Lao đao sân khấu kịch xã hội hóa

Từ nhiều năm qua, bên cạnh sự lo lắng, trăn trở về lực lượng diễn viên, kịch bản chất lượng, đội ngũ tác giả, đạo diễn có tay nghề… thì nỗi khổ lớn nhất của các ông bà “bầu” sân khấu xã hội hóa (XHH) chính là việc tìm kiếm và thuê mướn mặt bằng - sân khấu đáp ứng được yêu cầu tổ chức biểu diễn kịch nói tại TPHCM... 
Nhiều sàn diễn đóng cửa
Trong năm qua, Sân khấu kịch IDECAF đóng cửa điểm diễn tại số 7 Trần Cao Vân - Nhà Thiếu nhi (NTN) quận 1. Nơi đây chính thức tháo dỡ toàn bộ cơ sở hạ tầng để khởi động xây dựng công trình NTN mới.
Đến cuối tháng 2 này, sân khấu kịch của bà “bầu” Hồng Vân sẽ trả lại mặt bằng sân khấu Superbowd và phòng dạy học tại đây, hoạt động tổ chức biểu diễn và cả công tác đào tạo diễn viên trẻ sẽ phải thu gọn lại tại địa điểm Trung tâm Văn hóa (TTVH) quận Phú Nhuận.
Không chỉ vậy, ở tương lai không xa, khi Sân khấu kịch Phú Nhuận của bà “bầu” Hồng Vân hết hợp đồng 5 năm với đơn vị TTVH quận Phú Nhuận, cũng là lúc TTVH này chính thức tạm ngưng cho thuê mặt bằng sân khấu để tiến hành xây dựng công trình TTVH mới.
Dự tính vào năm 2020, sân khấu kịch Phú Nhuận sẽ phải đóng cửa, từ đây việc tìm kiếm điểm diễn mới để ổn định hoạt động của bà “bầu” đa tài Hồng Vân là muôn vàn khó khăn và đầy gian nan, thử thách. 
Lao đao sân khấu kịch xã hội hóa ảnh 1 Dù không có nơi làm nghề ổn định, Nhà hát kịch 5B vẫn nỗ lực hoạt động nghệ thuật với sự ra mắt thành công vở Kỳ án xứ mặt trời
Trong khi đó, Nhà hát sân khấu nhỏ 5B - cái nôi của sân khấu kịch thành phố cũng “tắt đèn” hơn 2 năm qua. Đội ngũ nhân lực đang làm việc tại sân khấu này mỗi ngày mòn mỏi chờ sự thống nhất và quyết định cụ thể về dự án xây dựng cơ ngơi mới.
Trong thời gian chờ đợi, khi có dự án, kế hoạch tổ chức biểu diễn, các nghệ sĩ, nhân viên phải tận dụng không gian phòng khách của Hội Sân khấu TPHCM để tập luyện và khi vở hoàn chỉnh, phải mượn sân khấu rạp Công Nhân của đơn vị Nhà hát kịch TPHCM để phúc khảo, công diễn. 
Lối ra nào cho sàn diễn?
Muôn nỗi khó khăn đang đổ dồn lên tình yêu nghề, niềm say mê nghệ thuật và nhiệt huyết với sàn diễn của các ông bà “bầu” sân khấu kịch nói.
Nhìn vào mặt bằng sân khấu cho thuê mướn làm điểm tổ chức biểu diễn văn hóa nghệ thuật hiện nay tại TPHCM, gần như không có sàn diễn nào đẹp, đủ chuẩn, có vị thế tốt, nằm ở khu vực đông dân cư, khu trung tâm, có thể đáp ứng cho hoạt động tổ chức biểu diễn kịch nói. Không có điểm diễn, các ý tưởng nghệ thuật, những mong muốn biểu diễn sẽ không thể phát huy, nghệ sĩ không có nhiều cơ hội rèn nghề...
Từ đây, các tác phẩm sân khấu nghệ thuật sẽ không có cơ hội đến với công chúng. Không chỉ vậy, lo lắng hơn hết chính là việc đóng cửa, tắt đèn sàn diễn lâu dài sẽ khiến lực lượng khán giả của các sân khấu kịch dần quên đi thói quen đến rạp xem kịch. Và cứ thế, theo dòng chảy của thời gian, loại hình sân khấu kịch nói cứ mất dần lượng khán giả quen thuộc.
Bà “bầu” Mỹ Uyên của Nhà hát sân khấu nhỏ 5B, tâm tư: “Vấn đề cơ sở vật chất muôn đời là nỗi khó khăn, niềm trăn trở khôn nguôi của các ông bà “bầu” sân khấu XHH.
Trước tình hình thực tế, nhiều sàn diễn đã, đang và chuẩn bị “tắt đèn”, nếu không có những biện pháp, giải pháp mới, sự hỗ trợ, giúp đỡ kịp thời từ các cấp, các ngành quản lý văn hóa, chắc chắn rằng, ở một tương lai không xa, thị trường tổ chức biểu diễn loại hình nghệ thuật kịch nói tại TPHCM - nơi từng là điểm sáng loại hình sân khấu kịch nói XHH, khiến sân khấu miền Bắc nể phục, học tập - sẽ ngày kém sắc, thưa thớt và mai một.

Tin cùng chuyên mục