Thay đổi tư duy quản trị nhân sự

Trong khi tiếp tục tìm tòi các giải pháp đồng bộ nhằm nâng cao năng suất lao động, ở góc độ nhân sự, nhiều chuyên gia, lãnh đạo nhận định: mức độ khai thác năng lực bình quân của cán bộ nhân viên ở doanh nghiệp Việt Nam chỉ đạt mức 52%.
Thay đổi tư duy quản trị nhân sự

Trong khi tiếp tục tìm tòi các giải pháp đồng bộ nhằm nâng cao năng suất lao động, ở góc độ nhân sự, nhiều chuyên gia, lãnh đạo nhận định: mức độ khai thác năng lực bình quân của cán bộ nhân viên ở doanh nghiệp Việt Nam chỉ đạt mức 52%.

Quản lý trao đổi tận tình với công nhân Công ty TNHH May Trí Đạt (TPHCM).

Năng lực... tiềm ẩn!

Chuyên gia Đỗ Thanh Năm, Giám đốc Công ty Tư vấn và hỗ trợ chiến lược Win-Win cho biết, qua khảo sát nội bộ doanh nghiệp Việt Nam mới hay mức độ khai thác năng lực bình quân của cán bộ nhân viên chỉ đạt mức 52%. 48% còn lại nằm ở dạng tiềm ẩn, chưa được khai thác và các cá nhân lao động cũng ít có nhu cầu tự nguyện khai thác, cống hiến. Với mức độ khai thác năng lực như thế, chi phí không tạo nên giá trị gia tăng của doanh nghiệp rất cao, gần bằng 50% quỹ lương.

Theo kết quả khảo sát, nhân viên dùng 29% thời gian để giải quyết việc riêng, trò chuyện, chat với bạn bè. Thực tế cho thấy, nếu chỉ tính bộ phận nhân sự - hành chính ở một doanh nghiệp Việt Nam có quy mô 3.000 người thì tổng quỹ lương luôn cao hơn tổng quỹ lương dành cho bộ phận này ở một doanh nghiệp ngoại có quy mô nhân sự tương đương. Vì khối nhân sự - hành chính của doanh nghiệp Việt Nam thường đông gấp 2 - 4 lần so với khối nhân sự - hành chính ở doanh nghiệp ngoại. Nó dẫn đến mức thu nhập bình quân/người ở doanh nghiệp trong nước thấp hơn, mà tổng chi phí có khi lại cao hơn. Đó cũng là một điển hình của lãng phí công suất lao động, chưa được khai thác hết. Điều đó đặt ra bài toán trong vận hành hệ thống của doanh nghiệp: thay đổi cung cách khai thác năng suất lao động, trên nguyên tắc công bằng không có nghĩa là một cái bánh chia đều từng miếng cho tất cả mọi người cùng tham gia bàn ăn, mà phải là một cái bánh sẽ được chia theo tỷ lệ đóng góp công sức lao động của mỗi người tham gia bàn ăn đó. Hệ thống vận hành công bằng theo cung cách đó sẽ giúp nhân sự có động lực phấn đấu và tự khơi dậy năng suất lao động còn tiềm ẩn của mình. Đồng nghĩa người lao động sẽ có động lực tự học, tự áp dụng kiến thức khoa học tốt hơn cho công việc. Đồng thời, việc doanh nghiệp dành một quỹ chi phí nâng cao trình độ, kiến thức, đào tạo cho lao động sẽ không bị uổng phí hoặc mất chi phí (đào tạo xong lại bỏ sang công ty khác làm).

Kích hoạt lòng đam mê

Sản xuất giày xuất khẩu tại Công ty Quế Bằng. Ảnh: Cao Thăng

Chia sẻ về kinh nghiệm động viên nhân viên làm việc, ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch HĐQT Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TPHCM (Saigon Co.op) cho biết, Saigon Co.op là đơn vị bán lẻ với đội ngũ nữ rất đông. Lao động nữ vốn hay quan tâm đến người khác và ngược lại, các chị cũng mong nhận được những lời khen. Saigon Co.op đáp ứng điều đó, thường xuyên khen ngợi các chị. Tuy nhiên, với đội ngũ hơn đứng tuổi như thế và có nguồn gốc từ đơn vị nhà nước chuyển sang, có những hạn chế nhất định, Saigon Co.op cần thêm trợ lực thứ 2: đội ngũ quản trị chuyên nghiệp, phải mạnh dạn, xốc vác, hăng hái. Saigon Co.op đã thu hút lực lượng trẻ được đào tạo bài bản và ông Hòa cùng ban lãnh đạo đã kết nối 2 lớp nhân viên một cách hài hòa. “Nhờ trao lời khen và tặng cơ hội cho đội ngũ của mình, Saigon Co.op đã kích hoạt lòng đam mê của các chị và năng lực quản trị để cả hệ thống vận hành tốt”, ông Hòa chia sẻ.

Theo ông Đỗ Thanh Năm, để khai thác giá trị tài sản nhân sự, doanh nghiệp Việt Nam cần phải thay đổi tư duy về quản trị nhân sự. Vai trò thật sự của lãnh đạo là nhìn ra tiềm năng của nhân viên và nâng vị thế của họ lên để có được sự đóng góp lớn nhất cho doanh nghiệp. Tạo động lực, tạo môi trường làm việc, hệ thống lương thưởng hợp lý, có chương trình định hướng mục tiêu nghề nghiệp cho mỗi nhân sự phát triển giá trị của bản thân… có thể ví như các chìa khóa để khơi mở phần khuất công suất và nỗ lực đóng góp trong một hệ thống chung của người lao động.

Ông Nguyễn Ngọc Hòa chia sẻ, trong sản xuất kinh doanh, có rất nhiều nhân tố quyết định thành công DN. Nhưng con người là nhân tố cái - nhân tố quyết định các nhân tố khác. Nhân tố này cực kỳ phức tạp, đầu tư vào nhân tố này, như nông nghiệp, có nắng có mưa, có được mùa, có mất mùa, không phải đầu tư hôm nay, ngày mai có kết quả, mà phải kiên trì. Vốn thiếu có thể đi vay; công nghệ chưa có thì có thể đàm phán chuyển giao công nghệ, nhưng con người thì khó thể vay mượn, không thể mua bán. Ông Hòa nói: “Con người, đầu tư vào nhân tố này, tôi có niềm tin mãnh liệt, chắc chắn sẽ thu được hiệu quả”.

MẠNH HÒA

Tin cùng chuyên mục