Mượn hồ sơ người khác xin việc - Tiềm ẩn nguy cơ tranh chấp

Doanh nghiệp khi tuyển dụng lao động vào làm việc không kiểm tra chặt chẽ hồ sơ nên không phát hiện tình trạng mượn hồ sơ người khác để xin việc. Đến khi phát sinh các quyền lợi về BHXH, người lao động phải lãnh hậu quả…
Mượn hồ sơ người khác xin việc - Tiềm ẩn nguy cơ tranh chấp

Doanh nghiệp khi tuyển dụng lao động vào làm việc không kiểm tra chặt chẽ hồ sơ nên không phát hiện tình trạng mượn hồ sơ người khác để xin việc. Đến khi phát sinh các quyền lợi về BHXH, người lao động phải lãnh hậu quả…

  • Rắc rối

Cách đây hơn 10 năm, anh N.C.H. từ Quảng Trị vào TPHCM tìm việc làm, lúc đó yêu cầu của công ty là phải có bằng THPT nhưng anh H. thì chỉ mới học xong lớp 9. Do yêu cầu của công ty và nhu cầu cần việc làm, anh H. đã mượn bộ hồ sơ xin việc và lấy tên của người anh họ cùng phòng trọ để đi xin việc. Mọi việc diễn ra tốt đẹp cho đến tháng 9-2012, do tình hình kinh doanh thua lỗ, công ty phá sản và rắc rối bắt đầu từ đây.

“Khi tôi lên làm thủ tục để nhận trợ cấp thất nghiệp họ yêu cầu nộp giấy CMND đúng với tên người ghi trên sổ BHXH. Do ông anh họ đã về quê mấy năm nay rồi, lúc này tôi mới thú thật là do hồi trước mượn hồ sơ xin việc, chứ thực chất tên người trong sổ với anh là một người. Lúc đó cán bộ hướng dẫn tôi đến BHXH để làm thủ tục giải quyết. Thấy thủ tục cũng rắc rối, nhưng vì quyền lợi hơn 10 năm làm việc nên cũng phải làm” - anh H. bày tỏ.

Tương tự, chị N.T.N. quê ở Phú Thọ, vào làm công nhân may tại Bình Chánh. Chị N. cho biết, năm 2006, do chưa đủ tuổi lao động nên chị đành phải mượn hồ sơ của chị gái để ký hợp đồng lao động với công ty và lấy luôn tên của chị gái. Trước đây, chỉ gặp mỗi rắc rối nhỏ khi đi khám bệnh bằng BHYT. “Khi chị sinh đứa con đầu lòng mới vỡ lở. Lúc đó em nhập viện bằng tên của chị em để được hưởng BHYT và chế độ thai sản.

Điều đáng nói là trong giấy chứng sinh của con em cũng ghi tên của chị gái là mẹ nên em không thể khai sinh cho cháu, trong khi giấy kết hôn lại ghi tên của em. Cuối cùng em đành phải thú thật chuyện do mình mượn hồ sơ đi xin việc và mong được giúp đỡ cho con em được khai sinh đúng với tên mẹ” - chị N. lo lắng.

Doanh nghiệp nộp bảo hiểm xã hội để đảm bảo quyền lợi người lao động.

Doanh nghiệp nộp bảo hiểm xã hội để đảm bảo quyền lợi người lao động.

Hiện nay, do nhu cầu lao động cao nên các doanh nghiệp dễ dãi tuyển chọn, không cần biết hồ sơ thật hay giả, đáng chú ý có cả đối tượng phạm tội mượn hồ sơ người khác hoặc làm hồ sơ giả nhằm trốn tránh sự truy nã của công an.

  • Cho phép điều chỉnh

Theo BHXH TPHCM, việc người lao động mượn hồ sơ mang tên người khác để đi làm và tham gia BHXH, BHYT không chỉ gây khó khăn, phức tạp cho cơ quan BHXH trong việc thực hiện chức năng của mình, mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của chính đáng của người lao động sau này về các quyền lợi liên quan đến BHXH, bảo hiểm y tế, hưu trí...

Ông Trần Dũng Hà, Trưởng phòng Chế độ BHXH (BHXH TPHCM) cho biết, nếu cơ quan BHXH phát hiện các trường hợp như vậy sẽ xử phạt hành chính. Sau khi chấp hành xong quyết định xử phạt, người lao động sẽ được cơ quan BHXH hướng dẫn điều chỉnh đúng nhân thân của mình trước khi được giải quyết các chế độ về BHXH.

Trường hợp đã thanh toán các chế độ mới phát hiện không đúng đối tượng thì BHXH thu hồi tiền trợ cấp đã chi trả. Thời gian qua BHXH TPHCM cũng gặp nhiều trường hợp người lao động không được hưởng trợ cấp thai sản do tên mẹ trong giấy khai sinh khác với tên trong hồ sơ và không liên lạc được người cho mượn tên để đến giải quyết trợ cấp.

Nhiều trường hợp khác khi hưởng trợ cấp thất nghiệp, hưởng trợ cấp BHXH một lần thì người cho mượn tên là người có đầy đủ giấy tờ pháp lý để nhận các trợ cấp chứ thực chất không tham gia đóng BHXH, BHYT. Về nguyên tắc, nếu hồ sơ BHXH không đúng người tham gia (căn cứ vào CMND) thì cơ quan BHXH không thể giải quyết các chế độ. Song, do đây là một thực tế ảnh hưởng đến quyền lợi của rất đông lao động nên cơ quan BHXH TPHCM cho phép điều chỉnh hồ sơ.

Những trường hợp trên sẽ được cấp lại sổ BHXH cộng dồn thời gian đã đóng trước đó. Tuy nhiên, việc mượn giấy tờ của người khác để xin việc tiềm ẩn nhiều nguy cơ tranh chấp quyền lợi BHXH.

Thủ tục cấp lại sổ BHXH phải có đơn giải trình lý do mượn hồ sơ của người mượn tên có xác nhận của chính quyền địa phương, bản sao CMND và hộ khẩu của người mượn tên; đơn giải trình lý do mượn hồ sơ của người cho mượn tên có xác nhận của chính quyền địa phương, trong đó cam kết không tranh chấp quyền lợi BHXH của người mượn tên; công văn của đơn vị xin điều chỉnh lại hồ sơ BHXH sau khi đã điều chỉnh hồ sơ gốc của người lao động lưu tại đơn vị đóng BHXH; tờ khai, biên bản đổi sổ; bản sao sổ BHXH…

HỒ THU

Tin cùng chuyên mục