Miền Trung: Sống chung với... rác - Bài 2: Chỉ vài điểm sáng

Trong sự ngột ngạt của rác thải từ các làng quê miền Trung, đâu đó ở Hà Tĩnh, Quảng Bình, Thừa Thiên - Huế hay Quảng Ngãi xuất hiện vài mô hình thu gom rác. Từ cá nhân muốn làm sạch thôn xóm, đến cộng đồng chung tay dọn rác rồi người dân góp tiền lẻ mỗi tháng để thuê nhân công thu gom rác. Mỗi nơi một khác, mỗi nơi một mô hình như điểm sáng le lói nhưng chưa bao giờ các làng quê ở miền Trung có được một giải pháp công nghệ tổng thể để xử lý rác.
Miền Trung: Sống chung với... rác - Bài 2: Chỉ vài điểm sáng

Trong sự ngột ngạt của rác thải từ các làng quê miền Trung, đâu đó ở Hà Tĩnh, Quảng Bình, Thừa Thiên - Huế hay Quảng Ngãi xuất hiện vài mô hình thu gom rác. Từ cá nhân muốn làm sạch thôn xóm, đến cộng đồng chung tay dọn rác rồi người dân góp tiền lẻ mỗi tháng để thuê nhân công thu gom rác. Mỗi nơi một khác, mỗi nơi một mô hình như điểm sáng le lói nhưng chưa bao giờ các làng quê ở miền Trung có được một giải pháp công nghệ tổng thể để xử lý rác.

Mô hình “dân nuôi”

Nói “dân nuôi” ở đây nghĩa là rác được tổ chức thu gom như hợp tác xã và người dân góp tiền mỗi tháng để trả công cho công việc nặng nhọc này. Thiên Lộc (Can Lộc, Hà Tĩnh) là xã xây dựng được đội thu gom rác thải gần 30 người, hàng ngày tổ chức đi thu gom rác thải sinh hoạt của các gia đình rồi vận chuyển đến vùng chôn lấp. Để duy trì hoạt động của tổ thu gom rác này, hàng tháng các hộ dân trong xã đóng góp 6.000 đồng. Dịch vụ mang tính công ích này thu hút sự đồng thuận của người dân.

Chị Nguyễn Thị Tâm (ở xóm 2, Thiên Lộc) nói: “Nông dân bận bịu với công việc đồng áng, từ ngày tổ thu gom rác của các xóm được thành lập, đường làng, ngõ xóm sạch sẽ, thoáng đãng”. Theo thống kê của cơ quan chức năng tỉnh Hà Tĩnh, lượng rác thải sinh hoạt phát sinh từ các hộ gia đình, khu dân cư trên địa bàn Hà Tĩnh khoảng 1.141 tấn/ngày (tương đương 416.465 tấn/năm). Có 140 đơn vị thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải sinh hoạt (3 công ty và 137 hợp tác xã, tổ đội vệ sinh môi trường), tỷ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt vùng nông thôn đạt 37,6%, chưa có khu xử lý chất thải rắn công nghiệp và chất thải nguy hại.

Sau khi rác thải được xử lý thành phân hữu cơ được người dân ở xã Thiên Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tỉnh đem đi bón cho cây trồng. Ảnh: DƯƠNG QUANG

Sau khi rác thải được xử lý thành phân hữu cơ được người dân ở xã Thiên Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tỉnh đem đi bón cho cây trồng. Ảnh: DƯƠNG QUANG

Xã Tân Ninh (Quảng Ninh, Quảng Bình) có 5 thôn nhưng chỉ có 2 thôn Quảng Xá, Hòa Bình áp dụng được mô hình thu gom rác “dân nuôi”, các thôn còn lại như Thế Lộc, Nguyệt Áng, Hữu Tân người dân không “đả thông” được chuyện đóng mỗi tháng 10.000 đồng. Và cứ thế, mô hình xử lý rác của 3 ngôi làng này cứ vứt ra tự nhiên ở đồng ruộng, mọi ngóc ngách của làng, rồi chính trong vườn nhà.

Ông Trần Đại Thọ, Chủ tịch UBND xã Tân Ninh, cho biết: “Thời gian tới chúng tôi sẽ vận động 3 thôn còn lại đăng ký hợp đồng thu gom với Công ty Công trình công cộng huyện Quảng Ninh. Tuy nhiên để làm được điều này, phải cần đến sự hợp tác từ phía người dân”.

Làm phân vi sinh từ rác

Tại thôn La Chữ (Hương Chữ, Hương Trà, Thừa Thiên - Huế), sau khi được hướng dẫn thu gom rác thải để sản xuất phân hữu cơ vi sinh, nhiều hộ dân ở đây đã thực hiện việc thu gom rác thải, xử lý và chế biến phân sinh học thông qua mô hình cộng đồng với chủ thể là người dân địa phương. Họ trực tiếp thu gom rác thải từ vườn, nhà và rác thải ở chợ Hương Chữ vận chuyển đến điểm tập kết. Tại đây, rác thải được các đoàn viên của phường Hương Chữ phân loại và ủ với chế phẩm vixura để làm thành phân vi sinh. Cứ 5m³ rác hữu cơ sau gần 2 tháng ủ bằng chế phẩm sinh học này sẽ cho ra 1 tấn phân vi sinh. Số phân này được các hộ nông dân sử dụng bón cho cây lúa, hoa màu, cây cảnh cho kết quả rất tốt.

Bên cạnh hiệu quả kinh tế, việc làm này còn giải quyết được vấn nạn ô nhiễm rác thải sinh hoạt tại địa bàn nông thôn. Tính ra, một tấn phân hữu cơ vi sinh thành phẩm, nông dân tiết kiệm được hơn 1,1 triệu đồng. Không những vậy, hiện nay việc trồng rau màu của nông dân trong vùng chỉ bón hoàn toàn phân sinh học tự sản xuất, nên cho ra những sản phẩm rau màu sạch, an toàn, dễ tiêu thụ.

