Nhật Bản ghi nhận thặng dư tài khoản vãng lai cao kỷ lục

Ngày 10-5, số liệu do Chính phủ Nhật Bản công bố cho thấy thặng dư tài khoản vãng lai của nước này trong tài khóa 2023 đã tăng lên 25.340 tỷ yên (163 tỷ USD), tăng 2,8 lần so với 1 năm trước đó và là mức cao nhất từ trước đến nay.

Tháng 3 đánh dấu lần đầu tiên số khách du lịch nước ngoài tăng lên 3 triệu người/tháng. Ảnh: Nikkei Asia
Tháng 3 đánh dấu lần đầu tiên số khách du lịch nước ngoài tăng lên 3 triệu người/tháng. Ảnh: Nikkei Asia

Theo kết luận sơ bộ của Bộ Tài chính, nguyên nhân là nhờ lợi nhuận kỷ lục từ đầu tư nước ngoài và thâm hụt thương mại giảm mạnh. Thâm hụt thương mại giảm gần 80% (3.570 tỷ yên) nhờ xuất khẩu tăng 2,1% (lên 101.870 tỷ yên) trong khi nhập khẩu giảm 10,3% (xuống 105.440 tỷ yên).

Theo Jiji Press, một yếu tố khác góp phần tăng thặng dư tài khoản vãng lai của Nhật Bản là du lịch nội địa phục hồi, do giá đồng yên giảm mạnh giúp chi phí du lịch và mua sắm ở Nhật Bản rẻ hơn đối với du khách nước ngoài. Thặng dư du lịch của nước này tăng gấp 3 lần lên mức cao kỷ lục 4.230 tỷ yên trong tháng 3 – tháng đánh dấu lần đầu tiên số khách du lịch nước ngoài tăng lên 3 triệu người/tháng.

Thặng dư du lịch nghĩa là chi tiêu của du khách nước ngoài đến Nhật Bản vượt xa số tiền chi tiêu của người Nhật Bản ở nước ngoài. Chỉ riêng trong tháng 3, thặng dư tài khoản vãng lai của nước này tăng 44% lên 3.400 tỷ yên, mức cao nhất kể từ khi có dữ liệu so sánh vào năm 1985.

Trong khi đó, chính phủ cũng công bố số liệu cho biết, chi tiêu tiêu dùng của Nhật Bản đã giảm 1,2% trong tháng 3 so với 1 năm trước đó. Đây là tháng giảm thứ 13 liên tiếp, làm lu mờ triển vọng Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BOJ) sẽ tăng lãi suất.

Screenshot 2024-05-10 at 13.52.58.png
Người tiêu dùng xem hàng hoá tại một gian hàng ở Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: Saltwire

Theo ông Takeshi Minami, nhà kinh tế tại Viện nghiên cứu Norinchukin, tiêu dùng có thể đã chạm đáy nhưng xu hướng tiêu dùng tiết kiệm vẫn mạnh, do chi phí sinh hoạt có khả năng tiếp tục tăng do đồng yên suy yếu. Trừ khi cuộc khủng hoảng tiền tệ nổ ra khiến dòng vốn tháo chạy, nếu không BOJ sẽ không tăng lãi suất để bảo vệ đồng yên ít nhất đến tháng 10 để xác nhận chu kỳ tiền lương và giá cả ổn định trước khi tăng lãi suất.

Tin cùng chuyên mục