đấu tranh, khám phá, xử lý 86 vụ vi phạm pháp luật trong sản xuất, kinh doanh các sản phẩm có nguồn gốc từ sữa bột, khởi tố 5 vụ, 11 bị can, xử lý hành chính 81 vụ với 88 tổ chức và cá nhân vi phạm.

Mặc dù cơ quan chức năng đã mạnh tay xử lý, nhưng những năm qua, nhiều tổ chức, cá nhân đã lợi dụng những đổi mới (cắt giảm thủ tục hành chính; chuyển đổi cơ chế quản lý từ "tiền kiểm" sang "hậu kiểm"; giao cho tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm tự công bố sản phẩm, tự chịu trách nhiệm về chất lượng, an toàn của sản phẩm) để hoạt động phạm tội, vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm, đáng chú ý là vi phạm trong sản xuất, kinh doanh các sản phẩm có nguồn gốc từ sữa bột như: Sản phẩm dinh dưỡng, thực phẩm bổ sung, sản phẩm dinh dưỡng y học...

Lãnh đạo C05 cũng thông tin, các hành vi vi phạm chủ yếu là sản xuất hàng giả về nhãn hiệu, nguồn gốc xuất xứ, giả về chất lượng, công dụng, giá trị sử dụng của sản phẩm; hàng hóa không có các chỉ tiêu chất lượng, định lượng chất chính, công dụng của hàng hóa hoặc chỉ đạt mức từ 70% trở xuống so với mức tối thiểu quy định tại quy chuẩn kỹ thuật hoặc tiêu chuẩn chất lượng đã đăng ký...

Tại tọa đàm, Thiếu tướng Nhữ Thị Minh Nguyệt (Phó Cục trưởng C05) thông tin thêm về tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật trong hoạt động sản xuất, kinh doanh sữa bột. Theo đó, tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật trong hoạt động sản xuất, kinh doanh sữa dạng bột thời gian qua diễn biến phức tạp, là mối quan tâm lo ngại của người dân và doanh nghiệp.

Hiện nay, nổi lên là các hành vi: không đăng ký kinh doanh, không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm cho nơi sản xuất thực tế; sử dụng nguyên liệu giá rẻ, chất lượng thấp; điều kiện vệ sinh nhà xưởng, máy móc, trang thiết bị dụng cụ không đảm bảo...

Trong đó, có nhiều sản phẩm lấy hình ảnh của các nghệ sĩ, người nổi tiếng hoặc cắt ghép, chỉnh sửa các hình ảnh, chương trình đang được đông đảo dư luận quan tâm nhằm tăng niềm tin của người tiêu dùng về tính năng, công dụng, tác dụng của sản phẩm.

Thiếu tướng Nguyệt.jpg
Thiếu tướng Nhữ Thị Minh Nguyệt (Phó Cục trưởng C05) thông tin thêm về tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật trong hoạt động sản xuất, kinh doanh sữa bột

Lãnh đạo C05 cũng thông tin, địa bàn thường xảy ra vi phạm là nơi có số lượng các cơ sở sản xuất sữa dạng bột có quy mô vừa và nhỏ, nơi tập trung đông người lao động có thu nhập trung bình và thấp ở các đô thị lớn như Hà Nội, TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương...

Nhiều sản phẩm sữa quảng cáo, tự công bố có tác dụng hỗ trợ điều trị bệnh tiểu đường, cơ xương khớp, tăng cường sinh lý cho nam giới nhưng qua đấu tranh phát hiện các đối tượng tự ý thay thế bằng các nguyên liệu giá rẻ, có tác dụng "ngược", hoặc kiểm nghiệm không phát hiện các thành phần như hồ sơ đăng ký công bố/tự công bố.

"Hàng năm, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm có tiến hành thanh tra, kiểm tra đối với các doanh nghiệp sản xuất sữa bột thông báo trước nên cũng chỉ phát hiện các vi phạm hành chính về điều kiện đảm bảo an toàn với mức xử phạt rất thấp; việc lấy mẫu kiểm soát chất lượng còn hạn chế, không kiểm nghiệm hết các chỉ tiêu công bố nên không xử lý về hành vi sản xuất hàng giả.

Cá biệt, một số trường hợp khi lực lượng công an nhân dân tiến hành kiểm tra đối với cơ sở sản xuất sữa bột đã phát hiện có dấu hiệu tội phạm, phải xử lý hình sự nhưng trước đó (trong cùng một năm) đã có 2 đoàn kiểm tra "hậu kiểm" của cơ quan cấp phép và đoàn kiểm tra liên ngành nhưng không phát hiện vi phạm gì", Thiếu tướng Nguyệt cho biết.

Lãnh đạo C05 cho rằng, mô hình quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm hiện nay dù đã thu gọn giao cho 3 bộ quản lý nhưng thực tế lại giao cho nhiều cơ quan chuyên môn khác nhau thực hiện. Tại địa phương, mô hình quản lý an toàn thực phẩm không giống nhau, làm công tác lãnh đạo, chỉ đạo từ Trung ương đến cơ sở không được thống nhất, còn phân tán, không được liên thông. Bên cạnh đó, việc chuyển đổi cơ chế quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm từ "tiền kiểm" sang "hậu kiểm" có nhiều bất cập. Việc "hậu kiểm" của cơ quan chức năng hiện còn rất hạn chế, không có hiệu quả, không quy định tần suất, hình thức, nội dung hậu kiểm.

Tin cùng chuyên mục