Ở vùng hẻo lánh làng bún Ô Sa, (Quảng Vinh, Quảng Điền) được đầu tư 2,9 tỷ đồng để xây dựng hệ thống xử lý nước thải, bằng cách xây dựng mới các tuyến mương có nắp đậy bê tông cốt thép, nước thải từ các lò bún chảy vào hồ sinh học và tuyến mương nhỏ dẫn từ các hộ gia đình đấu nối vào hệ thống mương chung, hoặc các hộ gia đình xây dựng hầm biogas để tận dụng khí thải làm chất đốt phục vụ trở lại cho nghề làm bún. Cách làm này vừa giải quyết được vấn đề ô nhiễm môi trường vừa tăng hiệu quả đầu tư. Hơn nữa, làng bún còn xây dựng được hình ảnh mới trong mắt người tiêu dùng, nâng mức sản xuất lên gấp đôi so với trước.

Trở lại xã Thiên Lộc (Can Lộc, Hà Tĩnh), ở đây đã mạnh dạn xây dựng lò xử lý rác thải thành phân hữu cơ đầu tiên ở vùng nông thôn tỉnh Hà Tĩnh. Lò xử lý rác thải này có sức chứa 29m³ và được vận hành bằng phương pháp dùng chế phẩm sinh học IM ủ rác theo quy trình liên tục, sau khoảng 30 ngày cho ra sản phẩm phân xanh hữu cơ bón cho cây trồng, vừa đảm bảo vệ sinh môi trường, vừa đảm bảo thương hiệu rau an toàn cung cấp ra thị trường. Toàn bộ kinh phí xây dựng gần 500 triệu đồng, gồm có lò xử lý rác thải, các hố đựng rác tạm thời và trang bị đồng bộ 1 hộ gia đình có 2 túi đựng rác, 20 xe vận chuyển rác và dụng cụ bảo hộ lao động.

Hai người “bao đồng”

Rác thải nông thôn đã trở thành mối lo chung của người dân. Nhưng ý thức và cách thức xả rác thờ ơ của đa số dân làng đã đẩy môi trường sống vào đường bị “bức tử”. Trong vô vàn người thiếu ý thức đó, tại tỉnh Quảng Ngãi, có hai người đàn ông đã già nhưng mỗi ngày vẫn gom rác tình nguyện cho dân. Hai cụ ông Nguyễn Tấn Hoàng (84 tuổi) và cụ Trần Thí (87 tuổi), cùng ở thôn Mỹ Tân, xã Nghĩa Hòa, huyện Tư Nghĩa (Quảng Ngãi) là một điển hình.

Người khởi xướng công việc thu gom rác này là cụ Nguyễn Tấn Hoàng. Cách đây 5 năm, khi thấy đoạn đường trong xóm có quá nhiều rác thải do người dân trong thôn vứt bừa bãi khắp nơi, cụ đã bắt đầu thu gom và đốt. Những loại rác không đốt được thì cụ mang đi chôn. Cứ khoảng 3 - 4 ngày, cụ lại dọn rác một lần. “Chủ yếu là rác thải sinh hoạt, có khi bà con còn vô ý vứt cả gà, heo chết ra đường làm mất vệ sinh. Khi mới bắt đầu công việc này, tôi cũng chỉ làm được ở đoạn đường đi qua nhà mình. Nhưng mỗi ngày mình lại cố gắng thêm một tí nên giờ đây con đường chính trong thôn dài gần 2km đã được dọn sạch sẽ” - cụ Hoàng tâm sự. Sau một thời gian thấy công việc ý nghĩa của cụ Hoàng thì cụ Trần Thí ở gần đó đã cùng tham gia.

Chiều chiều, người ta lại thấy hai ông lão mang theo chổi, cuốc và cả xe rùa đi dọn rác. Cụ Trần Thí cho biết: Hồi trước còn khỏe thì cứ cách 3 ngày, hai anh em mới đi dọn vệ sinh một lần, nhưng giờ sức yếu, chúng tôi phải thay đổi bằng cách hôm nay làm đoạn đường này, ngày mai làm đoạn khác. Ban đầu khi con cháu không thích, cho rằng tôi khéo lo chuyện bao đồng. Nhưng với suy nghĩ tuổi già không làm được gì lớn ngoài việc góp phần làm đẹp cho xóm làng, nên tôi cùng ông Hoàng vẫn tiếp tục việc dọn rác.

Có nhiều cách để thu gom rác mà chúng tôi đã khảo sát ở các làng quê, nhưng đó là những mảnh ghép rời rạc tự chính những người làng xướng lên. Mô hình làm phân vi sinh từ rác xem ra có thể áp dụng rộng rãi, nhưng quả thật, để có vốn thực hiện, tự chính người làng chưa đủ năng lực mà rất cần sự hỗ trợ từ cấp tỉnh và trung ương. Bởi ở các cấp huyện, kinh phí xây dựng các bãi rác thải quy chuẩn rất khó do không có kinh phí.

Huyện Đức Phổ là một ví dụ, ông Lê Văn Mùi, Chủ tịch UBND huyện cho biết, địa phương đã quy hoạch xây dựng bãi xử lý rác thải trung tâm của huyện tại xã Phổ Nhơn, rộng hơn 10 ha với nguồn kinh phí khoảng 35 tỷ đồng, nhưng đến nay dự án còn nằm trên giấy vì không có tiền.

NHÓM PHÓNG VIÊN

>> Rác ngập làng quê

Tin cùng chuyên mục